Thứ Bảy, 30/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 14/2/2012 15:15'(GMT+7)

Hưởng ứng Năm "An toàn Giao thông": Căn cơ trong giải pháp và cách làm

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Nên có cách quản lý phù hợp

Thực tế hiện nay ở các TP lớn có rất nhiều trung tâm thương mại, chung cư cao tầng xây dựng tại khu vực trung tâm, nhưng khi cấp phép xây dựng cơ quan quản lý đã không cẩn trọng xem xét có bãi đậu xe đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và làm việc hay không. Thực tế nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên cao chót vót nhưng lại thiếu bãi giữ xe. Nhân viên làm việc tại các cơ sở này phải gửi xe tại địa điểm khác, trong đó có nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm bãi giữ xe. Do không có bãi giữ xe hoặc bãi giữ xe không đáp ứng yêu cầu, nên khách hàng đến giao dịch cứ đậu xe dưới lòng đường.

Thêm một mâu thuẫn nữa, sau khi xây dựng khu trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, chung cư…, giá trị đất khu vực này sẽ tăng lên. Đến khi đó, nếu muốn mở rộng, nâng cấp đường, nhà nước phải tốn nhiều kinh phí giải phóng mặt bằng. Thực tế nhiều dự án, công trình giao thông đã bế tắc vì vướng đền bù, giải tỏa. Điều đó cho thấy trình độ quản lý đô thị của chúng ta còn kém, chưa có sự phối hợp đồng bộ từ chủ trương, cấp phép, thiết kế, thi công… Với sự điều hành mất cân đối trong phát triển đô thị, nếu không kịp thời chấn chỉnh, e rằng giải pháp và lộ trình giải quyết ùn tắc giao thông sẽ khó đạt kết quả mong muốn.

Có rất nhiều đoạn đường xảy ra ùn tắc giao thông do công tác phối hợp chưa tốt giữa các đơn vị chủ sở hữu công trình kỹ thuật cấp nước, cấp điện, viễn thông. Thử nghĩ trên một tuyến đường, hết đơn vị này đắp tới đơn vị khác đào để thi công liên tục làm mặt đường bị thu hẹp thì chỗ đâu để lưu thông, kẹt xe là điều không tránh khỏi. Việc thi công sửa chữa, nâng cấp và phát triển hệ thống công trình kỹ thuật là cần thiết, nhưng cách làm phải phù hợp, cần có một đơn vị quản lý đứng ra tổ chức phối hợp đồng bộ, sớm chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy đào, mỗi nơi đào mỗi kiểu, khi xảy ra sự cố lại đùn đẩy trách nhiệm và chậm trễ trong công tác phối hợp khắc phục.

Ngập nước cũng là nguyên nhân gây kẹt xe. Vì đường ngập nước nên người tham gia giao thông bắt buộc phải chọn đi trên những tuyến đường ít ngập hơn hoặc không ngập, nên cùng lúc số lượng phương tiện lưu thông đổ về các đường này rất lớn, nhất là giờ cao điểm. Do đó, khẩn trương hoàn thành các công trình giải quyết ngập nước ở đô thị cũng là nhiệm vụ hết sức cần thiết. 

Tháo gỡ từng chỗ vướng mắc

Trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, việc tăng cường xe buýt phục vụ vận tải hành khách công cộng là một giải pháp thiết yếu và cấp bách. Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân không mặn mà lắm với việc sử dụng phương tiện xe buýt để thay thế phương tiện cá nhân? Vì nhiều lý do: phía xe buýt vẫn chưa khắc phục triệt để việc phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ trạm, chạy sai tuyến và dừng đón trả khách không đúng nơi quy định khi kẹt xe.

Còn nhiều xe buýt kém chất lượng chưa được thay mới. Người sử dụng phương tiện xe buýt còn gặp nhiều bất tiện, thiếu kết nối do vậy có khi phải đi xe ôm hoặc cuốc bộ một đoạn khá dài, sau khi xuống trạm. Để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn, cần sớm đầu tư xe mới thay thế xe cũ kém chất lượng, phân luồng, phân tuyến hợp lý.

Trong giờ cao điểm, lưu lượng xe rất lớn, nếu các phương tiện giao thông không chia sẻ giao thông hợp lý, nạn kẹt xe là điều khó tránh khỏi. Do vậy, cần gắn thêm biển báo chỉ dẫn đường trên các tuyến thường xuyên kẹt xe để người tham gia giao thông và nhất là người sử dụng xe máy có thể kịp thời điều khiển xe ra ngoài khu vực ùn tắc.

Song song đó, cần mạnh dạn đầu tư nâng cấp, mở rộng các hẻm có giao cắt với các tuyến đường trục hiện hữu, phân luồng giao thông hợp lý trên từng cung đoạn, nhất là phân luồng một chiều tại các tuyến đường có mật độ giao thông đông đúc, bố trí người nắm rõ tình hình khu vực hướng dẫn người đi đường vào giờ cao điểm. Việc này cần có sự phối hợp đồng thời từ nhiều phía, nhất là chính quyền địa phương nơi xảy ùn tắc giao thông.

Để hạn chế tai nạn giao thông, trước hết mỗi người đi đường phải tự ý thức, biết nhường nhịn, không lấn tuyến và vượt ẩu, cư xử đúng mực và phù hợp khi gặp sự cố. Về phía quản lý nhà nước, ngoài công tác chuyên ngành giao thông, cần vào cuộc phối hợp tốt với các trường học, đơn vị sử dụng lao động để phổ biến kiến thức pháp luật an toàn giao thông đến giới sinh viên - học sinh và người lao động./.

(Trần Văn Tường/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất