Tại phiên thảo luận sáng 5/6, các ý kiến đánh giá cao nội dung Báo cáo
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về
an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, trong đó nhận định: "Để xảy ra
tình trạng mất an toàn thực phẩm như trên, trách nhiệm chính trước tiên
thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh
doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, người
tiêu dùng thực phẩm, trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản
lý Nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất,
kinh doanh thực phẩm."
Cần mô hình quản lý hợp lý
Hiện nay, quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm gồm ba cơ quan Bộ Y tế,
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều đại biểu
Quốc hội nhìn nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu
kém trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay là do
sự phân công quản lý Nhà nước chưa hợp lý.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Báo cáo đã đưa ra nội dung
quan trọng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản
lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc nêu trách nhiệm này còn chung
chung. Thực trạng về quản lý an toàn thực phẩm hiện nay có trách nhiệm
của cả ba bộ, nhưng Báo cáo không nêu rõ trách nhiệm mỗi bộ, chỉ ra hạn
chế, yếu kém của bộ nào là chính.
Ủy ban nhân dân là cấp có trách nhiệm chính tại địa phương, song địa
phương nào làm tốt, địa phương nào làm chưa tốt cũng chưa được liệt kê
trong Báo cáo. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, không làm rõ được
trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, địa phương, sẽ khó đảm bảo trách nhiệm
của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm
trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) đánh giá, trong lĩnh vực quản lý
an toàn thực phẩm đang nổi lên một số hạn chế như việc thực hiện quản lý
nhà nước còn có hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang
trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả.
Việc ngăn ngừa thực phẩm không an toàn, thiếu một cơ quan giữ vai trò
chính.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng từ nguồn tin của Văn
phòng Quốc hội phục vụ hoạt động giám sát cho biết, về việc phân công
trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, 53,4% người được hỏi
trả lời là không hợp lý hoặc chưa hợp lý.
Cũng câu hỏi đó, kết quả khảo sát của Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp
thống kê cho thấy 73% cán bộ y tế, 60% cán bộ công thương và 57% cán bộ
nông nghiệp được hỏi cho rằng việc phân công trách nhiệm quản lý về an
toàn thực phẩm như hiện nay là không hợp lý. Từ dẫn chứng này, đại biểu
thấy rằng giữa người dân và cán bộ quản lý chuyên ngành đã có sự tiệm
cận về ý chí khi đánh giá về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về
an toàn thực phẩm hiện nay.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu Luật An toàn thực phẩm đã chuyển hoạt động
quản lý an toàn thực phẩm sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì
quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh nhằm khắc phục sự chồng
chéo trong quản lý; đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của mỗi bộ,
ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo đại biểu, một số ngành hàng
vẫn có sự đan xen, không có sự phân định rõ trách nhiệm của bộ, ngành
nào trong quản lý.
Đơn cử như việc quản lý chất lượng bún đang được cả ba bộ chịu trách
nhiệm: nguyên liệu bột gạo, nước để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công
Thương; sản phẩm bún bán trên thị trường nếu chứa chất gây ngộ độc cho
người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc Bộ Y tế. Đại biểu Nhân nhấn mạnh
dẫn chứng này một lần nữa nói lên thực trạng công tác quản lý Nhà nước
về an toàn thực phẩm - vấn đề đang gây nhức nhối toàn xã hội nhưng vẫn
chưa có giải pháp căn cơ, triệt để.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng cho rằng một số quy định về phân công
trách nhiệm còn chồng chéo và nhiều bất cập. Việc quản lý một số mặt
hàng, sản phẩm còn sự giao thoa giữa các bộ, chưa phân định rõ bộ nào
chịu trách nhiệm chủ trì, nên dẫn đến buông lỏng quản lý hoặc không phân
định rõ trách nhiệm chính thuộc bộ nào. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần
nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất một cơ quan quản lý Nhà nước
về an toàn thực phẩm, không nên để ba bộ cùng quản lý như mô hình hiện
nay.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đánh giá việc quy định về quản lý Nhà
nước về an toàn thực phẩm hiện nay được phân công theo chức năng sẵn có
của các bộ này. Thực tế cho thấy sự phân công này tồn tại những hạn chế,
bất cập, chưa có sự phối hợp hiệu quả, nhất là chưa thực sự chuyên môn
hóa ở một số nơi và thống nhất trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn
thực phẩm.
Đại biểu nêu: "Quản lý an toàn thực phẩm cần tuân thủ quy luật tự nhiên
và sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng thực phẩm. Việc 3 bộ khác nhau quản lý
đã vô tình băm nhỏ chuỗi cung ứng này và làm giảm đi hiệu quả quản lý
an toàn thực phẩm."
