Thứ Hai, 13/5/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 19/10/2019 14:23'(GMT+7)

Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến nay, ở các địa phương trên cả nước đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); Trong đó, giáo dục nghề nghiệp, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 677 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%). Có thể khẳng định, sự phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng trong thực tiễn thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, hạn chế, cụ thể như: Việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tiến triển chậm. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình (nhất là về tài chính) của các cơ sở công lập; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng nhưng việc thực hiện cơ chế tự chủ mới bước đầu triển khai ở lĩnh vực giáo dục đại học, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn chưa triển khai hoặc mới tiến hành triển khai; hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư còn đơn lẻ, không tạo sự đột phá trong toàn hệ thống.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội. Còn phổ biến tâm lý coi trọng, tin tưởng trường công hơn trường tư; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước cấp vẫn còn phổ biến. Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành.

Để khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới 2019-2025 cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo như sau:

Thứ nhất, các nguồn lực xã hội có vai trò rất quan trọng, cần được quan tâm thu hút để chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng chi phí toàn xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.

Thứ hai, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp không để thay thế mà là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ sở công lập, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng mà tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đầu tư; khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp.

Thứ ba, xã hội hóa giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cần được coi là một chỉ tiêu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý giáo dục của địa phương tham mưu xác định các chỉ tiêu xã hội hóa cần đạt được cho địa phương mình, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Với mục tiêu chung là tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ 40%.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo và thực hiện được mục tiêu đề ra cho giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2019-2025 cần tập trung vào một số 5 giải pháp: Hoàn thiện thể chế; Cải thiện môi trường đầu tư; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; và Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở tổ chức thực hiện các nội dung: Xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Hướng dẫn các địa phương chú trọng phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập trong quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; Chủ trì xây dựng chính sách về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong đầu tư phát triển đào tạo nhân lực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực ngành nghề mũi nhọn; trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc đóng góp nguồn lực và tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để điều chỉnh, cắt giảm các điều kiện không cần thiết; Nghiên cứu đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp, gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam; Tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định cho các cơ sở sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu; Xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo để làm cơ sở xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện thanh tra, kiểm tra giám sát, hướng dẫn về xã hội hóa đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.

Thanh Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất