Cách đây 4 năm, vệ tinh VINASAT-1 đã được phóng thành công vào quỹ đạo. Đó là sự kiện quan trọng, đánh dấu việc lần đầu tiên Việt Nam có vệ tinh viễn thông riêng và thực hiện chủ quyền tài nguyên của quốc gia trên quỹ đạo không gian; thể hiện năng lực và vị thế của đất nước nói chung và ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin Việt Nam nói riêng.
Tiếp nối thành công của vệ tinh VINASAT-1, vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16/5/2012 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh VINASAT 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 (của Công ty cung cấp dịch vụ và giải pháp phóng vệ tinh Arianespace) từ bãi phóng Kouru (Guyana - Nam Mỹ), nơi đã phóng thành công vệ tinh VINASAT1.
Theo ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực VNPT: “Vệ tinh VINASAT 2 nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia về tăng cường hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực; khai thác thiệu quả nguồn tài nguyên trên không gian”.
“Đến thời điểm hiện tại, 90% dung lượng VINASAT-1 đã được sử dụng và đang đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình, truyền dữ liệu, truyền dẫn, thoại và Internet… với chất lượng dịch vụ tốt, phục vụ thiết thực cho các yêu cầu về công ích, phát triển kinh tế - xã hội cũng như về công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai và an ninh quốc phòng của đất nước. Đây là cơ sở để VNPT nhanh chóng xây dựng Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2”, ông Phan Hoàng Đức cho biết thêm.
Ngoài ra, vệ tinh VINASAT-2 còn có công suất, trọng lượng lớn hơn VINASAT-1, số bộ phát đáp nhiều hơn (VINASAT-2 có 24 bộ phát đáp trong khi VINASAT-1 chỉ có 20 bộ phát đáp) có thời gian sống 15 năm. VINASAT-2 được xây dựng với băng tần Ku và có thể phủ sóng từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar.
Ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết: “VINASAT-2 cũng được thiết kế với nhiều giải pháp kỹ thuật kết hợp với kết quả phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh sẽ có các vùng phủ linh hoạt mở rộng khả năng phục vụ nhu cầu khách hàng các nước trong khu vực”.
Theo ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI): VINASAT 1 được đầu tư 3.900 tỷ đồng. Sau 4 năm khai thác VNPT đánh giá là dự án đạt hiệu quả và dự kiến đạt doanh thu trong năm 2012 là 250 tỷ đồng. Nếu tính cả phần dung lượng mà VNPT sử dụng thì VINASAT 1 sẽ đạt doanh thu khoảng 300 tỷ đồng trong năm 2012. Với mức doanh thu này, VINASAT-1 dự kiến có thể thu hồi vốn sau 10 năm khai thác trong khi tuổi đời tối thiểu của vệ tinh là 15 năm.
Tổng mức đầu tư cho VINASAT-2 là khoảng 280 triệu USD, trong đó 20% là vốn của VNPT, 80% là vốn vay, dự kiến thời gian thu hồi vốn trong 10 năm.
Với việc khai thác, vận hành hiệu quả vệ tinh VINASAT -1, đồng thời chuẩn bị phóng vệ tinh VINASAT – 2 lên quĩ đạo, ông Phan Hoàng Đức cho rằng, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh VINASAT – 3. Điều đó cho thấy, trong những năm tới, Việt Nam sẽ tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần tăng cường khả năng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số trên quỹ đạo.
Đại diện công ty VTI tin tưởng, sau khi phóng thành công vệ tinh VINASAT-2, đến giữa tháng 7-2012, VINASAT 2 sẽ chính thức được khai thác thương mại. Cùng với quá trình sản xuất và chuẩn bị phóng VINASAT-2, VNPT cũng đã tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh VINASAT-2. Đến nay, toàn bộ hệ thống thiết bị tại Đài Điều khiển vệ tinh tại Quế Dương - Hà Nội đã sẵn sàng để tiếp nhận việc điều khiển vệ tinh VINASAT-2./.
(Theo: Văn Phong/QĐND)