Đại biểu nêu rõ quan điểm: "Đã đến lúc phải có một cơ quan chuyên trách
thống nhất chịu trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm ở nước ta -
điều này cũng phù hợp với một số mô hình của các nước phát triển. Tôi
xin nhấn mạnh cần một cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm, chứ
không cần một Ban về quản lý an toàn thực phẩm," đại biểu bày tỏ.
Xác định mục tiêu định lượng
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn như hiện nay.
Lý do một phần bởi các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nông nghiệp
vẫn còn nhỏ lẻ, phổ biến ở quy mô hộ gia đình, phân tán. Ngoài ra, nhận
thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực
phẩm còn chưa đầy đủ. Quy trình sản xuất lạc hậu, việc sử dụng chất bảo
vệ thực vật, chất phụ gia trong nuôi trồng, chế biến còn tràn lan, chủ
yếu làm theo kinh nghiệm, thiếu quy chuẩn. Một bộ phận các cơ sở, cá
nhân kinh doanh mang tính chộp giật, sản xuất chạy theo lợi nhuận, không
màng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhìn nhận nguyên nhân chính của những yếu kém
này là do công tác quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm còn
thiếu hiệu quả; thể chế chính sách để đảm bảo an toàn thực phẩm chưa
đồng bộ, chưa phù hợp. Việc triển khai thi hành pháp luật an toàn thực
phẩm chưa nghiêm, chế tài không đủ răn đe, ngăn ngừa có hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn kiến nghị Nghị quyết của Quốc hội cần có những
mục tiêu định lượng với thời hạn cụ thể bên cạnh việc đề ra những định
hướng, giải pháp mang tính chất định tính để Chính phủ chủ động thực
hiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp Quốc hội, các cơ quan của
Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện công tác giám sát.
Điển hình như cần quy định tỷ lệ giảm mỗi năm bao nhiêu phần trăm số vụ
ngộ độc thực phẩm so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020 cả nước có
100% tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
tập trung; phấn đấu 80% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 100% bếp
ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 80%
chợ được kiểm soát, quy hoạch an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương tổng kết mô hình quản lý nhà nước về an
toàn thực phẩm và Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm hiện nay, nhất là mô
hình quản lý đã và đang được thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí
Minh. Trên cơ sở đó, sớm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà
nước về an toàn thực phẩm, đảm bảo phân định rõ trách nhiệm của các cơ
quan đầu mối, cơ quan chủ trì, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm,
phân tán lực lượng; phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu các lực
lượng chức năng từ cấp Trung ương đến cơ sở trong công tác quản lý,
thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu,
lưu thông sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai kiến nghị, cần thiết lập đường dây nóng với số
ngắn gọn, dễ nhớ, để nhân dân phản ánh các vi phạm pháp luật về an toàn
thực phẩm; kiểm soát chặt chất xả thải từ các cơ sở sản xuất, đặc biệt
là các khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp. Các tỉnh, thành phố
nghiêm túc xem xét tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây
dựng nông thôn mới; đưa việc thực hiện vấn đề an toàn thực phẩm vào cơ
chế tự quản trong hương ước, quy ước làng, xã ở các vùng nông thôn để xử
lý hiệu quả các vấn đề của cộng đồng.
Xác định cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt hơn vai trò của Mặt
trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ
các cấp, bởi phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc sản xuất, chăn
nuôi nhỏ lẻ tại cộng đồng, cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm trong bữa
ăn hàng ngày của mỗi gia đình.
Tăng mức khen thưởng
Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với đề xuất của Đoàn Giám sát cho phép
sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính từ vi phạm an
toàn thực phẩm để phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của địa
phương. Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho rằng mức trích cho khen thưởng ở
mức 20-30% như trong Dự thảo Nghị quyết là còn thấp. Số tiền xử lý vi
phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm không lớn như trong lĩnh vực an
toàn giao thông. Vì vậy, đại biểu đề nghị dành tỷ lệ từ 50-70% nguồn này
để khen thưởng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thành tích trong
công tác quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực
phẩm.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng việc tăng cường kinh phí, nguồn lực
cho quản lý an toàn thực phẩm là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên xác định
đây giải pháp tạm thời, thực hiện trong một thời gian nhất định. Về lâu
dài, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng cần tính toán một cách đồng bộ
việc xử lý nguồn kinh phí xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm. Theo đó,
các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý nhà nước đã được hưởng lương,
chế độ phụ cấp trách nhiệm, làm ngoài giờ nên không nhất thiết phải
trích từ 20-30% kinh phí phạt cho khen thưởng.
