ĐẶT QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DÂN LÊN HÀNG ĐẦU
Thực hiện BHYT toàn dân có nghĩa là mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Những lợi ích thiết thực người dân được hưởng từ chính sách BHYT là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Luật BHYT được Quốc hội khoá XII thông qua năm 2008, được Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng để BHYT phát triển, triển khai thực hiện với nhiều điểm mới. Những quy định mới đã có tác động sâu sắc đến quyền lợi của người tham gia BHYT và thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân như: Quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc; bổ sung đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình; thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT theo lộ trình; quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT (KCB BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT. Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 35% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030.
Với tiêu chí đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, chính sách thông tuyến KCB BHYT được áp dụng từ ngày 1-1-2016 đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Quyền lợi trong KCB của người dân tham gia BHYT cũng được mở rộng. Cùng với ngân sách Nhà nước, BHYT cũng tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho việc KCB, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong việc tổ chức việc KCB BHYT, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hàng loạt các biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng KCB; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Với quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”, ngành Y tế đã có những đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hằng năm. Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế đã ban hành thực hiện thí điểm năm 2013 và thực hiện chính thức từ năm 2016 là căn cứ cho các bệnh viện triển khai nhiều giải pháp, đề án nhằm từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Số cơ sở KCB ký hợp đồng với cơ quan BHYT tăng lên hằng năm cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính đã từng bước nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Thực hiện Chương trình “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, các bệnh viện đã tiến hành triển khai khảo sát đánh giá hài lòng người bệnh ở tất cả các bệnh viện trên toàn quốc, dựa vào đó để tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ.
Thực hiện Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22-4-2013 của Bộ Y tế về quy trình khám bệnh tại khoa Khám bệnh, các bệnh viện cải tiến quy trình và thủ tục trong khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh.
Đồng chí Phạm Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn:
Kinh nghiệm trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế ở Bắc Kạn
Nhận thức được bảo hiểm y tế (BHYT) có vị trí, vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của mỗi con người, Bắc Kạn đã từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tăng tỷ lệ bao phủ tham gia BHYT trên địa bàn. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tại một số huyện khó khăn của tỉnh, tỷ lệ người dân được đóng BHYT rất cao như Na Rì (98,3%), Ngân Sơn (99%), Pác Nặm (99%)… Nhiều địa phương đã thực hiện tốt, rõ ràng việc niêm yết quy trình khám bệnh, giá dịch vụ, đón tiếp, biển báo, chỉ dẫn người bệnh đến khám, chữa bệnh như Thành phố Bắc Kạn, Ngân Sơn, Bạch Thông, Ba Bể. Thành phố Bắc Kạn đã có sự kết nối, liên thông dữ liệu đầu ra khám, chữa bệnh BHYT giữa Trung tâm y tế với cơ quan BHXH. Chợ Mới không để giá thuốc trong cơ sở khám, chữa bệnh cao hơn thị trường. Số người khám chữa bệnh BHYT tăng cao tại một số huyện như: Na Rì năm 2015 là 82.184 lượt người, Pác Nặm năm 2018 là 80.298 lượt người.
Từ đó, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT ở Bắc Kạn, đó là:
Thứ nhất, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một cách sát sao, chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các chính sách BHYT trên địa bàn.
Thứ hai, cơ quan y tế cần làm tốt hơn vai trò tham mưu quản lý nhà nước về BHYT; công tác phối hợp giữa các ban, sở, ngành, hội, đoàn thể với cơ quan BHXH có vai trò quan trọng để tổ chức có hiệu quả chính sách BHYT; làm tốt công tác giám sát đối với các đơn vị sử dụng quỹ nhằm đảm bảo sự cân đối giữa thu và chi.
Thứ ba, các hoạt động tổ chức thực hiện BHYT phải được tổ chức thống nhất, đồng bộ; trong đó cần chú trọng làm tốt công tác thu, phát triển đối tượng, chi trả chế độ BHYT. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và cải cách hành chính nhằm góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách BHYT trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi tham gia và thụ hưởng BHYT của người dân.
|
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT đã giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tin học hóa BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục tham gia và cấp thẻ BHYT từ năm 2015. Thông qua hệ thống phần mềm, doanh nghiệp có thể kê khai và nộp hồ sơ BHXH qua mạng Internet. Từ tháng 6-2016, hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT bắt đầu hoạt động, đã kết nối với trên 99% cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương trên toàn quốc. Đến nay, đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT.
Những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được KCB chu đáo, không phân biệt giàu, nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả 80% đến 100% chi phí KCB theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp đối tượng nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình. Hiện nay, tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và những lợi ích khi tham gia BHYT, số người tham gia BHYT ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Tính đến hết tháng 5-2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA TỪ THỰC TIỄN
Truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa các chính sách pháp luật về BHYT đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyên truyền chưa đồng bộ và toàn diện; nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn, chưa tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nhân dân, đến người lao động và lãnh đạo các doanh nghiệp, các địa phương về nghĩa vụ và quyền lợi tham gia bảo hiểm. Nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ sở y tế chưa thật sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên sâu về tuyên truyền BHYT.
Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về BHYT tại các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa sâu rộng tới các nhóm đối tượng, các cụm dân cư. Trong khi đó, chưa có cơ chế hỗ trợ các hội, đoàn thể tại địa phương tham gia tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHYT cũng như chưa có cơ chế phát huy vai trò của tuyên truyền miệng gắn với vai trò của các báo cáo viên và vai trò của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Nguồn kinh phí dành cho tuyên truyền còn bị hạn chế, hoặc chưa có cơ chế để sử dụng kinh phí phục vụ cho hoạt động đặc thù như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật, chính sách về BHYT, sản xuất các tiểu phẩm hoặc phim chuyên đề về BHYT…
Về công tác xây dựng và thực hiện văn bản hướng dẫn về Luật BHYT: Theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật BHYT và các văn bản có liên quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Luật BHYT trên địa bàn. Các văn bản được ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn địa phương; tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về BHYT chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là liên quan đến công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT. Một số văn bản hướng dẫn về BHYT liên tục, chồng chéo, chưa rõ ràng, gây lúng túng cho địa phương khi thực hiện.
Đồng chí Đào Việt Ánh,
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế bền vững
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bền vững, hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, có nghĩa là không chỉ cần đạt độ bao phủ số người tham gia, mà quan trọng hơn, cần bảo đảm chất lượng, công bằng và hiệu quả cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân.
Để đảm bảo mục tiêu BHYT toàn dân, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế, cần có nguồn quỹ BHYT an toàn, được sử dụng hợp lý. Hiện nay, với độ “mở” của chính sách, ngày càng có nhiều người tham gia vào hệ thống BHYT; chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện rõ rệt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Luật BHYT năm 2014 mở rộng quyền lợi cho người tham gia như: chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tạo thuận lợi cho người bệnh BHYT khi đi khám, chữa bệnh; tăng mức hưởng BHYT đối với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục, mở rộng phạm vi thanh toán cho nhiều trường hợp bệnh...
Quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong những năm qua, đã có hàng triệu bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, chi phí lớn được quỹ BHYT chi trả.
Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân; truyền thông những chính sách, pháp luật BHYT mới ban hành; tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT. Nội dung truyền thông hướng đến những kết quả, nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội, ngành Y tế trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người tham gia BHYT. Những nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử nhằm phục vụ người tham gia BHYT ngày càng tốt hơn.
Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT. Đặc biệt, đẩy nhanh độ bao phủ BHYT toàn dân; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và quản lý hiệu quả quỹ BHYT...
Đồng chí Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế:
Cần nâng cao nhận thức về bảo hiểm y tế
Để thúc đẩy bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, cần nâng cao nhận thức về BHYT. Phải có nhận thức chung một cách đầy đủ rằng, quỹ BHYT là quỹ tài chính công dựa trên sự đóng góp của người tham gia BHYT để tạo nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe theo hướng bền vững, hiệu quả, công bằng và nhân văn, và được xem như một trong những tiêu chí hay thước đo của sự phát triển kinh tế - xã hội. BHYT không chỉ là cơ chế tài chính y tế đơn thuần mà chính là một chính sách về an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững. BHYT toàn dân phải được xác định là cơ chế là cách thức quan trọng nhất, là cơ sở để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tất cả mọi công dân đều phải tham gia BHYT; người thuộc diện ưu đãi xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Việc tham gia và mức đóng BHYT phải đảm bảo sự chia sẻ chung của toàn xã hội, có cân nhắc đến tính công bằng giữa các đối tượng tham gia, mức độ thụ hưởng, cùng với sự ổn định, phát triển của quỹ.
Song song đó, cần tuyên truyền về trách nhiệm xã hội và lợi ích khi tham gia BHYT đối với cá nhân, mỗi gia đình; hạn chế việc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mỗi người dân phải tự ý thức được rằng việc tham gia BHYT chính là sự tuân thủ pháp luật.
Tuyên truyền về việc tự chăm sóc sức khỏe, tiếp cận cơ sở y tế và sử dụng dịch vụ y tế hợp lý như việc đến cơ sở đã đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu khi có nhu cầu và thực hiện theo hướng dẫn, tư vấn của nhân viên y tế.
Cơ sở cung cấp dịch vụ phải luôn coi trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải tiến quy trình, cách thức quản lý để nâng cao hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng người bệnh, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT bằng việc giảm thiểu các chi phí không thực sự cần thiết trong chẩn đoán, điều trị và đặc biệt là phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Cơ quan bảo hiểm xã hội phải nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để nắm bắt kịp thời, giải quyết nhanh, dứt điểm các tình huống phát sinh trên cơ sở quy định luật pháp và phù hợp với thực tiễn.
Các bộ, ngành, địa phương tuân thủ thực hiện Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về BHYT, trọng tâm là công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra.
|
Việc phát triển đối tượng tham gia: Mặc dù tỷ lệ tham gia BHYT tăng hằng năm, nhưng trong từng nhóm đối tượng, vẫn tồn tại những khó khăn trong việc phát triển. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, còn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT. Đối với học sinh, sinh viên, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề chưa cao. Đối với hộ gia đình người lao động có mức sống trung bình, Nhà nước hỗ trợ các hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình 30% mức đóng BHYT nhưng lại không được giảm trừ mức đóng, nên tổng mức đóng vẫn cao. Bên cạnh đó, rất khó khăn trong việc xác định được chính xác đối tượng này. Về BHYT theo hộ gia đình, chưa có chế tài bắt buộc tham gia.
Việc tổ chức KCB BHYT: Chất lượng dịch vụ KCB BHYT đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; có sự chênh lệch giữa các tuyến, các vùng. Thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ chưa tốt. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện Trung ương còn chậm được cải thiện. Số lượng và chất lượng nhân lực y tế phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các tuyến. Chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Việc điều hành, quản lý các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện công còn chậm được đổi mới. Việc liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập tuy còn hạn chế về chỉ định sử dụng dịch vụ.
Triển khai các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội. |
Việc giám định BHYT đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch: phải dựa trên các nội dung: kiểm tra thủ tục KCB BHYT; kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh; kiểm tra, xác định chi phí KCB BHYT.
Trên thực tế, việc giám định còn vướng mắc về cả quy trình, nội dung giám định, phương pháp và công cụ giám định. Cách thức giám định đôi khi chưa khách quan. Giám định theo quý, giám định theo chuyên đề của cơ quan BHXH gây khó khăn trong việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ bệnh án. Các đoàn giám định BHYT chưa thống nhất chung nội dung giám định nên còn gây khó khăn cho các cơ sở y tế. Tình trạng giám định xuất toán xong lại giám định lại, gây áp lực rất lớn cho cơ sở KCB. Quy trình giám định giao cho bộ phận giám định giám định tính hợp lý của chỉ định chẩn đoán và điều trị có thể chưa phù hợp với năng lực của giám định viên, dẫn đến đôi lúc chưa chính xác. Khối lượng hồ sơ giám định quá lớn (theo quy định là 30%), trong khi cán bộ giám định thiếu và có trình độ chuyên môn hạn chế. Phần mềm giám định chưa hoàn thiện nên việc ứng dụng để thực hiện và xử lý kết quả còn khó khăn và hiệu quả chưa cao.
Việc tổ chức, quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành về BHYT, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chính sách BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp liên ngành này chưa hiệu quả. Tổ chức quản lý về BHYT tại địa phương còn mang tính kiêm nhiệm, vì thế chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong giám định, thanh quyết toán, thanh tra - kiểm tra và giải quyết vướng mắc tại địa phương.
XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển định hướng “sức khỏe cho mọi người” sang “mọi người vì sức khỏe”, tức là chuyển từ việc Nhà nước chủ yếu phải chăm lo sức khỏe cho mọi người dân sang việc chăm lo sức khỏe là trách nhiệm của nhà nước, của toàn xã hội và của bản thân mỗi người dân. Do đó, việc tham gia BHYT là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân. Thực hiện BHYT toàn dân có nghĩa là mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Chi phí cho các dịch vụ y tế ở mức cơ bản do ngân sách và BHYT chi trả; chi phí vượt mức cơ bản do người sử dụng dịch vụ chi trả. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.
Hướng tới BHYT toàn dân, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.
Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHYT như: Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014,..
Các cấp ủy đảng chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp nhằm phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách về BHYT. Đồng thời, chỉ đạo việc định kỳ sơ kết, tổng kết công tác BHYT theo phạm vi quản lý, làm cơ sở cho việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Xây dựng cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về chất lượng các dịch vụ của y tế cơ sở; có sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên để người dân tin tưởng, KCB ở tuyến tỉnh và tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB BHYT, kịp thời cập nhật dữ liệu lên Cổng thông tin giám định điện tử nhằm minh bạch trong quản lý và chia sẻ sử dụng thông tin giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Đồng thời, quan tâm triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở tuyến cơ sở với mô hình bác sỹ gia đình và xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản trong KCB và điều trị.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật của BHYT, bảo hiểm xã hội để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi, chủ động tích cực tham gia BHYT. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền như tổ chức tọa đàm, đối thoại, tư vấn chính sách trực tiếp tại cơ sở, thực hiện các phóng sự, chuyên mục, tọa đàm, tin, bài… về chính sách, pháp luật BHYT. Đối tượng truyền thông bao gồm cả người tham gia BHYT và cơ sở KCB; trong đó, nhấn mạnh đến quyền lợi, trách nhiệm và cả những thách thức để thực hiện tốt các chính sách BHYT.
Thứ năm, nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ công chức, viên chức người lao động ngành bảo hiểm xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu dịch vụ hành chính công, hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT, bảo hiểm xã hội; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật BHYT, bảo hiểm xã hội./.
Bảo Châu