Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tuyến đường vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch, là tuyến đường quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội và cũng là trục chính đô thị phục vụ đi lại nội đô thành phố.
Việc tirển khai xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc vành đai 3 (từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long) có 2 dự án, gồm: Mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nội Bài với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông Hà Nội khởi công từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành vào Tết Nguyên đán 2018; dự án đầu tư cầu cạn cao tốc đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc Vành đai 3 với chủ đầu tư là Bộ GTVT, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, khởi công năm 2017 và dự kiến hoàn thành quý IV/2019.
Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, đã được Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Hà Nội thống nhất, thì sẽ phải dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1.315 cây; trong đó giữ nguyên vị trí 142 cây, dịch chuyển 158 cây, giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây. Hàng cây cần di chuyển, giải tỏa nằm trong phạm vi mở rộng đường, các đường dẫn lên xuống đường trên cao của dự án nói trên.
Các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, đặc biệt là vấn đề môi trường, cây xanh. Tiếp thu ý kiến trên, Sở Xây dựng đã ban hành Kết luận số 163/TB-SXD ngày 25/5/2017, yêu cầu Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ phương án dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, xác định tiêu chí về giải tỏa, dịch chuyển cây xanh…
“Như vậy, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển, dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải tỏa, chặt hạ", ông Võ Nguyên Phong cho biết.
Đối với số cây phải xử lý trong dự án này, thành phố giao các cơ quan, đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể đối với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý với cây xanh khi di dời hay chặt hạ.
“Thành phố khẳng định không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ mà báo chí nêu thời gian qua”, ông Võ Nguyên Phong cho biết thêm.
Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông khẩn trương hoàn chỉnh kết quả khảo sát, hoàn thiện phương án giải tỏa, dịch chuyển cây xanh là cơ sở để Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND thành phố chấp thuận phương án di chuyển, giải tỏa cây xanh theo quy định.
“Theo thống kê, trong số hơn 1.300 cây xanh nằm trong phạm vi dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng có tới 90% cây có đường kính từ 40-60 cm, tuổi từ 6 - 60 năm. Rút kinh nghiệm từ việc chặt cây xanh tuyến đường Nguyễn Trãi phục vụ đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, nên Sở Xây dựng sẽ rất thận trọng. Khi dịch chuyển sẽ cùng các chuyên gia sẽ xem xét từng hồ sơ cây xanh. Cây nào thẳng, tán đẹp sẽ đánh chuyển tới Công viên Yên Sở hoặc bãi trồng 6,5 ha tại Mai Dịch. Số lượng cây dịch chuyển sẽ lớn hơn số mà tư vấn đã đề xuất”, ông Lê Văn Dục cho biết.
TG