Cơ chế chính sách thiếu, chưa đồng bộ và không phù hợp với tình hình phát triển đã và đang khiến cho hoạt động của các khu CNTT tập trung gặp nhiều khó khăn. Do đó, rất cần có một Nghị định riêng tạo động lực thúc đẩy hiệu quả của các khu CNTT tập trung. Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT đã trao đổi với phóng viên BĐVN về vấn đề này.
Xin bà cho biết cả nước đã và đang có bao nhiêu khu CNTT tập trung, hoạt động ra sao và đem lại lợi ích gì cho sự phát triển CNTT-TT Việt Nam?
Trong 10 năm qua, các mô hình khu CNTT tập trung đã bắt đầu hình thành và phát triển ở Việt Nam. Hiện cả nước có 7 khu hoạt động theo mô hình khu CNTT tập trung gồm: Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Trung tâm công nghệ phần mềm TP.HCM (SSP), Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP.HCM (VNU-ITP), các tòa nhà E-Town (Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE), Công viên phần mềm Đà Nẵng, Trung tâm giao dịch CNTT Hà Nội và Trung tâm công nghệ phần mềm Cần Thơ.
Đến năm 2010, tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu CNTT tập trung là hơn 3.000 tỷ đồng, thu hút được hơn 400 doanh nghiệp CNTT hoạt động. Tổng số nhân lực đạt trên 35.000 người và chiếm khoảng 25% toàn bộ nhân lực ngành công nghiệp phần mềm.
Tuy nhiên, nhìn chung các khu CNTT ở Việt Nam vẫn chưa thể hiện được vai trò tương xứng là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành CNTT, chưa có đóng góp lớn trên cả hai khía cạnh: doanh thu và công nghệ.
Theo bà, tại sao cần có Nghị định riêng về các khu CNTT tập trung?
Hiện đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập tới các cơ chế chính sách về khu CNTT tập trung nhưng nhìn chung hệ thống hành lang pháp lý cho hoạt động của các khu CNTT tập trung vẫn thiếu, chưa đồng bộ và không phù hợp với tình hình phát triển.
Điển hình như Điều 20 Nghị định 71/2007/NĐ-CP có quy định việc thành lập khu CNTT tập trung được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng hệ thống pháp luật về đầu tư lại chưa có quy định về đầu tư xây dựng mới khu CNTT tập trung như đối với Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế. Điều này gây khó cho việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng khu CNTT tập trung. Các khu CNTT tập trung hiện nay phải thành lập theo quy trình của khu công nghiệp và không được hưởng chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao như quy định trong Luật CNTT. Đây là những hạn chế không nhỏ đối với việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng và doanh nghiệp vào hoạt động trong khu CNTT tập trung.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy định về mô hình hoạt động và phân cấp quản lý khu CNTT tập trung, cụ thể là chưa có quy định cho phép khu vực kinh tế tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành khu CNTT tập trung. Đây là một khó khăn khi huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng phát triển khu CNTT tập trung.
Qua phân tích những tồn tại trong thực tiễn quản lý và phát triển khu CNTT tập trung thì thấy rất cần thiết phải ban hành một Nghị định mới nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế các nội dung quy định về khu CNTT sao cho phù hợp với thực tiễn. Được biết, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Nghị định về khu CNTT tập trung để trình Chính phủ. Vấn đề là Nghị định này sẽ siết chặt quản lý các khu CNTT tập trung theo hướng nào và tạo điều kiện ra sao cho sự phát triển của những khu CNTT tập trung? Quan điểm xây dựng Nghị định là hướng theo việc tạo hành lang pháp lý cụ thể, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển các Khu CNTT tập trung; bảo đảm tính khả thi, sát với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển các khu CNTT tập trung; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khu CNTT tập trung từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, sẽ đơn giản hóa những thủ tục thành lập doanh nghiệp, các chính sách liên quan đến thuế, tài chính, sử dụng đất, khuyến khích xây dựng hệ thống vườm ươm doanh nghiệp với những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới thành lập như miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng, đăng ký kinh doanh, đào tạo, các dịch vụ tài chính, tư vấn.
Và để duy trì lực lượng lao động công nghệ cao, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực trong nước thì sẽ có nhiều quy định hướng tới việc thu hút tài năng bên ngoài như thành lập các hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho những người tốt nghiệp ở nước ngoài trở về, chẳng hạn ưu đãi cho các văn phòng liên lạc ở nước ngoài, những khu vườm ươm đặc biệt, thiết lập các kênh cho vay tại các ngân hàng,...
Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định đã gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
Khu CNTT tập trung là mô hình tương đối mới với Việt Nam, do vậy việc đề xuất cơ chế chính sách để phát triển bền vững đã đặt ra thách thức với Bộ TT&TT. Cần lưu ý, khu CNTT tập trung là loại hình Khu công nghệ cao chuyên ngành CNTT, có những tính chất đặc thù về mô hình phát triển khác so với Khu công nghệ cao. Vì vậy, ngoài việc dựa trên quy định pháp luật về Khu công nghệ cao thì phải xây dựng những quy định cụ thể, đặc thù phù hợp đối với lĩnh vực CNTT.
Dự kiến bao giờ Nghị định về khu CNTT tập trung sẽ được ban hành và đi vào cuộc sống?
Hồ sơ Nghị định đã được hoàn tất thủ tục và gửi Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Dự thảo Nghị định đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi trình Chính phủ ban hành. Dự kiến Nghị định được ban hành vào quý II năm nay.
Xin cảm ơn bà!
Ngọc Mai - ICTnews