Du lịch nông nghiệp còn là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng gia đình nông hộ hoặc các trang trại...
Sau mười năm thực hiện chính sách đổi mới theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị và công nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhưng bên cạnh đó đã bộc lộ những nguy cơ suy thoái về môi trường cảnh quan và đạo đức văn hóa của một xã hội thoát thai từ một nền kinh tế thuần nông. Một nguy cơ nữa là sự mất đất nông nghiệp một cách dễ dàng vào tay các ông chủ lớn các tập đoàn, công ty, người nông dân dễ dàng bị mất đất vì không được xem là ông chủ số tài sản đất mà nhiều đời cha ông của họ đã canh tác trên đó.
Trong cuộc Hội thảo về tam nông diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến: “Nếu mức sống đô thị và nông thôn quá xa, quá khác thì nước ta còn chứng kiến những cuộc di dân to lớn hơn nữa hướng ra thành phố. Điều này sẽ phá nát đô thị và cũng xô đổ văn hóa nông thôn”.
Các sản vật nông nghiệp mang đậm sắc thái tự nhiên của mọi miền đất nước nếu được hỗ trợ bằng các chính sách đúng đắn, có luật bảo hộ và được úng dụng khoa học công nghệ phù hợp sẽ tạo ra được các sản phẩm hàng hóa lớn thương hiệu Việt cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, đó cũng chính là lợi thế cạnh tranh sắc bén cho nước ta trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Điều đó đã được thể hiện bằng các sản phẩm độc đáo như cà phê, chè, hạt tiêu, nước mắm Phú Quốc, tôm, cá tra, lúa gạo đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định đặc thù về vị thế địa lý nông nghiệp Việt Nam.
Thêm vào đó, sự suy thoái kinh tế trên thế giới tại thời điểm này đã nêu bật được vị trí quan trọng của những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn về lương thực, nguồn nước sạch và năng lượng. Một đòi hỏi cấp bách tại thời điểm hiện nay đối với chính sách tam nông là trên nền các sản xuất cá thể cần phải áp dụng một mô hình quản lý và tổ chức mới về tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiếp thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với việc áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp. Quá trình thực thi mô hình mới này cần mang tính cách mạng triệt để với ý nghĩa nông dân được nhận lợi ích đích thực trên chính sản phẩm họ làm ra chứ không phải cho các tầng lớp thương lái trung gian như hiện nay. Các nông hộ phải trở thành những người lính được tổ chức và được trang bị kiến thức hoạt động trên thương trường có hiệu quả.
Việc bàn về các chính sách cơ chế và xây dựng các mô hình quản lý nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo hướng thị trường cho cặn kẽ mọi nguồn không những là trách nhiệm mà còn phải được coi là một quốc sách trước một giai đoạn phát triển mới của một đất nước nông nghiệp. Mà đã là quốc sách thì rất cần sự đóng góp của các nhà lý luận và lý luận thực hành không chỉ về mặt lý luận mà còn phải mang tính thực tiễn và thời sự cấp bách. Cần áp dụng thí nghiệm các mô hình điểm, nếu thành công phải nhân rộng ,không làm kiểu "đánh trống bỏ dùi"'trên sự hỗ trợ toàn diện quyết liệt của toàn bộ bộ máy quản lý của Đảng và Chính phủ các cấp. Chỉ khi đó mới có thể ngăn chặn được quá trình ly nông và ly hương và bần cùng hóa tại nông thôn đang có chiều hướng gia tăng khi tiến hành đô thị và công nghiệp hóa mà chưa gắn kết hài hòa với lợi ích của đại đa số dân cư nông nghiệp như ngày nay.
Nhìn ra thế giới, tại các nước phát triển cách đây 30-40 năm cũng đã diễn ra bức tranh như vậy. Ví dụ: ở Italia từ những năm 70 tới những năm 80 của thế kỷ trước, tình trạng bỏ nghề nông tăng mạnh với xu hướng ào ạt ra thành phố kiếm việc. Trong 10 năm của thập kỷ 1980, có khoảng 400.000 hộ nông dân chuyển sang nghề khác. Chính phủ Italia đã phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng như vậy cũng diễn ra ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ v.v...
Để giải quyết vấn đề trên, chính phủ các nước đã triển khai rất nhiều biện pháp để ngăn chặn, trong đó có một hướng đã được triển khai rất hiệu quả và đã chứng minh được qua vài chục năm hoạt động là có tác dụng rất tốt với thu nhập của dân cư nông nghiệp, thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn. Đó là việc chính phủ đã hướng sự quan tâm của cộng đồng toàn xã hội và việc phát triển du lịch nông nghiệp. Đây là một hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và tiếp thị gốc về hồ sơ xuất xứ sản phẩm nhất là khi nhu cầu về tự bảo vệ sức khỏe trước các thức ăn và môi trường ô nhiễm của cộng đồng xã hội tại các thành phố lớn ngày càng tăng. Du lịch nông nghiệp còn là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng gia đình nông hộ hoặc các trang trại...
