Các nhà khoa
học Hà Lan mới đây cảnh báo rằng, gần hai phần ba dân số thế giới đang
phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt và thực trạng này đáng
lo ngại hơn những cảnh báo trước đó.
Một bài báo đăng mới đây trên tạp chí “Những
tiến bộ Khoa học ngày nay” của Mỹ, hai nhà khoa học từ Đại học Twente ở
Hà Lan cho thấy, hơn 4 tỷ người trên toàn cầu đang không có đủ nước
ngọt để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, khi ít nhất một
tháng trong năm bị thiếu nước ngọt.
Theo giáo sư
Argjen Hoekstra, có khoảng 500 triệu người sống trong những khu vực mà
lượng nước tiêu thụ nhiều gấp đôi con số nhận được thông qua lượng mưa
trong cả năm và các hồ chứa nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Và vấn đề về
nguồn nước có xu hướng xấu đi khi dân số thế giới lại đang tăng vọt.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ người dân thường
xuyên chịu cảnh thiếu nước ngọt nhiều nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tại
đây cũng chứng kiến ngày càng gia tăng lượng lớn diện tích đất bị hoang
hóa do hạn hán kinh niên. Sự thiếu hụt nước cũng xảy ra ở Mexico, Bắc
Phi, Nam Phi, Trung Đông và miền Tây nước Mỹ. Theo giáo sư Hoekstra,
nhìn trên bản đồ vệ tinh thấy rằng, mảng vùng thiếu nước ngọt đang lan
rộng. Nếu như tính toán trước đây, thế giới có khoảng 1,7 đến 3 tỷ người
thiếu nước ngọt thì nay con số này đã tăng lên trên 4 tỷ người.
Các nhà khoa học hi vọng rằng nghiên cứu
trên không chỉ là lời cảnh báo mà sẽ dẫn tới hành động sử dụng nguồn tài
nguyên nước một cách bền vững thông qua việc thay đổi thói quen sinh
hoạt của con người.
Theo nhà khoa học Hoekstra nghiên cứu này
còn tạo ra một cơ sở cho các hoạch định chính sách mới: “Các chính phủ
cần phải thiết lập những biện pháp nhằm tiết kiệm nguồn nước ngọt. Chẳng
hạn như đưa ra một mức tiêu thụ nước nhất định trong mỗi tháng để người
dân không được phép sử dung nhiều hơn so với những vòi nước có sẵn, đặc
biệt tại những khu vực khan hiếm nước sạch. Ngoài ra, người dân cần
phải nhận thức và hiểu biết rõ về việc bao nhiêu nước mà họ sử dụng cho
tất cả mọi thứ họ tiêu thụ”.
Các nhà khoa học Hà Lan cũng kêu gọi chính
phủ các nước đầu tư và có sự quản lý về phân bổ tài nguyên nước một cách
khôn ngoan hơn. Bởi điều này sẽ là chìa khóa trong việc làm giảm các
mối đe dọa của sự khan hiếm nước về đa dạng sinh học và bảo vệ con
người./.
Theo VOVnews