Qua xem xét, nếu thấy lực lượng này xứng đáng được hưởng thêm chế độ
khác thì cần có quy định rõ ràng. Nguồn chi cho các chế độ hưởng thêm
nên được trích từ ngân sách nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh
bạch; không nên trích phần trăm từ tỷ lệ tiền phạt vì khoản tiền này ở
nhiều địa phương hiện đang khó thống kê được chính xác, đầy đủ.
Chỉnh sửa ngay những bất cập
Tham gia giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo
luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
đã thông tin về đợt giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của Quốc hội
trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng đánh giá đợt giám sát đã đáp ứng đúng
yêu cầu, mong mỏi của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.
Qua trực tiếp tham gia cùng Đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
cho biết Đoàn đã triển khai giám sát theo phương thức vừa tổ chức thực
hiện theo chương trình kế hoạch, vừa tiến hành giám sát đột xuất nhằm
nắm bắt khách quan những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với
đó, các lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã tham gia giám sát ở các địa
bàn nóng bỏng về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi đi thực tế, Đoàn
giám sát đã xây dựng kế hoạch tổng kết, báo cáo, tiến hành rà soát, lấy
ý kiến công phu, dân chủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo
thông báo kết quả giám sát sát với tình hình thực tiễn.
Bộ trưởng nêu trong 5 năm qua, kể từ khi thực hiện Luật An toàn thực
phẩm, Việt Nam đã sản xuất, chế biến được khối lượng sản phẩm nông
nghiệp cơ bản đảm bảo nhu cầu cho hơn 90 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.
Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch trên 70 triệu tấn nông sản, với giá
trị đạt trên 140 tỷ USD, thặng dư xấp xỉ 43 tỷ USD; góp phần cùng kết
quả đạt được trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, đưa tuổi thọ bình
quân của người Việt Nam lên 74 tuổi.
Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo công tác giám sát đã chỉ ra nhiều
tồn tại, trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở,
hộ sản xuất, kinh doanh. Với chức năng là cơ quan trực tiếp quản lý về
sản xuất nông nghiệp, bản thân lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, từ Bộ trưởng đến các Thứ trưởng, các đơn vị chức năng đã theo
sát các Đoàn giám sát, tiếp thu ý kiến về các tồn tại, hạn chế của
ngành.
"Chúng tôi coi đây là một cơ hội cho ngành để đảm bảo an toàn thực phẩm
cũng như tái cơ cấu nông nghiệp. Không chỉ chờ Quốc hội ban hành Nghị
quyết, mà những vấn đề phát hiện ra khi đi theo Đoàn giám sát thì Bộ đã
xem xét chỉnh sửa ngay," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Bộ trưởng lấy ví dụ khi tham gia cùng Đoàn giám sát, Bộ phát hiện một số
vấn đề nhức nối nổi lên như vật tư đầu vào của thuốc bảo vệ thực vật,
thuốc thú y; các hóa chất đưa vào trong chuỗi sản xuất. Riêng về thuốc
bảo vệ thực vật, hiện có trên 4.000 tên thuốc thương phẩm.
Tám tháng vừa qua, Bộ đã tiến hành rà soát, loại ra 600 sản phẩm không
cần thiết và tiếp tục siết chặt quản lý trong thời gian tới. Trong đó,
24D thuốc trừ cỏ và Padawat là hai nhóm rất độc, cần kiên quyết loại ra.
Ngoài ra, Bộ tổ chức kiểm tra, rà soát, yêu cầu các hệ thống phân phối
cung cấp thông tin cho người dân, hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại,
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách để góp phần giảm độc
hại ngay từ đầu vào.
Bộ trưởng cho biết hoạt động quản lý phân bón cũng là một trong những
vấn đề rất bức xúc. Hiện nay, hàng năm Việt Nam dùng 8-10 triệu tấn phân
bón vô cơ, trong khi tỷ lệ phân hữu cơ rất ít. Trước đây, lĩnh vực phân
bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn quản lý phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác.
Việc hai bộ cùng quản lý lĩnh vực phân bón đã nảy sinh nhiều bất cập,
chồng chéo. Sau khi Quốc hội có ý kiến tập trung quản lý phân bón về một
đơn vị, Chính phủ đã quyết định chính thức giao Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón.
Bộ đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Công Thương, dự kiến trong quý
3/2017 này sẽ hoàn thành và trình Nghị định về quản lý phân bón và xử
phạt trong quản lý phân bón, hướng tới tập trung quản lý theo hệ thống.
Theo chương trình, chiều 5/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận
"Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn
2011-2016"./.
Theo TTXVN