CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Năm 2018, toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Hiện cả nước có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng cơ quan BHXH chỉ mới quản lý thu BHXH 230 nghìn doanh nghiệp, còn trên 380 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động không tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 63,5% số doanh nghiệp đang hoạt động).
Nguyên nhân của hạn chế trên do khu vực tư nhân của Việt Nam đa số gồm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (ước chiếm 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam). Việc thu BHXH gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và một bộ phận doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Theo ước tính của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), năm 2017, toàn quốc có khoảng 3,41 triệu người làm việc tại các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Khu vực phi chính thức hiện có khoảng 35 triệu người (bao gồm cả lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản). Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, chỉ có 291 nghìn người tham gia, như vậy, trong tương lai sẽ có hàng chục triệu người khi hết tuổi lao động (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi) sẽ không có lương hưu và gánh nặng an sinh sẽ tiếp tục đè nặng lên Nhà nước.
Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016, cả nước có trên 2,68 triệu người được hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng, bằng 2,48% dân số cả nước, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và người khuyết tật. Số người cao tuổi thuộc hộ nghèo và người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng chiếm gần 56,9% tổng số người hưởng trợ cấp hằng tháng.
Giai đoạn 2012-2016, số đối tượng hưởng trợ cấp hằng năm tăng bình quân 2,4%/năm, chủ yếu do tăng số người cao tuổi, phản ánh xu hướng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam và mức bao phủ thấp của hệ thống BHXH.
Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho các đối tượn: 30% mức đóng BHXH cho người nghèo (tương ứng với 46.200 đồng/người/tháng); 25% cho người cận nghèo (tương ứng với 38.500 đồng/người/tháng); 10% cho các đối tượng còn lại với mức đóng dựa trên chuẩn nghèo nông thôn (tương ứng với 15.400 đồng/người/tháng).
Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách hạn hẹp nên mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp, chưa thực sự tác động mạnh đến nhu cầu của người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. |
Bên cạnh đó, Luật BHXH và Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định người lao động được hưởng BHXH một lần nên giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm số người hưởng BHXH một lần ra khỏi hệ thống BHXH là 628 nghìn người/năm, trong khi số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là 594 nghìn người/năm.
Đáng lưu ý là đa số người rút BHXH một lần thường rơi vào nhóm tuổi lao động từ 35 - 40 tuổi và làm việc ở những ngành thâm dụng lao động, tính chất việc làm bấp bênh, không ổn định, người lao động có trình độ kỹ năng, tay nghề thấp, khi bị sa thải, thôi việc khó tìm lại việc làm ở khu vực chính thức nên chuyển sang làm việc ở khu vực phi chính thức.
Với số lượng đối tượng tham gia BHXH tăng thêm hằng năm và số người rút ra khỏi chính sách là tương đương nhau và thậm chí có xu hướng tăng trong những năm gần đây đã phản ánh bất cập trong chính sách, pháp luật BHXH, hạn chế trong nhận thức của người lao động về bảo hiểm hưu trí, an sinh cho tuổi già và thực tế đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động còn nhiều khó khăn, do vậy, mục tiêu mở rộng đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong tương lai sẽ có nhiều thách thức.
MỞ RỘNG DIỆN BAO PHỦ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG AN SINH XÃ HỘI
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định phương hướng: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả”. Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội luôn được khẳng định qua các kỳ đại hội Đảng, thể hiện trong Hiến pháp và thể chế hóa trong các văn bản pháp luật có liên quan hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ và từng bước nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho người dân.
Ngày 19/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết hiệu quả, thúc đẩy mở rộng diện bao phủ BHXH, đảm bảo an sinh xã hội cần chú trọng một số giải pháp:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH gắn với mục tiêu mở rộng diện bao phủ của BHXH.
Sửa đổi Luật BHXH hiện hành theo hướng thiết kế hệ thống BHXH đa tầng (Trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung) để tạo điều kiện cho mọi người dân thuộc các nhóm xã hội khác nhau tham gia.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hướng tới mục tiêu áp dụng đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương; giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm (hiện nay đang là 20 năm) nhằm tạo điều kiện cho nhiều người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc; thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức; nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để khuyến khích tham gia.
Giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
Hai là, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH gắn với mục tiêu mở rộng diện bao phủ của BHXH
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, gắn với xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH gây hậu quả nghiêm trọng nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH.
Cơ quan BHXH với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động cần tăng cường phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý lao động, quản lý đối tượng, doanh nghiệp tham gia BHXH.
Cơ quan BHXH cần tiếp tục đẩy mạnh việc hiện đại hóa hệ thống BHXH (xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử tập trung toàn ngành về BHXH; thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các dịch vụ BHXH), xây dựng và thực hiện bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH; quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH, thái độ, đạo đức của cán bộ trong việc phục vụ người dân khi thực hiện các giao dịch BHXH; triển khai việc đo lường và công bố chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan BHXH các cấp.
Nhìn chung, việc xây dựng, hoàn thiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mở rộng diện bao phủ của BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hệ thống chính sách an sinh xã hội, BHXH đã từng bước được hoàn thiện, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và làm cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Lâm Văn Đoan
Ban Dân vận Trung ương