Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 14/1/2014 22:2'(GMT+7)

Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 có nhiều điểm mới

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết về Luật đất đai sửa đổi. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết về Luật đất đai sửa đổi. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời phỏng vấn TTXVN xung quanh những điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

- Trong Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất được cụ thể hóa thế nào, thưa đồng chí?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 14 chương, 212 điều (sau đây gọi là Luật Đất đai năm 2013), tăng 7 chương và 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003 đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời luật hóa tối đa các quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả để khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003, trong đó những vấn đề về quyền, trách nhiệm của Nhà nước và quản lý nhà nước đối với đất đai, các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được Luật quy định cụ thể:

Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của Nhà nước và quản lý nhà nước đối với đất đai, trong đó đã bổ sung các quy định về quyền của Nhà nước trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất; quyết định thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết; quyết định giá đất và chính sách thu, chi tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.

Luật còn quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai là Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân các cấp và Ủy ban Nhân dân các cấp.

Bên cạnh những quy định về quyền của Nhà nước, Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo hộ các quyền của người sử dụng đất, như bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế; có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, cung cấp thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.

Để quản lý đất đai, Luật đã quy định Nhà nước có trách nhiệm quản lý thống nhất đất đai theo pháp luật và không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 đã dành hẳn Chương XI quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quy định các điều kiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Những quy định này đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền của “người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.” Người sử dụng đất có các quyền, như được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất tùy theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất.

Luật cũng quy định người sử dụng đất có các nghĩa vụ: Sử dụng đất đúng mục đích; thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính; bảo vệ đất; bảo vệ môi trường; trả lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất.

- Xin Phó Chủ tịch cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) đã cụ thể hóa Hiến pháp sửa đổi như thế nào đối với những trường hợp mà Nhà nước thu hồi đất?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, quy định của Hiến pháp, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định chi tiết các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61) và thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62). Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, bao gồm:

1. Các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;

2. Các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, như Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;

3. Các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất, như: Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; công trình di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương; công trình thu gom, xử lý chất thải; dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung.

Các dự án, công trình phải thu hồi đất được thể hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện và do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định thu hồi đất.

Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm hạn chế các hành vi lợi dụng, lạm quyền trong thu hồi đất.

- Xin Phó Chủ tịch cho biết những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý, sử dụng đất?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Luật Đất đai năm 2013 có nhiều quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý và sử dụng đất, thể hiện ở những điểm sau:

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Luật quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định cụ thể về hình thức, nội dung, thời gian lấy ý kiến nhân dân; trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đối với tất cả các cấp nhằm tăng cường hơn tính công khai, dân chủ.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố và công khai trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao tính minh bạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết và nhân dân giám sát thực hiện.

Luật cũng quy định việc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch, đồng thời khắc phục được tình trạng các công trình, dự án đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng không triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch.

Về thu hồi đất: Luật đã quy định theo hướng thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ngoài các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, các trường hợp còn lại phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét về sự cần thiết phải thu hồi đất. Đối với các dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và thực hiện cưỡng chế quyết định thu hồi đất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất; tăng cường hơn sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận.

Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Luật đã bổ sung những quy định rất quan trọng, như quy định giá đất bồi thường là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Quy định điều kiện được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất đối với từng loại đất và từng đối tượng cụ thể. Quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư và một số khoản hỗ trợ khác.

Đồng thời, Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm lập và tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư. Quy định cụ thể về việc xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan Nhà nước và do lỗi của người có đất thu hồi gây ra để đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ, cũng như tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Về giá đất, luật quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất. Khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động. Trường hợp các địa phương không thống nhất được giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bảng giá đất được quy định để áp dụng các trường hợp người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, như tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.

Giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định để áp dụng đối với các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất; tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Luật đã bổ sung quy định về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất, vị trí của tư vấn giá đất trong việc xác định giá đất và việc thuê tư vấn để xác định giá đất cụ thể.

Ngoài ra, Luật đã có quy định bảo đảm sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Quy định cụ thể điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định về điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo. Quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của nhân dân. Quy định về hệ thống giám sát, theo dõi việc quản lý và sử dụng đất để đánh giá một cách công khai, minh bạch và dân chủ.

Luật cũng quy định theo hướng tăng cường hơn sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân về việc quản lý và sử dụng đất đai; đề cao quyền giám sát của công dân thông qua việc quy định cụ thể nội dung, hình thức giám sát của công dân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân về quản lý và sử dụng đất đai.

- Để Luật đất đai (sửa đổi) sớm phát huy hiệu quả trong cuộc sống, công việc trước mắt cần được chú trọng là gì, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Để Luật Đất đai năm 2013 sớm đi vào cuộc sống, trước tiên các cấp, các ngành và các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua đến mọi người dân để hiểu và thực hiện tốt. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức phổ biến, giáo dục Luật Đất đai cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai.

Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định của pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật; tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật với các quy định dưới Luật; có kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Luật một cách đồng bộ, có hiệu quả; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Luật để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi của Luật.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội. Kính chúc Phó Chủ tịch Quốc hội cùng gia đình một mùa Xuân mới an khang, thịnh vượng!

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất