Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 6/8/2008 14:29'(GMT+7)

Dấu ấn Việt Nam tại HĐBA LHQ

Chủ động và đầy trách nhiệm

Trong cuộc họp báo diễn ra chiều 5/8, Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, trong 7 tháng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA), Việt Nam đã tham gia chủ động, bắt nhịp nhanh với cường độ làm việc, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng có nguyên tắc, bảo đảm lợi ích của đất nước cũng như lợi ích chính đáng của các bên. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia gần 240 cuộc họp chính thức, trong đó đoàn Việt Nam đã có hơn 180 phát biểu, đóng góp cho việc xây dựng mọi văn kiện của HĐBA và bỏ phiếu với tinh thần trách nhiệm trên tất cả các nghị quyết của HĐBA; đảm nhiệm tốt các trọng trách là Chủ tịch, Phó Chủ tịch một số Ủy ban.

Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc đề cao các nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia được đặt lên hàng đầu; trách nhiệm, khách quan, quan tâm và bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các bên, thúc đẩy các giải pháp hòa bình.

Để có cơ sở đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp phù hợp, Việt Nam đặc biệt coi trọng việc trao đổi, tham vấn với các nước trong và ngoài HĐBA, xác lập và tăng cường mối quan hệ tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau. Đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin, tham vấn với các nước ASEAN, Không liên kết, các nước ở khu vực châu Phi, Trung Đông và các khu vực khác, qua đó nắm bắt được mối quan tâm, lợi ích chính đáng của các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Riêng trong tháng 7, Việt Nam đã hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch HĐBA; điều phối mọi hoạt động của cơ quan này, đảm bảo công việc của Hội đồng diễn ra đúng tiến độ trên tinh thần xây dựng, tránh căng thẳng. Việt Nam đã chủ động đưa vào chương trình và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trực tiếp chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao về vấn đề "Trẻ em trong xung đột vũ trang" (CAAC), được nhiều nước và các tổ chức quốc tế đánh giá là tiến bộ lớn. Phiên thảo luận mở về tình hình Trung Đông sau gần 1 năm gián đoạn đã diễn ra trong tháng 7 dưới sự chủ trì của Việt Nam cũng đạt kết quả tích cực.

Bản lĩnh Việt Nam trong vị thế quốc tế mới

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA, Đại sứ Trưởng phái đoàn Việt Nam tại New York liên tục có các cuộc tiếp xúc song phương với đại diện tất cả các thành viên của HĐBA, đại diện các nước liên quan, các quan chức cấp cao LHQ để trao đổi các vấn đề quan tâm; tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn nhằm thông báo về chương trình làm việc của HĐBA cũng như các cuộc họp và văn kiện được HĐBA thông qua. Việt Nam cũng đã xây dựng được dự thảo báo cáo năm của HĐBA và có sáng kiến lần đầu tiên tổ chức cuộc họp mở không chính thức cho tất cả thành viên LHQ để giới thiệu và tiếp nhận ý kiến về dự thảo báo cáo này. Dư luận quốc tế đã coi sáng kiến và sự thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là đóng góp thực chất mở ra khả năng thúc đẩy cải tiến phương pháp làm việc của HĐBA theo hướng minh bạch, dân chủ hơn.

Đánh giá về những thành công trên cùng sự tham gia chủ động, thực chất và có trách nhiệm tại HĐBA, Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã xua tan lo ngại trước đây về khả năng ứng xử đối với các diễn biến của đời sống chính trị quốc tế.

Các nhà quan sát tại New York (Mỹ) cũng như tại châu Âu và châu Đại Dương cũng ghi nhận vai trò đáng kể của Việt Nam với tư cách là một nhân tố có trọng lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trên cả hai bình diện vừa là thành viên không thường trực, vừa là Chủ tịch HĐBA trong tháng 7 Việt Nam đã đảm trách nghiêm túc và có trách nhiệm chức vụ của mình trên rất nhiều hồ sơ. Đặc biệt là những hồ sơ tế nhị, có độ nhạy cảm cao vào thời điểm này như: vấn đề hạt nhân của Iran, tình hình Zimbabwe, Myanmar cũng như cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Campuchia và Thái Lan. Trong vai trò mới tại HĐBA LHQ, Việt Nam đang tạo một tư thế của một nước có tiếng nói trên trường quốc tế, sau khi đã trở thành một quốc gia có vị thế nhất định ở châu Á.

Tổng Thư ký LHQ và các nước, kể cả các nước P5 (5 thành viên thường trực HĐBA), đều bày tỏ bất ngờ với khả năng bắt nhịp nhanh của Việt Nam và đánh giá Việt Nam có quan điểm độc lập, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm.

Chuẩn bị tốt- Bài học thành công

Trong 7 tháng tham gia HĐBA, đặc biệt là tháng giữ ghế Chủ tịch HĐBA LHQ, không có điểm nóng hay diễn biến chính trị quốc tế mới nào mà Việt Nam không phải đối mặt, thậm chí có những vấn đề nhạy cảm được ví như “liều thuốc thử” đối với lập trường quốc tế của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Phạm Bình Minh, để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, bài học thành công chính là sự chuẩn bị tốt.

Các đại biểu chúc mừng Việt Nam
được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ

Theo đó, Việt Nam đã trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu không mệt mỏi suốt 10 năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, làm quen với các thủ tục hoạt động của HĐBA, xây dựng hệ thống lập trường trên các vấn đề, cơ chế ra quyết định nhanh… nhằm khắc phục tối đa những hạn chế có thể phát sinh trong lần đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên không thường trực cũng như Chủ tịch HĐBA.

Trả lời phỏng vấn của báo chí nhân dịp kết thúc tháng làm Chủ tịch HĐBA, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng khẳng định, quá trình chuẩn bị tốt cả về nhân sự, kiến thức và học hỏi kinh nghiệm chính là nguyên nhân dẫn tới thành công. Quá trình đó được thực hiện ngay từ khi Việt Nam trúng cử vào HĐBA và còn sớm hơn nữa.

Bên cạnh đó, theo Đại sứ Lê Lương Minh, cơ chế chỉ đạo của trong nước đối với cơ quan đại diện cũng như cơ chế thông tin, phối hợp giữa trong và ngoài nước, giữa các cơ quan đại diện ngoài nước, nhất là các cơ quan đại diện tại các địa bàn có xung đột đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là một yếu tố then chốt.

Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, Việt Nam đã hoàn thành tốt 1/4 quãng đường. Dự kiến tháng 8 này, trong chương trình nghị sự của HĐBA sẽ có phiên thảo luận mở bàn về phương pháp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả công việc của HĐBA. Phát huy thành quả đã đạt được, Việt Nam sẽ tiếp tục quán triệt mục tiêu và phương châm tham gia HĐBA, nỗ lực hợp tác cùng các nước tìm những giải pháp thực tế cho những vấn đề nảy sinh trên cơ sở Hiến chương LHQ, tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Nói như Đại sứ Lê Lương Minh, Việt Nam còn 3/4 quãng đường và một lần nữa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch. Việc tích cực tham gia công việc của Hội đồng, tiếp tục trau dồi kiến thức và tích lũy, học hỏi kinh nghiệm cộng với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp nhịp nhàng và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan sẽ là những nhân tố bảo đảm thành công của Việt Nam./.

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất