(TG)-Đó là chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12) và của Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) năm nay. Theo đó, mục tiêu 90-90-90 nhằm 90% số người nhiễm sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV (kháng vi-rút); 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp nhất.
Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS ở nước ta có xu hướng giảm ở cả ba tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV; số người bệnh chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS. Trong đó, số người bệnh nhiễm HIV chuyển sang AIDS và số người tử vong đã giảm 50%. Với những kết quả đã đạt được, cuối tháng 10-2014, Việt Nam được Liên hợp quốc chọn là điểm đến khởi xướng cho chương trình mới: 90-90-90.
Hơn 20 năm đương đầu với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, Việt Nam tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những khó khăn và thách thức. Mặc dù tỷ lệ nhiễm mới đã giảm, nhưng một số vùng vẫn có xu hướng gia tăng và sự hiểu biết của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Số trường hợp nhiễm mới HIV hằng năm vẫn còn cao, hơn 12 nghìn người; lũy tích số người nhiễm và người bệnh AIDS tiếp tục tăng cao ở nước ta hơn 227 nghìn người. Hình thái lây truyền dịch đã thay đổi, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn đang là con đường chủ yếu, khiến dịch ngày càng khó kiểm soát hơn. Tỷ lệ nhiễm mới HIV ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa tiếp tục gia tăng, gây khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ can thiệp. Nhận thức của một số bộ phận người dân về dịch HIV/AIDS còn hạn chế và có phần chủ quan, mất cảnh giác. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đang bị cắt giảm nhanh và mạnh... Tất cả các yếu tố đó khiến nguy cơ dịch HIV/AIDS có thể bùng phát, nếu chúng ta không kiên trì và đổi mới phương pháp cũng như triển khai mạnh mẽ các biện pháp can thiệp kịp thời.
Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm nay với mục tiêu 90-90-90 được cho là biện pháp ngăn chặn đại dịch HIV bùng phát một cách triệt để nhất. Theo đó, nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình thì công tác giám sát và xét nghiệm sẽ đạt hiệu quả tốt nhất, tiến tới tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định, có nghĩa tải lượng vi-rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện, đây là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của người bệnh. Các mục tiêu này đều có quan hệ mật thiết với nhau và nếu đạt được thì chúng ta có thể phát hiện được phần lớn những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt nhất, giảm thấp nhất đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác; người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định biện pháp can thiệp mạnh mẽ nhất nhằm ngăn chặn dịch HIV bùng phát là thực hiện tốt nhất mục tiêu 90-90-90. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó bao gồm tiếp tục nâng cao nhận thức và cam kết của lãnh đạo các cấp, ngành; nhanh chóng chuyển đổi nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS từ dựa vào viện trợ quốc tế sang sử dụng các nguồn tài chính trong nước như ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế và xã hội hóa. Triển khai mạnh mẽ các chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư"; tổ chức các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và chống kỳ thị, phân biệt đối xử... Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị đến tất cả những người nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm; thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng...
Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu của Tháng hành động năm nay không dễ, khi mà số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình mới đạt khoảng 78%; số người nhiễm được điều trị ARV mới đạt 39%... Điều này đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Thực hiện mục tiêu 90-90-90 không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn vì sự ổn định và phát triển lâu dài của quốc gia, là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch HIV vào năm 2030.
Đỗ Nguyên