Hình thức du lịch nông nghiệp này tại một số nước đã đưa ra những kết quả về kinh tế rất đáng khích lệ như ở Ý trong 5 năm từ 1985 đến 1990 doanh thu từ hoạt động kinh doanh này tăng gấp hai lần. Trong 10 năm từ 1990 đến 2000 đã tăng lên 50%. Doanh số năm 2004 là 880 triệu euro, trong đó khách trong nước là 1/4 còn lại là đến từ các quốc gia châu Âu khác. Các gia đình thành phố đi du lịch nông thôn hầu hết thường ở từ 3 – 6 ngày, mục đích số một là nghỉ ngơi, thứ hai là tham gia các sự kiện và tham quan những di sản văn hóa, thứ ba mới là ăn uống.
Mô hình du lịch nông thôn rất nên được nghiên cứu tiến hành ở nước ta với việc xây dựng các chính sách vĩ mô và ban hành luật định cụ thể trong việc thực hiện như một sự hỗ trợ tích cực của các tầng lớp dân cư đô thị với sự phát triển bộ mặt nông thôn và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời kích thích phát triển kinh tế trang trại trên nền liên kết sản vật nông nghiệp của các nông hộ. Đề nghị được tiến hành nghiên cứu xây dựng một mô hình điểm cho loại hình này tại vùng sinh thái tự nhiên xung quanh chân núi Ba Vì để phát triển du lịch đồng quê trên các sản phẩm sữa, gà đồi, dê, thỏ, thảo dược, mật ong, nước khoáng nóng, rau sạch, rau rừng và hoa củ quả đặc sản. Mặt khác xung quanh chân núi Ba Vì còn là nơi sinh sống khá lâu đời của các cộng đồng dân tộc Mường và Dao với số lượng vài chục nghìn người với tập quán gắn bó với thiên nhiên núi rừng. Việc lấy vùng xung quanh núi Ba Vì vì tại đó có các bộ phận dân cư thuần nông canh tác nông nghiệp trên sự đa dạng về địa hình, cảnh quan, sinh thái thiên nhiên phong phú.
Khi Hà Nội mở rộng, do có số lượng dân cư nông nghiệp rất lớn nên việc chuyển đổi sang thành thị không chỉ là một quá trình cơ học đơn thuần mà phải yêu cầu xây dựng được các quan điểm đúng đắn về chiến lược phát triển xã hội, văn hóa, kinh tế, môi trường sinh thái, đưa ra được những hình thức và bước đi phù hợp. Cần có bản quy hoạch về các phân khu chức năng dựa trên việc nghiên cứu khoa học rất cơ bản và tổng thể về các nguồn lực trong đó ưu tiên hàng đầu là tài nguyên sinh thái. Đô thị có thể xây rất nhiều chỗ, nhưng sản vật do thiên nhiên ban tặng chỉ có ở vùng đất riêng của nó mà thôi.
Với lý do trên, nên xây dựng một bản quy hoạch với mục đích chính là bảo tồn nghiêm ngặt vùng sinh thái tự nhiên và sinh thái nông nghiệp xung quanh chân núi Ba Vì để phát triển những sản vật như sữa Ba Vì, gà đồi, dê, thỏ, các loại rau, củ, hoa trái bản địa, các loại thảo dược, các nguồn nước ngầm tinh khiết được tạo bởi khu rừng nguyên sinh và chất liệu đá cuội, đá ong.
Trong việc quy hoạch tránh việc làm mất đi lớp phủ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp quý giá hàng triệu năm mới tạo ra được và trên đó mới có được những sản vật quý giá vô cùng cho sức khỏe cộng đồng dân cư và nguồn thu nhập ổn định cho các thị dân nông nghiệp làm ra các sản vật đó. Tránh việc lấy đất của các nông hộ ồ ạt để làm khu đô thị và vui chơi giải trí. Cần xây dựng luật riêng về vấn đề này để thông qua các hoạt động du lịch đồng quê tạo ra tầng lớp thị dân làm nông nghiệp trong thủ đô mở rộng này. Chính các thị dân nông hộ này sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc cung cấp các sản phẩm sạch từ thiên nhiên, tạo ra một vành đai thực phẩm sạch tinh khiết thiên nhiên cho Hà Nội. Góp phần phát triển một thủ đô văn minh biết tôn trọng thiên nhiên, tham gia giáo dục cộng đồng cư dân đô thị và đặc biệt thế hệ trẻ bằng các hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái.
Tại Việt Nam, không phải không có những hoạt động du lịch này, đã có như tại Sapa, Khánh Hòa, một số tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ v.v... Nhưng cho đến nay vẫn được coi là những hoạt động lẻ tẻ, ngành du lịch chưa xây dựng lý luận, phương hướng phát triển và phổ cập phát triển để trình Chính phủ loại hình kinh tế du lịch quan trọng này tại một nước nông nghiệp như Việt Nam./.
(Theo: Báo Tiền Phong)