Thứ Bảy, 12/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 26/11/2008 21:58'(GMT+7)

Chính sách kinh tế trong văn hoá: Nếu không đúng sẽ làm biến dạng văn hoá

Đó là nội dung cơ bản của Hội thảo khoa học "Chính sách kinh tế trong VH ở nước ta hiện nay, thực trạng và giải pháp" - do Viện Văn hoá phát triển (Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 25-11 tại Hà Nội.

Cơ sở lý luận để xây dựng chính sách kinh tế trong văn hoá (CSKTTVH) là sự phát triển gắn kết, hữu cơ với nhau giữa hai lĩnh vực này. Có thể nói, có một CSKTTVH đúng đắn thì hiệu quả của sự gắn kết hữu cơ này là vô cùng to lớn. GS-TS Trần Văn Bính cho rằng, không đầu tư cho VH đúng mức là một trong nhiều nguyên nhân xuống cấp VH.

TS.Nguyễn Hữu Thức nhấn mạnh: CSKTTVH phải là những cơ chế tài chính phù hợp để VH phát triển có hiệu quả, đạt mục đích tư tưởng-văn hoá. GS,TS.Nguyễn Duy Bắc cho rằng, CSKTTVH phải làm sao để kinh tế thị trường không mâu thuẫn với sự phát triển VH và CSKTTVH phải là cơ chế về thuế, tài chính, thị trường VH...

Dẫn ra nhiều ví dụ cụ thể, GS.Hoàng Vinh cho rằng trên thực tế, chúng ta có rất nhiều chính sách kinh tế có liên quan hoặc chi phối hoạt động VH, nhưng thiếu giải pháp thực hiện, hay nói một cách khác là rất thiếu đồng bộ; ở một số lĩnh vực còn chứng tỏ sự xơ cứng, giáo điều. Do vậy, việc đầu tư vào phát triển VH đôi khi rất lãng phí và không hiệu quả (như việc xây dựng tượng đài chẳng hạn). Ngược lại, việc quá coi trọng phát triển kinh tế lại dẫn đến những hậu quả khôn lường cho VH.

Các tham luận tại Hội thảo cũng tập trung phân tích CSKTTVH ở những lĩnh vực cụ thể: In ấn, phát hành; báo chí; bản quyền; tổ chức biểu diễn; điện ảnh... thể hiện rõ hơn ý kiến này. Theo TS.Đỗ Thị Quyên, từ năm 2004 VN gia nhập công ước Berne và với mức thuế nhập khẩu VH phẩm cao, khiến cho sự hưởng thụ VH thế giới của dân bị giảm đáng kể. Đôi khi "chính sách xã hội hoá" có nguy cơ chi phối nhu cầu thẩm mỹ VH của giới trẻ do những áp lực về kinh tế.

Tham luận của ThS.Vũ Đình Thường và nhà báo Tô Phán đã phân tích những áp lực của CSKTTVH không đồng bộ, chưa tính đến tính đặc thù trong hoạt động báo chí là một trong những nguyên nhân không hiếm tờ báo đi chệch tôn chỉ, mục đích của mình. Ông Tô Phán đưa ra một thực tế khập khiễng trong CSKTTVH đối với lĩnh vực báo chí: Hiện báo chí đang phải đóng góp như một doanh nghiệp thực sự, nhưng lại không có cơ chế tự chủ trong việc chi tiêu, dẫn đến khó khăn nhiều mặt cho toà báo như đầu tư hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng thông tin.

Kết thúc Hội thảo, GS-TS.Phạm Duy Đức kết luận: Nội dung 19 tham luận tại hội thảo khẳng định: CSKTTVH có ý nghĩa đối với việc tham gia ý kiến với Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền VH VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói, CSKTTVH là xương sống tạo ra động lực phát triển văn hoá; nếu như CSKTTVH không đúng, nó như một lực cản, thậm chí làm suy thoái và biến dạng VH./.
 
Kim Anh

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất