Ra đời từ phong trào Ðồng Khởi năm 1960, “Ðội quân tóc dài” (ÐQTD) đã phối hợp ba mũi tiến công: chính trị, vũ trang, binh vận tạo thành sức mạnh tổng hợp giành được nhiều chiến công khiến quân thù khiếp sợ. ÐQTD là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường của người phụ nữ Bến Tre trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Anh dũng, kiên cường trong kháng chiến
Sau phong trào Ðồng Khởi năm 1960, ÐQTD do nữ tướng Nguyễn Thị Ðịnh lãnh đạo được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có lãnh đạo, chỉ huy đầy đủ và có kinh nghiệm đấu tranh. Lúc này, tổ chức Hội Phụ nữ tại tỉnh Bến Tre có khả năng huy động cùng một lúc hàng nghìn phụ nữ trong thời gian một ngày và bảo đảm lương thực, thực phẩm cho đấu tranh liên tục từ năm đến mười ngày, có khả năng hiệp đồng tiến công trên diện rộng. ÐQTD đã phối hợp chặt chẽ giữa ba mũi tiến công chính trị, vũ trang và binh vận để tạo thành sức mạnh tổng hợp, từng bước giành thắng lợi. Trong ba mũi tiến công, phụ nữ giữ hai mũi nhọn trọng yếu là tiến công chính trị và binh vận.
Năm nay đã 84 tuổi, má Ca Lê Du (ngụ xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc) vẫn nhớ như in nhiều cuộc đấu tranh của ÐQTD mà má từng tham gia, chỉ huy. Có lúc gần một nghìn phụ nữ được huy động kéo lên tỉnh biểu tình, đấu tranh khiến quân địch khiếp sợ phải nhượng bộ. Những cuộc đàn áp dã man không làm ÐQTD chùn bước mà càng đấu tranh quyết liệt hơn. Má Ca Lê Du kể: “Thời điểm đó chị em đều một lòng đấu tranh không lùi bước trước quân thù dù bị đàn áp, đánh đập dã man. Có lần địch càn giết hại 10 thanh niên trong ấp, tôi cùng chị em trong xã bí mật đưa xác thanh niên bị giết xuống xuồng rồi hừng đông chở qua sông để đến chợ Bến Tre. Khi chợ họp, những chị em cùng mang xác thanh niên bị giết đấu tranh đòi địch không đi càn, giết hại đồng bào vô tội. Ðịch không kịp trở tay đành phải nhượng bộ, cuộc đấu tranh của chị em giành được thắng lợi lớn...”. Ðối với má Lê Thị Phú, năm nay gần 80 tuổi (nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre) thì khí thế của ÐQTD ngút trời, lực lượng được tổ chức có quy củ, gần như lực lượng vũ trang. Nhờ được dân ủng hộ nên ÐQTD phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn và sẵn sàng xuống đường đấu tranh, liên tục kéo đến đầu não của địch để đòi quyền lợi như: chống bắt lính, đôn quân, không đi càn bắn phá để dân làm ăn, giảm tô, giữ nguyên canh...
Không chỉ đấu tranh chính trị, ÐQTD còn trực tiếp cầm súng chiến đấu. Ðến cuối năm 1961 số nữ du kích xã, ấp ở Bến Tre đã lên đến 3.086 người, chiếm một phần chín số nữ du kích toàn miền nam lúc bấy giờ. Nhiều đội du kích đã độc lập tác chiến có hiệu quả, so với nam giới, chị em có ưu thế hơn ở chỗ vừa tổ chức đánh địch ngay tại mặt trận mà vẫn giữ được thế sống hợp pháp trong vùng kiểm soát, nhất là các đội biệt động. Năm 1964, đơn vị vũ trang nữ đầu tiên cấp Ðại đội, từ người đội viên đến việc tổ chức, chỉ huy đều do phụ nữ đảm nhiệm, mang phiên hiệu C710 ra đời và là lực lượng bộ đội nữ đầu tiên của chiến trường Khu 8, Quân khu 9. Nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Thanh Tâm, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 (đơn vị C710) nhớ lại: Lúc đó, Ðại đội có ba Tiểu đội chiến đấu và một Tiểu đội chỉ huy. Nhiệm vụ được giao là cải trang hợp pháp nắm tình hình trong lòng địch tại nội ô, kêu gọi thanh niên tòng quân và trực tiếp cầm súng chiến đấu. Ðơn vị C710 hoạt động trên chiến trường Bến Tre suốt 10 năm liền (1964-1974) và đã lập nhiều chiến công xuất sắc, tạo nên những trận đánh xuất quỷ, nhập thần ngay giữa hang ổ địch. Từ những chiến công nêu trên, tính đến ngày đơn vị giải thể C710 có tám chiến sĩ anh dũng hy sinh, 14 người mang thương tật. Có thể nói C710 là điểm sáng của phụ nữ trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Bến Tre.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ Bến Tre có 1.053 liệt sĩ, 938 thương binh, 251 bệnh binh, 2.164 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hai tập thể nữ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 15 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
Hăng say thi đua lao động, sản xuất
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống hào hùng năm xưa, các thế hệ phụ nữ tại Bến Tre hăng say thi đua lao động, sản xuất và có nhiều đóng góp cho xã hội. Nữ doanh nhân Ðặng Thị Trúc Lan Chi, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến (chuyên sản xuất bánh, kẹo từ dừa tại TP Bến Tre) luôn tự hào vì mình xuất thân trong gia đình cách mạng. Trong đó, mẹ, dì ruột từng tham gia kháng chiến, tham gia ÐQTD và lập nhiều chiến công. Là thế hệ đi sau, nữ doanh nhân này luôn tìm tòi học hỏi để phát triển sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu sáng chế ra những sản phẩm mới, an toàn phục vụ người tiêu dùng. Nữ doanh nhân Lan Chi cho biết: “Hiện tại công ty tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 250 lao động, trong đó 85% là lao động nữ. Bình quân mỗi tháng xuất khoảng 200 tấn sản phẩm với 30 loại bánh và kẹo từ dừa sang thị trường Nhật Bản, Thái-lan, Trung Quốc, Cam-pu-chia, Mỹ...”. Năm 2018, nữ doanh nhân Lan Chi được bầu chọn là nữ doanh nhân tiêu biểu khu vực ASEAN.
Những phụ nữ trẻ Bến Tre hôm nay cũng tích cực khởi nghiệp góp phần làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Ðó là Nguyễn Thị Nguyên, sinh năm 1982 xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, mặc dù, hành trình khởi nghiệp còn nhiều gian nan phía trước nhưng quyết tâm không lùi bước. Sau thời gian dài làm thuê, năm 2012, Nguyễn Thị Nguyên dựng căn nhà lá để làm nơi dệt chỉ xơ dừa cung ứng cho các cơ sở, doanh nghiệp trong huyện. Chính vì thế, nhiều khách hàng là doanh nghiệp đã tìm đến đặt hàng, cho nên chị Nguyên đã mạnh dạn mở rộng nhà xưởng, thuê thêm nhân công để đáp ứng nhu cầu cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp. Ðến nay, có nhiều đơn vị tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh... đến ký hợp đồng cung ứng mặt hàng lưới chỉ xơ dừa xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc. Không đủ hàng, chị Nguyên phải đặt thêm các cơ sở khác ngay tại địa phương làm gia công để kịp thời gian giao cho khách hàng.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: Ðến nay, Toàn bộ các cơ sở Hội của huyện, thành phố, cũng như các đơn vị trực thuộc Hội đều được công nhận là vững mạnh toàn diện. Hội phụ nữ cơ sở đạt 85% số đơn vị xuất sắc, còn lại khá. Phụ nữ tại địa phương đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh để làm giàu chính đáng và đóng góp tích cực cho địa phương, cho xã hội.
Hoàng Trung/Nhân dân