(TCTG) - Các chuyên gia của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho rằng, cơ quan nhà nước cần nhanh chóng triển khai xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển Thưong mại điện tử (TMĐT) của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình TMĐT phù hợp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TMĐT.
Theo một kết quả khảo sát mới đây của Bộ Công Thương thực hiện với 3.400 doanh nghiệp cho thấy, 100% đã trang bị máy vi tính, 98% đã kết nối Internet, 81% sử dụng email trong sản xuất kinh doanh, 38% có website riêng, 14% đã tham gia sàn giao dịch TMĐT; tỷ lệ doanh nghiệp đặt hàng và nhận đơn đặt hàng thông qua mạng Internet cũng ngày càng tăng.
Về dịch vụ công, đến nay, hầu như tất cả các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng website để giao tiếp với công dân và các tổ chức trong xã hội thông qua việc cung cấp những dịch vụ công trực tuyến cơ bản. Hầu hết dịch vụ công của các bộ, ngành đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2. Các cơ quan ở trung ương và địa phương cũng đã quan tâm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3 với nhiều dịch vụ có ảnh hưởng lớn tới thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khảo sát của Bộ Công thương ở khu vực Hà Nội cũng cho thấy, có khoảng 49% hộ gia đình đã kết nối Internet, 18% có mục đích truy cập Internet liên quan tới TMĐT, 4% từng sử dụng dịch vụ thanh toán hoặc ngân hàng trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đã cung cấp thử nghiệm dịch vụ thu phí điện, nước, viễn thông hoặc có kế hoạch triển khai thu phí dịch vụ qua Internet. Các doanh nghiệp hàng không, du lịch, phân phối, bán lẻ đã đi đầu trong việc triển khai bán hàng trực tuyến; hoạt động TMĐT qua điện thoại di động cũng tăng khá nhanh trong thời gian qua.
Mục tiêu đặt ra đến 2015 là TMĐT sẽ được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và đạt mức tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để hiện thực hóa được điều này, các chuyên gia của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho rằng, cơ quan nhà nước cần nhanh chóng triển khai xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình TMĐT phù hợp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TMĐT.
Về phía các doanh nghiệp cần phải tăng cường ứng dụng TMĐT để nâng cao hiệu quả kinh doanh; khai thác những tiện ích chuyên biệt của TMĐT một cách phù hợp cho từng khâu của quy trình sản xuất kinh doanh; sử dụng các hình thức quảng bá, tiếp thị thông qua những kênh TMĐT khác nhau; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng TMĐT để tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cần đầu tư cho các phần mềm chuyên dụng; tích cực tìm hiểu và tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để giảm bớt chi phí kinh doanh.
Đối với người tiêu dùng cần mạnh dạn thực hiện mua sắm trên mạng; vận động người thân, bạn bè tham gia; tự trang bị thêm kiến thức, kĩ năng về mua hàng trực tuyến và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng; lựa chọn các website có uy tín để giao dịch; thanh toán bằng phương thức có tính năng bảo mật cao; thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư để bảo đảm an toàn an ninh cho các ứng dụng TMĐT và cho hệ thống thông tin; xây dựng và thực thi các quy chế liên quan tới việc sử dụng hệ thống thông tin; đầu tư mua sắm thiết bị và phần mềm bảo mật phù hợp; hướng dẫn người sử dụng thiết bị công nghệ thông tin tuân thủ các quy tắc an toàn an ninh thông tin; đẩy mạnh đào tạo chính quy về TMĐT bởi đến nay mặc dù đã có khá nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo nghề TMĐT song phần lớn giáo trình giảng dạy của các trường chủ yếu do giáo viên tự biên soạn hoặc trường biên soạn và mới chỉ có 19% trường có giảng viên được đào tạo chuyên ngành TMĐT./.
NQ