Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Tư, 15/2/2012 21:48'(GMT+7)

Hy Lạp trước nguy cơ bị loại ra khỏi Eurzone

Ngày 14/2, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu quyết định tạm hoãn cuộc họp dự tính tổ chức cùng ngày để bàn về kế hoạch cứu trợ mới cho Hy Lạp. Lý do là bởi theo các nước châu Âu, Hy Lạp chưa hoàn thành các điều kiện đặt ra.

Ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone khẳng định: “Hiện vẫn còn một số việc về kỹ thuật cần tiếp tục được thực hiện giữa Hy Lạp với nhóm bộ 3 (đại diện của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế). Do đó, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính châu Âu dự kiến được tổ chức ngày 14/2 để khai thông kế hoạch cứu trợ mới cho Hy Lạp sẽ bị hoãn lại đến ngày 20/2 và thay vào đó là một cuộc họp qua điện thoại”.

Các điểm chính trong kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp phải thực hiện :

Sức khỏe: Giảm chi tiêu cho thuốc men, giảm chi trả tiền làm việc ngoài giờ cho các bác sĩ.

Lương: Giảm 22% lương tối thiểu, 32% lương tối thiểu của đối tượng lao động trẻ dưới 25 tuổi.

Lĩnh vực quân sự: Cắt giảm 300 triệu euro chi tiêu cho quân sự.

Các cơ quan địa phương: Giảm 500 việc làm trong các cơ quan hành chính địa phương.

Doanh nghiệp nhà nước: Tư nhân hóa phần vốn của nhà nước trong 4 doanh nghiệp quốc doanh.

Thuế khóa: Tăng kiểm soát thuế khóa.

Quyết định hoãn họp chính thức của các Bộ trưởng Tài chính châu Âu trong bối cảnh Hy Lạp ngày càng tiến gần bờ vực vỡ nợ, được xem là một sự trừng phạt bước đầu đối với việc quốc gia thành viên này chưa có những bước đi mạnh mẽ để lấp bớt lỗ hổng ngân sách lên tới 325 tỷ euro.

Ông Juncker cũng khéo léo trách cứ Hy Lạp khi khẳng định ông chưa nhận được sự đảm bảo trên giấy tờ của lãnh đạo liên minh cầm quyền tại Hy Lạp rằng, nước này sẽ thực hiện thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách.

Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp đã tuyên bố các đảng sẽ gửi thư cam kết đến ban lãnh đạo Eurozone khu vực đồng tiền chung trong ngày 14/2. Sự chần chừ trong triển khai kế hoạch thắt lưng buộc bụng cùng sự vào cuộc chậm trễ của khu vực tư nhân tại Hy Lạp là những lý do khiến các nước thành viên châu Âu nản lòng trong việc tiếp tục hỗ trợ nước này.

Theo các nguồn tin châu Âu, hiện còn có vướng mắc giữa Ngân hàng trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu về mức nợ công của Hy Lạp vào năm 2020 là 120% tổng sản phẩm quốc nội hay để ở mức cao hơn, ví dụ là 125%.

Hiện nay, tỷ lệ nợ công của Hy Lạp là 160% tổng sản phẩm quốc nội. Trước đó, Hy Lạp mong đợi cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone sẽ thông qua khoản hỗ trợ lớn chưa từng có trị giá 230 tỷ euro, trong đó có 100 tỷ xóa nợ thông qua ngân hàng và 130 tỷ hỗ trợ công.

Với cuộc họp Bộ trưởng tài chính lùi tới thứ Hai tuần sau (20/2), các chuyên gia cho rằng, kết quả sẽ khó có thể tốt đẹp với Hy Lạp, có chăng chỉ là một giải pháp tạm thời để tránh bị vỡ nợ vào tháng 3/2012. Hiện các ý kiến của châu Âu rất khác nhau về số phận của Hy Lạp. Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Olli Rehn từng cảnh báo, nếu để Hy Lạp vỡ nợ sẽ gây những hậu quả khủng khiếp không riêng với Athen mà với toàn bộ châu Âu.

Tuy nhiên, tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Luxemburg Luc Frieden đã không ngần ngại hé lộ quan điểm rằng Hy Lạp có thể bị loại ra khỏi khu vực đồng tiền chung nếu nước này không giữ đúng những lời hứa về cải cách và giảm thâm hụt ngân sách.

Thời gian không còn nhiều, nếu không nói là quá ít đối với Hy Lạp. Trước mắt, từ nay đến thứ Hai tới, họ phải chứng tỏ thiện chí hợp tác tích cực hơn./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất