Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 13/8/2008 21:5'(GMT+7)

Nâng cao trách nhiệm của gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Việc quan tâm, chăm sóc, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta chú ý từ rất sớm. Đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng đề cập tới vấn đề này, trong đó đều thống nhất khẳng định đây là trách nhiệm to lớn của Đảng, toàn dân, đồng thời thể hiện tính ưu việt của xã hội ta. Trên thực tế, từ khi đổi mới tới nay, công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay trong xã hội vẫn còn xảy ra nhiều hiện tượng đau lòng khi nạn bạo hành trẻ em diễn ra ở không ít gia đình, ở một số nơi thuê mướn việc làm, thậm chí ngay cả trong lớp học và cơ sở nuôi dạy trẻ. Một khảo sát vào tháng 3-2006 do Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện ở 5 địa điểm: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Quảng Bình cho thấy có đến 58,3% số trẻ em nói rằng, người lớn dùng các phương pháp quát mắng, chửi, sỉ nhục, đánh tát, phạt úp mặt vào tường… để răn dạy khi các em mắc lỗi, thật là không văn hóa và không có tác dụng giáo dục trẻ thơ. Trong các năm 2006, 2007 và đầu năm 2008, các vụ bạo lực, xâm hại đối với trẻ em được phát hiện và phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng không ít, khiến cho xã hội không thể không quan tâm và lo ngại.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta đang đứng trước những vấn đề bức xúc đòi hỏi cần phải giải quyết. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, nhà trường và gia đình theo chức trách và khả năng của mình là phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện có kết quả các nghị quyết, luật, nghị định và chương trình hành động của Đảng, Nhà nước về vấn đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hướng sự chú ý vào việc vận động nhân dân quan tâm hơn nữa đến công tác nuôi dưỡng, giáo dục và chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em. Đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục hình thành nhân cách tốt đẹp, phát huy trí tuệ của trẻ em mà sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội luôn có ý nghĩa quyết định.

Đất nước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, việc chăm sóc trẻ em có điều kiện thuận lợi hơn. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm, con số trẻ em bị đói rách, thất học thu hẹp dần. Nhưng việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình hình mới lại nảy sinh những khó khăn, phức tạp mới. Nhiều bậc phụ huynh tần tảo chăm chút con em có cơm ăn áo mặc, được cắp sách đến trường nhưng cũng nơm nớp lo lắng về mối quan hệ bạn bè và xã hội của bọn trẻ. Đã xảy ra biết bao nhiêu trường hợp trẻ em sinh hư do đua đòi, tiêm nhiễm các thứ văn hóa xấu độc từ bên ngoài tràn vào, rồi các tệ nạn xã hội luôn luôn rình rập lôi kéo các em. Nhiều gia đình do mải làm ăn không quan tâm chăm sóc con em mình.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em muốn đạt được kết quả tốt cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Các tổ chức Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở phải coi việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những công tác quan trọng của toàn bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, quản lý và thực hiện của mình. Các cấp uỷ Đảng phải có nghị quyết đúng đắn; chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải đề ra được những giải pháp cụ thể về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, từng vùng để đảm bảo cho những chỉ thị của Đảng và Nhà nước có hiệu quả trong thực tế. Các đoàn thể chính trị - xã hội, nhà trường phải trở thành lực lượng nòng cốt để tổ chức thực hiện có kết quả các nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em địa phương. Các gia đình, cha mẹ, anh, chị phải đóng vai trò chủ động tích cực nhất và có trách nhiệm cao nhất trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con em mình theo hướng dẫn của các cơ quan khoa học và giáo dục xã hội.

Hai là, Nhà nước phải đầu tư kinh phí thoả đáng cho một số hoạt động chính của công tác trẻ em.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay muốn thực hiện được tốt thì Nhà nước phải quan tâm đầu tư kinh phí cho các hoạt động chính sau đây:

- Kinh phí cho xây dựng kết cấu hạ tầng như: hệ thống trường học cùng trang thiết bị và đồ dùng dạy học; các cơ sở vui chơi giải trí, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em; đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

- Kinh phí cho việc thực hiện các dự án: chống suy dinh dưỡng quốc gia; xóa đói giảm nghèo; phổ cập giáo dục và xóa nạn mù chữ ở trẻ em; khắc phục tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ.

- Kinh phí cho việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo nuôi dạy trẻ.

- Kinh phí cho việc tiêm chủng, phòng chống các bệnh dịch bại liệt, uốn ván…

Hiện nay kinh phí Nhà nước đầu tư cho các nhu cầu trên đây hàng năm còn quá ít ỏi, chỉ nói riêng về kinh phí xây dựng trường, lớp cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng trên dưới 50% mức yêu cầu.

Trình độ phát triển kinh tế của nước ta hiện nay còn thấp kém, thu nhập của các gia đình nói chung chỉ đủ bù đắp cho các chi phí sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, thậm chí còn một số không ít gia đình nhất là nông dân vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Trẻ em ở các gia đình này không những không được hưởng quyền bảo vệ và chăm sóc mà còn phải bỏ học để đi lao động kiếm sống. Nếu như Nhà nước không quan tâm đầu tư kinh phí cho các nhu cầu cần thiết nói trên thì công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Điều đó làm cho các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không có ý nghĩa thực tế.

Ba là, các tổ chức xã hội, gia đình và cá nhân phải thực hiện nghiêm túc các điều luật, chính sách và pháp lệnh của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Các tổ chức xã hội: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam động viên giúp đỡ công nhân viên chức làm tròn nhiệm vụ đối với con cái và dành một phần thích đáng quỹ phúc lợi vào việc bảo vệ, chăm lo, giáo dục trẻ em. Đồng thời kịp thời kháng nghị đối với những hành vi xâm phạm các quyền lợi đó.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, gia đình và nhà trường là vấn đề hết sức cần thiết và không thể thiếu được để thực hiện có hiệu quả các điều luật, chính sách và pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay.

Bốn là, công tác trẻ em phải được tổ chức thành phong trào quần chúng sâu rộng và thường xuyên.

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp phải quán triệt sâu sắc. Thiếu kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nhà nước có thể huy động sự đóng góp hợp lý của dân; thiếu nhân lực, thì động viên dân tham gia; thiếu biện pháp thực hiện thì đưa ra dân bàn và đề xuất. Trong thực tế nhân dân ta đã đóng góp nhiều tiền của để xây dựng trường, lớp, tổ chức các nơi nuôi dạy trẻ khá khang trang và đẹp đẽ. Phát huy nội lực của các gia đình trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em là điều hết sức quan trọng đối với chúng ta hiện nay.

Các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước. Đơn vị, cá nhân nào xâm phạm quyền của trẻ em hoặc vi phạm đến các quy định khác của pháp luật đối với trẻ em thì phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay sẽ đạt kết quả tốt nếu nó trở thành phong trào cách mạng sâu rộng, thường xuyên trong nhân dân và có sự quan tâm đầy đủ của Đảng và Nhà nước./.

PGS, TS. Cao Duy Hạ
Học viện Chính trị-Hành chính QG Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất