Do thời tiết nắng nóng gay gắt, trong những ngày qua, số lượng người
bệnh tại các bệnh viện tăng nhanh, nhất là trẻ em và người già. Người
bệnh chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, say nắng, cảm
sốt, viêm đường hô hấp…
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, trong những ngày nắng
nóng gay gắt vừa qua, số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện tăng từ 10 đến
15% so với những ngày bình thường. Tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện,
mỗi ngày tiếp nhận gần 3.500 bệnh nhi đến khám và điều trị, chủ yếu là
các bệnh do sốt vi-rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp. Tại Bệnh viện Lão
khoa T.Ư, chỉ trong mấy ngày nắng nóng gay gắt, lượng người bệnh cao
tuổi đến khám cũng tăng trung bình hơn 300 lượt người bệnh/ngày, chủ
yếu liên quan đến bệnh đường hô hấp, tai biến mạch máu não… Theo nhận
định của các chuyên gia y tế, do tình trạng nắng nóng kéo dài, thực phẩm
dễ ôi thiu không bảo đảm an toàn thực phẩm, thiếu nước sạch, ô nhiễm
không khí… Ðây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh dịch có nguy cơ bùng
phát mạnh vào dịp này như: tiêu chảy, tả, lỵ, đau mắt đỏ, thủy đậu,
sốt do vi-rút, viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu, tay chân miệng, sốt
xuất huyết…
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư từ
nay đến hết tháng 7, nước ta còn phải hứng chịu thêm nhiều đợt nắng
nóng gay gắt, mỗi đợt thường kéo dài từ năm đến bảy ngày. Do vậy, để
giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cho người dân trong mùa hè,
ngành y tế các địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp
phòng, chống dịch mùa hè và không để bùng phát dịch bệnh. Cụ thể: chỉ
đạo các bệnh viện, các trung tâm y tế bảo đảm tốt nhất việc khám, chữa
bệnh, sơ cứu, cấp cứu người bệnh trong những ngày nắng nóng; tăng cường
kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực
phẩm. Ðối với các cơ sở khám, chữa bệnh, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ
trang thiết bị, thuốc, nguồn nhân lực phục vụ khám, chữa bệnh cho người
dân, các đơn vị cần tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho người
bệnh và người nhà người bệnh tại các khu chờ khám bệnh. Tổ chức việc
đón tiếp khám, điều trị cho người bệnh sớm hơn so với thời gian quy
định của các bệnh viện, để giảm thời gian chờ đợi vào những giờ cao
điểm nắng nóng trong ngày. Trung tâm y tế dự phòng cần tập trung theo
dõi, giám sát, nhất là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các trường hợp mắc
bệnh; tăng cường giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh, phát hiện sớm
trường hợp mắc bệnh để kịp thời điều trị; phối hợp các cơ quan chức
năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các
biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng… Hiện, nhiều địa phương
đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các cấp, các ngành có liên
quan và các trường THPT cần tạo điều kiện tốt nhất cho các học sinh như
quạt mát, nước uống tại các phòng thi. Tổ chức cấp cứu kịp thời các em
bị say nắng, ngộ độc thực phẩm...
Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhất là trẻ em và
người già, ngành y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường; nếu bắt
buộc phải ra ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính,
khẩu trang… Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để
quạt thổi trực tiếp vào người để phòng bệnh đường hô hấp; thực hiện ăn
chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường
dinh dưỡng, nhất là ăn nhiều hoa quả để bảo đảm đủ vi-ta-min nhằm tăng
cường sức đề kháng của cơ thể. Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, nhất
là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi
bản thân và người thân trong gia đình nghi bị bệnh, cần đến ngay các cơ
sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời...
Trung Tuyền/Báo Nhân dân