Thứ Ba, 17/9/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Bảy, 26/11/2022 10:2'(GMT+7)

Hợp tác kinh tế - thương mại: Tiền đề góp phần phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Sầu riêng tươi Việt Nam là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng tươi Việt Nam là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

QUAN HỆ KINH TẾ - THƯƠNG MẠI PHÁT TRIỂN NHANH CHÓNG

Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ kinh tế thương mai giữa hai nước được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Về thương mại, trong 25 năm qua (từ năm 1997), xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại đã tăng trưởng bình quân 22%/năm. Trung Quốc liên tục 18 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Từ năm 2016, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc là thị trường lớn nhất về nông nghiệp Việt Nam, chiếm tỷ trọng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Với dung lượng thị trường lớn, nhu cầu cao, Trung Quốc đang nhập khẩu hầu hết các loại hoa quả của Việt Nam như vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, xoài… Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc.

Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc chạm mốc 100 tỷ USD (đạt hơn 106 tỷ USD, tăng 12,7 tỷ USD so với năm 2017) và Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập được kỷ lục này.

Tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2021 tăng 24,6%, đạt 165,9 tỷ USD (theo số liệu của Trung Quốc là hơn 230 tỷ USD, tăng 19,7%).

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 132,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc có tiến triển mới, với sầu riêng chính thức là loại quả thứ mười được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7/2022.

Đặc biệt, hai bên đã nhất trí cho phép sử dụng nội tệ trong thanh toán hoạt động ngoại thương ở các vùng biên mậu.

Tổng đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam lũy kế đến cuối năm 2021 đạt 21,3 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với mức 10,5 tỷ USD của thời điểm cuối năm 2016.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 trong hai năm 2019 và 2020 và vươn lên là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam năm 2021, tăng 7 bậc so với năm 2015. Riêng trong 9 tháng năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký cấp mới đạt 1,5 tỷ USD; Lũy kế đến tháng 9/2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 22,4 tỷ USD.

Vướng mắc trong các dự án đầu tư, hợp tác kinh tế từng bước được tháo gỡ. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý đường biên mốc giới, mở mới và nâng cấp cửa khẩu, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn trong thông quan hàng hóa, thúc đẩy hợp tác phát triển tại khu vực biên giới.

TẠO CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ, THỰC CHẤT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỢP TÁC KINH TẾ - THƯƠNG MẠI

Cùng với 12 nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế, thương mại song phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến 1/12/2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo các Bộ, ban ngành của Việt Nam và Trung Quốc đã ký 13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.

Trong số 13 văn kiện hợp tác, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký với các bộ, ngành hữu quan quan Trung Quốc 3 văn kiện gồm: 1) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Việt-Trung; 2) Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc; 3) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Trong cuộc Hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, đồng thời duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đến nước thứ ba bằng đường sắt; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung - Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên.

Tuyên bố chung đã tập trung nêu bật 12 nhóm giải pháp nhằm thực hiện định hướng chiến lược trên. Trong đó hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, đẩy nhanh trao đổi, ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh thương mại điện tử là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác kinh tế - thương mại song phương, tiếp tục thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc”.

Hai bên cũng nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.

Phía Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và kinh tế - thương mại. Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đủ điều kiện, đầu tư vào Việt Nam trên nguyên tắc thị trường và thương mại.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn có những diễn biến phức tạp, hai bên cho rằng, bảo đảm phòng, chống dịch chính là bảo đảm thông quan hàng hóa, nhất trí phát huy vai trò của Cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới và hợp tác phòng, chống dịch, duy trì hoạt động thương mại thông suốt tại các cửa khẩu với tiền đề bảo đảm công tác phòng chống dịch, nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan.

Các văn kiện hợp tác và những nội dung nêu trên đã chính thức hoá cơ chế thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước láng giềng, đồng thời cũng là đối tác giàu tiềm năng của nhau. Đây là cũng cơ sở và tiền đề để Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương hai nước triển khai hợp tác một cách hiệu quả trong những năm tiếp theo, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới./

ĐỖ VĂN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất