Thứ Bảy, 12/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 25/11/2008 15:22'(GMT+7)

Phục dựng Hội Đèn Quảng Chiếu

Chùa Đọi (Hà Nam)

Chùa Đọi (Hà Nam)

Căn cứ vào tấm bia ghi chép khá kĩ về hội đèn Quảng Chiếu mở vào mùa xuân ở Thăng Long đời vua Lý Nhân Tông hiện dựng tại khuôn viên chùa Đọi (Hà Nam), các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một đại lễ hội cung đình có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, cần được nghiên cứu tỉ mỉ để phục hồi.

- Ông Phạm Văn Thắm (Viện Nghiên cứu Hán nôm): Văn bản còn lại cho thấy quy mô tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu thời Lý rất lớn. Địa điểm diễn ra lễ hội ở phía trước Đoan Môn. Các nghi thức bài trí phục vụ lễ hội gồm có: cây nêu, lầu hoa, những toà tháp làm bằng vàng, bạc, ngà voi, gỗ mun và hàng ngàn ngọn đèn, thu hút thiên hạ nô nức đổ về. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, hội đèn mở ra còn có cả khách nước ngoài đến xem. Điều đó chứng tỏ hội đèn ở kinh thành Thăng Long thời Lý cách chúng ta gần nghìn năm, nhưng cũng đã có tính quốc tế.

-Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo): Cần phục dựng không phải chỉ một Hội Đèn Quảng Chiếu, mà cả các hội khác của thời Lý- Trần. Nhưng phải nghiên cứu, trao đổi và mời các nhà sư tham gia, vì đây là một lễ hội mang những nghi thức Phật giáo. Nếu có thể, nên mời một số nhà tài trợ để tạo điều kiện, khả năng về kinh phí để phục dựng và tổ chức thực hiện.

-Đại đức Thích Minh Trí (Chánh thư kí Thành hội Phật giáo Hà Nội): Đèn Quảng Chiếu nhất định phải là một loại đèn được thiết kế rất lớn, tương đương như một người đứng, bởi theo sách Đại Việt sử lược đã chép thì”...ngoài cửa Đại Hưng đặt đèn Quảng Chiếu, chế nhà sư bằng gỗ đánh chuông...”. Đèn này được thắp bằng nến, đặt trên một cây cột gỗ, xung quanh bọc nhiễu trắng có thêu những bông sen vàng che gió cho ngọn nến.

-Nhà sử học Bùi Thiết: Bằng mọi điều kiện kỹ thuật cho phép, chúng ta có thể khôi phục được một cách trung thực nhất cấu trúc vật chất của hội đèn. Tuy nhiên, sự thành công phụ thuộc nhiều vào việc nghiên cứu phần hoạt động của lễ hội: xác định chủ thể của hội đèn là những ai? nhiều hay ít? họ được làm gì và phải làm gì khi có mặt trong hội đèn? Rồi thì công chúng tại hội đèn ra vào, hành lễ theo trật tự nào?...

-GS.TSKH Lâm Tô Lộc: Ban tổ chức hội đèn nên mời các nhà biên đạo múa có kiến thức uyên thâm về lĩnh vực này để sáng tác các điệu múa mang màu sắc Phật giáo- một lễ tiết không thể thiếu ở Hội Đèn Quảng Chiếu. Không chỉ phục dựng những gì vốn có từ thời Lý của hội đèn, mà có thể dùng tất cả những gì cần thiết, nhằm làm rõ nội dung chân thực của lễ hội. Sự kết hợp một cách sáng tạo truyền thống với hiện đại trong việc phục dựng hội đèn sẽ đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người dân bây giờ, kể cả đối với khách nước ngoài, nâng tầm vóc của hội đèn với tư cách là một di sản văn hoá có tới 1000 năm tuổi.

-TS.Bùi Quang Thắng (Viện Văn hoá- Nghệ thuật Việt Nam): Có thể hình dung Đèn Quảng Chiếu tựa như một chiếc đèn kéo quân, nhưng không quay xung quanh trục bằng khí động học, mà bằng công cụ cơ học (quay tay). Chiếc đèn gồm 7 tầng hình tròn quay đồng trục, tầng dưới cùng lớn nhất, càng lên cao càng thu nhỏ chu vi, và trên mỗi tầng đều có những cảnh tượng riêng biệt phản ánh đời sống thanh bình, hạnh phúc của xã hội thời Lý.

PGS.TS Lê Hồng Lý (Viện Nghiên cứu văn hoá): Ban tổ chức cần tìm những nghệ nhân, những người làm kỹ thuật để chế tạo ra chiếc đèn Quảng Chiếu giống như và có thể hơn cả chiếc đèn đã được sử sách nhắc đến. Đồng thời, ngoài việc phục dựng theo quá khứ, cũng nên khai thác sáng tạo những nét văn hoá mới phù hợp với lễ hội này để phát huy giá trị trong thời đại ngày nay.

-Nhà nghiên cứu lịch sử Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc: Cho dù nội dung của Hội Đèn Quảng Chiếu là gì chăng nữa, thì việc tổ chức hội này trong quá trình tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội sẽ góp phần khơi dậy những vẻ đẹp của văn hoá truyền thống thông qua một hoạt động có tính tâm linh. Hội Đèn Quảng Chiếu được phục dựng phải thoả mãn cả phần đi hội, trảy hội, coi hội, chứ không chỉ thuần tuý biểu diễn các nghi thức.

Cuộc hội thảo bước đầu đã tìm ra hướng đi cho việc phục dựng lễ hội độc đáo này từng diễn ra trên mảnh đất đế đô Thăng Long văn hiến. Hy vọng vào dịp kỷ niệm năm sinh thứ 1000 của Thủ đô ta, Hội Đèn Quảng Chiếu sẽ lung linh tỏa sáng bên ngôi Thành cổ- một trong những biểu tượng cho truyền thống văn hoá và lịch sử lâu đời của dân tộc, niềm tự hào riêng có của người dân đất kinh kỳ./.
(Theo:Hà Nội mới)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất