Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 15/1/2014 16:10'(GMT+7)

Hướng các hoạt động văn hoá vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thế Hoàng)

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thế Hoàng)

Sáng 15/1, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, đã khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Hội nghị tổng kết nhằm khẳng định những bước tiến quan trọng về nhận thức và hành động sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá; đồng thời kiến nghị bổ sung những nội dung về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở nêu lên những giá trị quan trọng, ý nghĩa sâu sắc và thành tựu to lớn sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về văn hoá, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định: Đảng ta xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của đất nước. Xây dựng và phát triển văn hoá có mối liên quan mật thiết với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, vấn đề cốt lõi của văn hoá mà Nghị quyết Trung ương 5 đã chỉ ra là tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá.

 
 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Minh)

Đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý các đại biểu tham dự Hội nghị cần quan tâm nghiên cứu, trao đổi, thảo luận nhằm tổng kết và hoàn thiện Đề án “Tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, phấn đấu để đạt được những tiến bộ mới, rõ nét trong xây dựng nền văn hoá Việt Nam, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất mà đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ. Phải giữ vững định hướng tư tưởng chính trị; thường xuyên đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đổi mới tư duy, khắc phục tình trạng vừa buông lỏng, hữu khuynh, vừa can thiệp thô bạo, mất dân chủ, chạy theo sức ép của kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến các giá trị văn hoá. Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước trong quá trình đổi mới. Khẩn trương và quyết liệt ngăn chặn tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực văn hoá; xây dựng văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý trong hệ thống chính trị. Xây dựng môi trường văn hoá, kết hợp giữa “xây” và “chống” một cách hiệu quả. Gắn nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nêu cao vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể Nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống và trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hoá. Khắc phục tình trạng hành chính - quan liêu, tham nhũng trong các tổ chức văn hoá.

Thứ ba, đẩy nhanh việc thể chế hoá các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hoá, xử lý hài hoà mối quan hệ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng với phát triển văn hoá. Xây dựng chính sách xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của người dân. Có chế tài đủ mạnh, ngăn ngừa, răn đe và xử lý những vi phạm trong hoạt động văn hoá ảnh hướng đến việc xây dựng con người và sự phát triển của đất nước. Triển khai các biện pháp đồng bộ, chủ động đấu tranh phòng, chống sản phẩm độc hại, chống “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến” trên lĩnh vực văn hoá. Quản lý tốt việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Ngăn chặn có hiệu quả một bộ phận báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, thông tin sản phẩm lệch lạc, độc hại. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, phản văn hoá, bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc và tính thống nhất mà đa dạng của văn hoá Việt Nam. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức, đoàn thể và công dân, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ đối với chính quyền các cấp trong việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hoá.

Thứ tư, hướng các hoạt động văn hoá vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực và quan hệ con người. Gắn xây dựng đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền công dân. Xây dựng các giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Đưa giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào mọi hoạt động giáo dục của xã hội. Đề cao trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu và bảo vệ, khuyến khích, nhân rộng cái đúng, cái tốt, cái đẹp…

Thứ năm, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phát triển các giá trị truyền thống, đạo lý của dân tộc. Thực hiện Chiến lược quốc gia về gia đình Việt Nam. Xây dựng mỗi trường học là một trung tâm văn hoá giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hoá cho thế hệ trẻ. Xây dựng đời sống văn hoá ở địa bàn dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nếp sống văn minh, việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng các phong trào văn hoá. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. Phát triển công nghiệp văn hoá và hệ thống thông tin đại chúng đáp ứng yêu cầu xây dựng con người mới. Xây dựng, bổ sung chính sách văn hoá đối với tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn các hiện tượng mê tín dị đoan. Chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá.

Thứ sáu, xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ văn hoá. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý và hoạt văn hoá theo hướng hiện đại. Xây dựng và thực hiện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh tài năng văn hoá. Đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, phường, thôn, bản, nâng hiểu biết, kỹ năng và có biện pháp hiệu quả giữ gìn di sản văn hoá. Xây dựng đội ngũ trí thức trong các dân tộc thiểu số, có chính sách ưu đãi để họ trở về công tác tác tại địa phương…

 
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trình bày báo cáo tổng kết tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Minh)

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa ra đời là sự kế thừa và phát triển quan điểm, đường lối phát triển văn hóa của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, thể hiện rõ năng lực tư duy lý luận, đúc kết thực tiễn những năm đầu đổi mới. Đây là Nghị quyết có tầm nhìn sâu rộng, chứa đựng các giá trị tư tưởng, nhân văn và khoa học, hết sức cần thiết, hợp lòng dân và sớm đi vào cuộc sống.

Về những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khoá VIII), đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cán bộ, đảng viên và nhân dân coi trọng hơn các giá trị văn hóa, nhất là các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng; dân trí được nâng lên; quyền con người được tôn trọng. Con người Việt Nam năng động, tích cực, sáng tạo hơn. Người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tính chủ động, tính tích cực xã hội của nhân dân và các chủ thể văn hóa được phát huy. Đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, tạo sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Môi trường văn hóa được cải thiện và có một số mặt tiến bộ; chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, quan tâm văn hóa trong các doanh nghiệp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Vai trò của cộng đồng được nâng lên trong đời sống xã hội. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện… được đẩy mạnh, có tác dụng gắn kết cộng đồng, tăng cường nội lực tinh thần của xã hội.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, hoạt động văn hóa đã khai thác tốt hơn các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng từng bước được phục hồi. Các thiết chế văn hóa được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, đa dạng về sở hữu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.

Văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển với dòng mạch chính là đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật hiện thực cuộc sống; có nhiều tìm tòi về đề tài, phương pháp sáng tác, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng và bước đầu chuyển biến về chất lượng, xuất hiện một số tác phẩm, công trình có giá trị phản ánh lịch sử dân tộc và các cuộc kháng chiến vĩ đại chống xâm lược. Năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ được phát huy. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước phát triển, xuất hiện nhiều văn nghệ sĩ trẻ thuộc nhiều loại hình. Bước đầu đã hình thành thị trường văn hóa và dịch vụ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng lan rộng, trở thành một nội dung sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật được chú trọng.

Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có bước phát triển đáng kể; trình độ học vấn, kỹ thuật, công nghệ của nhân dân, nhất là giới trẻ đươc nâng lên, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam trong điều kiện mới.

Công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản phát triển mạnh, nội dung thông tin đa dạng, phong phú, cơ sở vật chất kỹ thuật không ngừng được hiện đại hóa, tận dụng công nghệ mới. Phần lớn các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc định hướng chính trị, phản ánh nhanh nhạy, sinh động công cuộc đổi mới đất nước, góp phần mở rộng dân chủ, định hướng dư luận xã hội. Người dân có nhiều cơ hội lựa chọn, tiếp nhận thông tin, tri thức….

Cùng với những kết quả quan trọng, tích cực đã đạt được, đồng chí Đinh Thế Huynh cũng chỉ ra: 15 năm thực hiện Nghị quyết chưa tương xứng với tiềm năng, điều kiện, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa vững chắc; thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam và các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống. Văn hóa chưa thực sự trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển. Đời sống kinh tế có bước phát triển nhưng đời sống tinh thần chưa theo kịp, thậm chí một số mặt suy giảm. Không khí dân chủ, cởi mở, nói thẳng, nói thật còn bị hạn chế ở một số lĩnh vực.

Tình trạng suy thoái về đạo đức xã hội có chiều hướng lan rộng với tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội. Đời sống văn hóa tinh thần ở một bộ phận tầng lớp xã hội và nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, lạc hậu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và khoảng cách trong các tầng lớp nhân dân còn lớn. Môi trường văn hóa bị xâm hại, thiếu lành mạnh, tiếp thu nhiều giá trị, lối sống từ bên ngoài thiếu chọn lọc, lai căng, trái thuần phong mĩ tục. Mê tín dị đoan, lợi dụng ngoại cảm để trục lợi, các tệ nạn xã hội, tội phạm… có chiều hướng gia tăng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không ít nơi còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước còn bị xem nhẹ trong tổ chức thực hiện. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia vào hoạt động văn hóa với mục đích kiếm lời thuần túy đã hạ thấp chức năng giáo dục, thẩm mỹ, hướng thiện, nhân văn của văn hóa.

Thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa nổi bật. Còn ít tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Một số sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật chất lượng kém vẫn được phát hành, truyền bá; không ít sản phầm đồi trụy, độc hại của nước ngoài xâm nhập vào nước ta đã ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục. Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp có xu hướng nghiệp dư hóa…..

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở một số nơi hiệu quả không cao, phục hồi cả hủ tục, mê tín dị đoan. Việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa còn để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong dư luận.

Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, còn nhiều yếu kém, chưa trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện con người và đào tạo nguồn nhân lực.

Một số cơ quan báo chí hoạt động chưa đúng với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. Công tác quản lý văn hóa ở các cấp còn nhiều yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp, xử lý chậm và thiếu kiên quyết đối với những sai phạm. Việc đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải, gián đoạn, hiệu quả thấp. Hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với nước ngoài còn hạn chế cả chiều rộng lẫn chiều sâu……

Trong buổi sáng hôm nay, Hội nghị đã nghe ý kiến tham luận, trao đổi của các đại biểu: Hoàng Tuấn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh; Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội; GS. Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam…

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã nêu lên những kết quả thực hiện Nghị quyết nói chung cũng như tại các địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực nói riêng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, phân tích nguyên nhân; đúc kết bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất, kiến nghị với Trung ương bổ sung các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, việc đánh giá tình hình, xác định phương hướng, đề ra định hướng tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu chung, đó là: Giải phóng mạnh mẽ năng lực sáng tạo của mọi người dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ nhằm đưa dân tộc Việt Nam phát triển và hạnh phúc; làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phấn đấu đạt được những tiến bộ mới trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hình thành hệ giá trị chuẩn mực con người Viêt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh; đạt kết quả rõ rệt trong xây dựng môi trường văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường; tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng văn hóa trong Đảng; bảo đảm có đủ các thiết chế cơ bản ở các địa phương và hoạt động có hiệu quả thực chất.

Hội nghị tiếp tục làm việc trong buổi chiều hôm nay./.

Thế Hoàng

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất