Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Ba, 12/12/2023 8:0'(GMT+7)

Hướng tới phát triển Thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, là hạt nhân thúc đẩy cả vùng Đông Nam bộ

Xây dựng và phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại -nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững.

Xây dựng và phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại -nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững.

XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH, SÁNG TẠO, CÔNG NGHỆ CAO

Sau khi nhập quận Thủ Đức, quận 2, 9, hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức được mở rộng, có tính liên kết vùng với Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu rất cao. Từ Quốc lộ 1, đến các tuyến đường vành đai được đẩy mạnh triển khai, tuyến metro kết nối các trường đại học, khu công nghệ cao vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng.

Đặc biệt, thành phố Thủ Đức còn có khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Thành phố Thủ Đức trở thành nơi hội tụ đầy đủ về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính để phát triển. Từ những nền tảng quan trọng, thành phố Thủ Đức hướng đến việc xây dựng đô thị tương tác cao, thành phố thông minh trong đổi mới sáng tạo.

Hiện thành phố Thủ Đức có diện tích hơn 21.000ha, với dân số 1,2 triệu người. Tuy nhiên tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của thành phố Thủ Đức không khác gì một quận, huyện, nên chưa thể đột phá. Điều này rất khó tạo lực đẩy cho một thành phố được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 GRDP và là cực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, thành phố Thủ Đức cần được trao cơ chế đặc thù vượt trội hơn, đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền để phát triển.

Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm tài chính, TP Thủ Đức đang dần hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển với môi trường thiên nhiên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh; xây dựng và phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại -nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững.

Khu vực bán đảo Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM nhìn từ trên cao.

Khu vực bán đảo Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM nhìn từ trên cao.

Thành phố đã đặt ra những mục tiêu và định hướng rõ ràng trong tương lai, đó là đẩy mạnh phát triển 9 ngành dịch vụ; đa dạng các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm, phát triển nhanh thương mại điện tử, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong nước mở rộng thị trường bán lẻ; phát triển mạnh thị trường tài chính, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, hướng đến áp dụng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; quan tâm phát triển, khai thác tốt dịch vụ cảng, vận tải đa phương thức, xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại; hoàn thiện dịch vụ hậu cần hàng hải và xuất – nhập khẩu. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh.

Thành phố cũng tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên cơ sở xác định chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của một số sản phẩm lợi thế của thành phố, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích đầu tư trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, công nghiệp sạch, tiết kiệm, từng bước hiện đại hóa các ngành sản xuất công nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị tăng cao, an toàn của khu vực; xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút đầu tư gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, Thủ Đức tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận lợi, ổn định, tự do, sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng các quy trình liên thông để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, kiên quyết xử lý các cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp. Chủ động và có giải pháp tổng thể trong quá trình hội nhập, thực hiện chính sách thương mại từ các Hiệp định quốc tế.

Ngoài ra, Thành phố còn phát huy vai trò động lực của địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Phối hợp thực hiện thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, quản lý, sử dụng nguồn nước, bảo vệ môi trường, phân bổ lực lượng sản xuất, phân bổ dân cư, đào tạo nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động toàn vùng; phát triển TP Thủ Đức thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực.

ĐỊNH HƯỚNG CỤ THỂ CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ

Xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Thủ Đức cần cơ chế đặc thù để phát triểnTheo

Đồng chí Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch thành phố Thủ Đức cho biết: “Thủ Đức hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để biến tiềm năng trở thành hiện thực cần quá trình nỗ lực, phấn đấu của toàn bộ hệ thống chính trị. Điều kiện tiên quyết phải có cơ chế phân cấp, phân quyền, sau đó phải có nguồn lực đầu tư lớn nhằm đảm bảo tài chính để phát triển. Việc này cần có sự chung tay của cả Thành phố Hồ Chí Minh và sự đồng thuận của Trung ương”.

Việc xây dựng đô thị thông minh nên theo mô hình, điều kiện mà Thủ Đức hiện có chứ không thể giống Châu Âu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc được. Ở nước ngoài, họ xây dựng đô thị thông minh trên một đô thị hiện đại. Tức là đô thị đã có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, họ rất dễ dàng phát triển, nâng cấp lên đô thị thông minh.

Hiện nay, ở thành phố Thủ Đức hạ tầng kỹ thuật như giao thông, xã hội, môi trường… còn thiếu và yếu đang là hạn chế lớn nhất trong quá trình xây dựng mô hình đô thị thông minh. “Để xây dựng thành phố thông minh, ngoài cơ chế đặc thù thì phải cần có nguồn lực tài chính mạnh đầu tư các dự án như: các tuyến đường, các đô thị ven sông, trung tâm tài chính và cả những khu vui chơi tầm cỡ quốc tế… Có như vậy, chúng ta mới kỳ vọng Thủ Đức đóng 30% vào ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh và 7% vào ngân sách Quốc gia. Việc tập trung ưu tiên nguồn lực cho Thủ Đức là cần thiết”, đồng chí Nguyễn Kỳ Phùng nhấn mạnh.

Thủ Đức đang từng bước triển khai đề án đô thị thông minh và chuyển đổi số, tạo một khung tổng thể cho định hướng phát triển chung. Phần còn lại sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, chung tay cùng hưởng lợi. Trong năm 2023, thành phố Thủ Đức sẽ tập trung xây dựng mô hình tổng thể ứng dụng GIS. Đây là nền tảng công nghệ cho phép tích hợp, chia sẻ dữ liệu với kho dữ liệu dùng chung của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng kho dữ liệu và chuẩn hoá dữ liệu, nhằm chuẩn hoá quá trình xử lý, cập nhật dữ liệu, phân công công việc, chia sẻ, tích hợp, vận hành hệ thống…nhằm hướng đến phát triển xã hội số toàn diện.

Với những định hướng phát triển trên, đến năm 2025, Uỷ ban Nhân dân TP Thủ Đức sẽ phấn đấu hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch chung của Thành phố, từng bước quy hoạch, chuẩn bị nguồn lực, đất đai, đầu tư phát triển 08 khu đô thị, gồm: 1/ Khu Công nghệ cao – Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học: sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng với các hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương; 2/ Đại học Quốc gia TP.HCM – Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục là một quần thể giáo dục đào tạo và khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc tăng cường hợp tác với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau và giao lưu trao đổi ý tưởng; 3/ Khu Thủ Thiêm – Trung tâm công nghệ tài chính: đây là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo về công nghệ tài chính trong cự ly gần đến trung tâm hiện hữu thành phố; 4/ Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc – Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: được quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe, hình thành một cộng đồng toàn diện, chất lượng sống cao. Đây sẽ là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP.HCM trở nên khác biệt với các đô thị trong Vùng, thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại TP.HCM; 5/ Khu Tam Đa, Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái: tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm quảng bá, chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực; 6/ Khu Trường Thọ – Khu đô thị sáng tạo: tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và sẽ là nơi áp dụng công nghệ mới nhất của Đô thị sáng tạo; 7/ Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái – Phú Hữu: tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ Cảng để hoạt động hiệu quả hơn; 8/ Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam: tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía Đông sẽ thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Các khu đô thị nói trên sẽ được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo để TP Thủ Đức từng bước theo lộ trình để trở thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cũng như tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy cho việc thực hiện mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TP Hồ Chí Minh nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.

Được biết, thời gian qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, để xây dựng và phát triển TP theo định hướng đề ra, chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức trở thành “Đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”.

Theo Tiến sĩ Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám Đốc Chương Trình cao học IDT, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chi sẻ: “Trên thế giới, người ta dựa vào 5 tiêu chí là: Sức khỏe, an toàn, di chuyển, hoạt động, cơ hội và quản trị để xây dựng đô thị thông minh. Ở thành phố Thủ Đức, xây dựng đô thị thông minh dựa trên: Chính quyền điện tử, cư dân, môi trường, cuộc sống, kinh tế và di chuyển thông minh để phát triển đô thị bền vững. Trong đó, tiêu chí cư dân và di chuyển thông minh, sáng tạo, an toàn cần ưu tiên phát triển trước. Để đáp ứng nhu cầu di chuyển thông minh, thành phố Thủ Đức cần trở thành trung tâm trung chuyển, kết nối cho toàn bộ khu vực đô thị vùng Đông Nam bộ. Trong đó có hệ thống dự báo tình trạng ách tắc giao thông thông minh, hệ thống giao thông công cộng tự động…Còn tiêu chí cư dân thông minh, thì thành phố Thủ Đức đã kế thừa chính quyền điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh đủ chiều sâu phát triển.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển 2 của VNPT Huỳnh Lương Huy Thông thông tin cho biết, đô thị thông minh là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu chính xác và đồng bộ với nhau. Về quản trị đô thị thông minh, phải theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Trong đó, việc sử dụng công nghệ là để giải quyết vấn đề của đô thị thông minh. Để dự án đô thị thông minh thành công, cần phải có dữ liệu thời gian thực và online phục vụ chỉ đạo điều hành kịp thời; sự tương tác giữa chính quyền với người dân; ứng dụng di động chỉ đạo mọi nơi, mọi lúc.

THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ MẠNH MẼ ĐƯA VÀO VẬN HÀNH

Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, đến nay, địa phương này đã tập trung triển khai một số hoạt động chuyển đổi số quan trọng. Cụ thể, Thủ Đức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của thành phố. Đây là hệ thống cung cấp cho lãnh đạo chính quyền Thủ Đức cách nhìn toàn diện, tập trung, 360 độ về các hoạt động đang diễn ra, thực hiện giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức. Cùng với đó, thành phố Thủ Đức triển khai, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong công bố, công khai thông tin quy hoạch.

 

Hệ thống này hỗ trợ người dùng xem thông tin quy hoạch, tra cứu hồ sơ, kiểm tra tình trạng xử lý hồ sơ ngay tại nhà một cách công khai, minh bạch. Đối với Cổng thông tin điện tử và Ứng dụng trực tuyến thành phố Thủ Đức được đưa vào vận hành cuối tháng 4/2022, ứng dụng này là một trong các giải pháp trọng tâm thực hiện công tác quản lý, giám sát việc thực thi công vụ, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền. Đây cũng là kênh thông tin chính thức của thành phố Thủ Đức cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tiếp thu ý kiến từ người dân, doanh nghiệp...

 

Thủ Đức xác định chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, cùng các chuyên gia công nghệ phải cùng nhau đưa ra những phương thức và bước đi thích hợp xây dựng thành phố Thủ Đức có chất lượng môi trường sống tốt cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.

 

Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Còn nhiều câu hỏi được đặt ra đó là: Mô hình nào, phương thức nào để triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ và hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực hiện có? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp… sẽ được thực hiện như thế nào?".

 

Nói về thành phố thông minh, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số giữ vai trò đặc biệt quan trọng ở trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, bên cạnh hiệu lực của chính phủ số, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.

 

Chuyển đổi số đồng bộ là nền tảng để xây dựng thành phố thông minh trên các lĩnh vực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia, mọi lĩnh vực, ngành nghề. Hiện, chuyển đổi số đang được triển khai hết sức nhanh chóng, quyết liệt từ cấp Chính phủ, bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố địa phương, doanh nghiệp ở Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, thành phố đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử, phục vụ mục tiêu chiến lược xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

 

Thành phố đã chính thức ban hành chương trình "Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh" vào năm 2020, với mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

 

Tường Vy

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất