Thứ Năm, 28/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 3/12/2008 19:52'(GMT+7)

Họp báo về hội thảo "Việt Nam học" :Hội thảo sẽ thu hút hàng trăm học giả thế giới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Giáo sư, tiến sỹ Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo cho biết, nếu như tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 1 (năm 1998) và lần 2 ( năm 2004) chỉ có 300 - 400 báo cáo tham luận thì đến nay Ban Tổ chức Hội thảo lần 3 đã nhận được 868 báo cáo, trong đó có 170 bài của 174 học giả quốc tế đến từ khắp các châu lục châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ. Các nước có nhiều thành viên tham dự nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga. Hội thảo này có sự xuất hiện lần đầu tiên của các nhà nghiên cứu Việt Nam học đến từ châu Phi và Mỹ La tinh.

Dù khái niệm Việt Nam học chưa được hiểu thống nhất nhưng ở giới nghiên cứu nước ngoài cách hiểu phổ biến là nghiên cứu Việt Nam với tư cách là một khu vực, một không gian văn hóa xã hội bao gồm các lĩnh vực hoạt động của con người và quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, trong sự so sánh với các khu vực khác Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á.

Từ những khảo cứu đơn lẻ theo từng chuyên ngành, ngày nay Việt Nam học đã trở thành một khoa học liên ngành. Trong vòng 10 năm gần đây, tại các nước có nền khoa học phát triển như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, đều đã thành lập mới các khoa, viện, trung tâm nghiên cứu riêng về Việt Nam. Tại Nhật Bản đã hình thành Hội Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam với hơn 100 thành viên. Hội Hàn Quốc nghiên cứu Việt Nam cũng mới được thành lập. Tại châu Âu, đã có một tổ chức học thuật mang tên EURO VIET với 5 hội thảo quốc tế có tiếng vang về Việt Nam học.

Không ít nhà khoa học quốc tế đã nổi danh và nhận được những giải thưởng quốc tế từ những công trình nghiên cứu về Việt Nam như A.B Woodeside, J.Whitmorre, K. Taylor (Hoa Kỳ); Yamamoto Tatsuro (tức Sơn Bản Đạt - Nhật Bản),... Việt Nam đã trở thành một ngành học được giảng dạy ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành khoa học Việt Nam học trong hơn một thế kỷ qua cho thấy uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Ở trong nước, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đang ngày càng trở thành điểm đến của giới học thuật trong và ngoài nước. Ngoài ra, tại các trường đại học khác trong cả nước trong gần 10 năm qua cũng đã thành lập mới 6 Khoa Việt Nam học; 62 trường đại học, cao đẳng mở ngành đào tạo Việt Nam học.

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 mang chủ đề “Việt Nam: Hội nhập và phát triển'' với sự chú ý và tham dự của đông đảo học giả quốc tế cho thấy quan điểm và chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam. Đồng trưởng Ban tổ chức Hội thảo, giáo sư Trần Đức Cường - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết các báo cáo nghiên cứu về Việt Nam không có giới hạn về bất cứ chủ đề nào và chỉ được xem xét ở khía cạnh chất lượng khoa học. Hy vọng sau hội thảo lần 3 này sẽ thành lập và ra mắt Hội đồng quốc tế nghiên cứu về Việt Nam học.

TG (theo TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất