Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định chính sách của Việt Nam tiếp tục coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Australia và New Zealand.
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Kevin Rudd và lời mời của Thủ tướng New Zealand John Key, sáng nay (6/9), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh rời Hà Nội bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 6- 12/9.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và là chuyến thăm thứ hai của Tổng Bí thư Đảng ta sang hai nước này sau 14 năm kể từ chuyến thăm của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (8/1995). Cùng đi với Tổng Bí thư có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Ngô Văn Dụ; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Trợ lý Tổng Bí thư Hồ Tiến Nghị; Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận. Tham gia Đoàn tại mỗi nước đến thăm còn có Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Thanh Tân và Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Vương Hải Nam.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới hai nước Australia và New Zealand diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc tới tình hình và quan hệ quốc tế. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng và chủ trương đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, chuyến thăm lần này khẳng định chính sách của Việt Nam tiếp tục coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Australia và New Zealand hướng tới việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Australia và Việt Nam - New Zealand. Đồng thời tăng cường đối thoại cấp cao, tiếp tục tạo dựng sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với hai nước Australia và New Zealand.
Nằm ở châu Đại Dương, cả hai nước Australia và New Zealand cùng triển khai chính sách hướng mạnh về châu Á, trong đó rất coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam - một nước có nền kinh tế phát triển, nhiều tiềm năng và có vị trí trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Ngày 26/2/1973, Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến nay, quan hệ song phương giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và mở rộng trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại đầu tư, giáo dục đào tạo, du lịch... đặc biệt là từ sau chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10/2008. Nước bạn đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn tăng đều và năm 2008 đạt gần 5,6 tỷ USD. Australia hiện có 186 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 19 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước bạn dành cho Việt Nam có chiều hướng tăng. Hiện có khoảng 17.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập ở Australia và 12.000 học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Australia tại Việt Nam. Hợp tác về lao động được triển khai từ năm 2006. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay có khoảng 1.000 lao động phổ thông của Việt Nam sang làm việc tại Australia.
Tháng 6/1975, Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước cũng đã trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, trong đó nhân chuyến thăm chính thức nước bạn của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 5/2005, Thủ tướng hai nước đã ký "Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand", khẳng định quyết tâm trong thập kỷ tới sẽ đẩy mạnh hợp tác để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước. Trong chuyến thăm New Zealand của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 9/2007, hai nước tiếp tục khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trên nhiều mặt. Hiện nay, New Zealand là đối tác thương mại thứ 33 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 31 trong các đối tác lớn của New Zealand.
Trên cơ sở mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với Australia và New Zealand, chúng ta tin tưởng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thành công nhằm khẳng định chính sách của Việt Nam tiếp tục coi trọng việc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với hai nước, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
(Theo: VOV, TTX)