Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 29/3/2023 15:15'(GMT+7)

Huyện Bến Lức, Long An: Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông

Vòng xoay nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương trên địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức

Vòng xoay nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương trên địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức

Kết nối giao thông 

Huyện Bến Lức là cửa ngõ của tỉnh Long An, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại; hội tụ nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua như Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4...

Hệ thống giao thông này là các trục đường vận tải huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm logistics đến các Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cảng biển trong vùng và Cảng Quốc tế Long An. Với lợi thế này, Bến Lức trở thành huyện nằm trong vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh Long An với vai trò là đô thị trung tâm thuộc hành lang phát triển Bến Lức - Tân An, đồng thời là đô thị vệ tinh TP. Hồ Chí Minh.

Theo định hướng quy hoạch, Bến Lức sẽ phát triển công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ tổng hợp cùng với các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP. Tân An tạo thành cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh Long An. Thực hiện các công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, huyện Bến Lức đã và đang triển khai nhanh chóng và quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều tuyến giao thông huyết mạch.

Cụ thể, Dự án giải phóng mặt bằng Đường tỉnh 830E, dự kiến triển khai thi công vào năm 2023; dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa phận huyện, dự kiến sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để phê duyệt phương án bồi thường và triển khai chi trả bồi thường trong quý II.2023; đường tỉnh 830C, điểm đầu giao với đường Nguyễn Hữu Thọ, điểm cuối giáp ranh Long An - TP. Hồ Chí Minh, dự kiến triển khai thi công vào năm 2023.

Động lực phát triển kinh tế

Theo UBND huyện Bến Lức, với vị trí thuận lợi, tiềm năng đất đai và lao động dồi dào, giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường thủy, là những yếu tố để huyện Bến Lức phát triển nhanh theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Với lợi thế này, Bến Lức luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Đến nay, huyện Bến Lức có 11 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 9 khu, cụm công nghiệp có nhà đầu tư và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 90% và 2 khu công nghiệp là Tandoland và Prodezi được Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 650ha. Bến Lức có 2.527 doanh nghiệp trong nước với nguồn vốn 30.724 tỷ đồng, 120 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn trên 1,3 tỷ USD.

Với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, quy mô nền kinh tế huyện chiếm 32,04% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất là 35,14% trên toàn tỉnh, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 30,23% toàn tỉnh, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất là 3,6% toàn tỉnh. Chính các yếu tố này giúp Bến Lức trở thành một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách cao trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Bến Lức có 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Được xác định là một trong những huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Bến Lức đã ra sức thực hiện nhiều biện pháp thu hút đầu tư, đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, huyện tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, để khai thác lợi thế so sánh của huyện, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Bến Lức trở thành đô thị, vệ tinh của cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2030 đạt đô thị loại III trực thuộc tỉnh, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.

Thời gian tới, tỉnh Long An cũng sẽ gấp rút triển khai xây dựng đường Vành đai 3 kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua 4 tỉnh, thành phố: Long An - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương, đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ (song song cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, có ga tại xã Thạnh Đức). Đặc biệt, đường tỉnh 830E là công trình trọng điểm được tỉnh tập trung đầu tư trên địa bàn huyện Bến Lức - Cần Đước, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa từ các Khu công nghiệp Bến Lức - Đức Hòa về cảng.

Ngoài ra, tỉnh Long An còn định hướng đường Vành đai 4 đi qua các xã: Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức; đường Lương Hòa - Bình Chánh kết nối Cửa khẩu Mỹ Quý Tây; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu, ĐT830C... góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế địa phương, kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh. Trong tương lai, Bến Lức hứa hẹn sẽ trở thành đô thị “vệ tinh” có nhiều tiềm năng phát triển cả về đô thị lẫn công nghiệp và là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư.

 Hoàng Mạnh Tùng - Bùi Chí Tuệ - Nguyễn Lan Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất