Thứ Tư, 6/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 22/6/2011 15:51'(GMT+7)

Huyện Gio Linh- Quảng Trị chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và vùng cát ven biển

Gio Linh là Huyện có đường bờ biển dài trên 15 km từ nam Cửa Tùng đến bắc Cửa Việt thuộc 03 xã và 01 thị trấn (Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt) của tỉnh Quảng Trị. Huyện có gần 20 ngàn dân sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thuỷ hải sản. Trong những năm qua, Gio Linh đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về kinh tế biển và vùng cát của địa phương. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội miền biển, vùng cát ven biển của huyện Gio Linh đã có bước phát triển đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng vùng cát, miền biển được quan tâm đầu tư đáng kể; các ngành nghề, nhất là khai thác nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản phát triển khá.

Năm 2010, Tổng sản lượng thủy sản của Huyện đạt trên 10.000 tấn, chiếm gần ½ sản lượng toàn tỉnh. Trong đó hải sản xuất khẩu trên 3.000 tấn. Đặc biệt, năng lực khai thác, đánh bắt thủy hải sản ngày càng tăng. Hiện nay, toàn huyện có hơn 800 tàu thuyền các loại, trong đó có 50 tàu xa bờ, 100 tàu trung bờ, với tổng công suất trên 18.500CV, chiếm gần một nửa tổng công suất trong toàn tỉnh. Sản lượng hải sản tăng đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến hải sản phát triển. Đến nay, toàn huyện Gio Linh có hơn 70 cơ sở chế biến hải sản có công suất và quy mô tương đối lớn đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao phục vụ tốt cho xuất khẩu như: cá khô; mực, tôm, cá đông lạnh, sứa; nuốt khô...góp phần vào việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho bà con ngư dân.

Bên cạnh đó, những năm qua công tác nuôi trồng thuỷ hải sản trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, huyện Gio Linh đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất cát hoang hoá qua nuôi tôm thẻ chân trắng, ếch, cá lóc, kỳ nhông…và phát triển các loại cây như lạc, rau quả thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại năng suất hiệu quả khá cao. Việc di dãn dân ra vùng cát cũng được huyện chú trọng đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra, các cơ sở dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển có bước phát triển, ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nhất là lao động nữ, lao động nhàn rỗi sau mùa vụ...

Từ những kết quả trên, có thể khẳng định rằng việc chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và vùng cát ven biển của huyện Gio Linh đã và đang mở ra triển vọng mới, từng bước phân công lại cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân, từng bước làm thay đổi bộ mặt xóm thôn miền biển, vùng cát.

Tuy nhiên, kết quả đạt được đó cũng mới là bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương. Thực trạng kinh tế biển và vùng cát ven biển của huyện Gio Linh hiện nay đang đặt ra những vấn đề đáng quan tâm đó là: năng suất, sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản đạt thấp; sản phẩm thủy hải sản chủ yếu là sản phẩm thô, sức cạnh tranh thấp, đầu ra của sản phẩm thiếu tính ổn định. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả; trình độ dân trí các địa phương vùng biển còn thấp, đời sống còn gặp khó khăn, các chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế biển còn hạn chế; tỷ lệ lao động thiếu việc làm, lao động chưa qua đào tạo còn cao; chưa có hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho vùng cát ven biển, đặc biệt là việc tiêu úng. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cát gặp không ít khó khăn; việc cấp giấy phép cho một số dự án đầu tư ven biển chưa đồng bộ, vẫn còn mang tính thụ động, chắp vá nên bất cập trong đầu tư xây dựng và phát triển...

Để phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và vùng cát ven biển góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 ( khoá X) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh lần thứ XV có thể tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa nhận thức về phát triển kinh tế biển và vùng cát ven biển trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế biển và vùng cát ven biển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của biển, xem đó là nguồn lực to lớn, cùng với các nguồn lực khác thúc đẩy nền kinh tế huyện nhà phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, cần đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong việc phát triển kinh tế biển và vùng cát ven biển, xác định trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, làm sao để đưa việc phát triển kinh tế biển và vùng cát ven biển đi đúng hướng. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cá nhân, đơn vị, địa phương trong phát triển các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế và vùng cát ven biển. Cụ thể hóa và thể chế hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhất là các nghị quyết liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế biển của Trung ương, tỉnh và địa phương nhanh hơn và đạt kết quả cao hơn.

Thứ ba, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, cần tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và Trung ương về vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực; bổ sung các chương trình, dự án về giao thông nông thôn, xóa đói giảm nghèo, hiện đại hóa các cơ sở chế biến thủy hải sản...Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế của địa phương.

Phát huy nguồn nhân lực tại chỗ và có các biện pháp thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài địa phương đến tham gia đầu tư phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghiệp, sinh thái và thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản. Mở rộng các các mô hình sản xuất, đồng thời phát động nhân dân tập trung vốn đầu tư phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng trông chờ vào vốn nhà nước, tình trạng sản xuất độc canh... để mở ra các ngành nghề khai thác, nuôi trồng đa dạng hơn..

Thứ tư, thực tế thời gian qua cho thấy hiệu quả của các dự án đánh bắt xa bờ, trung bờ đang mở ra hướng phát triển mang lại lợi nhuận cao đối với kinh tế biển và rất phù hợp với chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Vì vậy, đối với một huyện được xác định nghề cá là trọng điểm như Gio Linh, cần có các chính sách thích hợp, kịp thời nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế và ngư dân tiếp tục đầu tư để tăng năng lực khai thác, đánh bắt thủy, hải sản; quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt, nhất là vốn đầu tư, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trên lĩnh vực công nghiệp chế biến thuỷ hải sản, cần kêu goi và tranh thủ sự hỗ trợ để đầu tư phát triển cụm làng nghề phía Đông của huyện để huyện có cơ sở và điều kiện tập trung xây dựng các cơ sở chế biến, gắn với việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất chế biến hải sản, đồng thời xử lý tốt vệ sinh môi trường.

Thứ năm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, nhất là đối với các ngành kinh tế biển như khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, du lịch, cơ khí tàu thuyền, cơ khí sửa chữa chế tạo...để từng bước xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn tới.. Có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ đã qua các trường Cao đẳng, Đại học chuyên ngành về làm việc lâu dài tại huyện. Bởi chất lượng nguồn nhân lực và tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay ở vùng biển và ven biển của huyện còn rất thấp.

Quan tâm tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến thủy hải sản. Đổi mới tổ chức sản xuất trong nuôi trồng thủy hải sản, khai thác mọi nguồn lực trong nhân dân, giúp đỡ nhau trong sản xuất và phòng tránh thiên tai có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời, cũng cần lãnh đạo, chỉ đạo để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cần có những chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng để thực hiện các dự án di dãn dân ra vùng cát, bởi thực tế cho thấy không những vùng cát của của Gio Linh mà vùng cát của các địa phương vùng biển trong tỉnh đang phát huy có hiệu quả và đang có nhu cầu đầu tư rất lớn. Nghiên cứu tăng biên chế quản lý Nhà nước cho các địa phương được xác định là trọng điểm kinh tế biển, nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế biển trong những năm tới.

Hồ Văn Chính (BTG Tỉnh ủy Quảng Trị)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất