Thứ Ba, 8/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 14/2/2012 21:57'(GMT+7)

Khẩu chiến hòa đàm

Lễ ký thỏa thuận hòa giải do Ca-ta làm trung gian giữa Fatah và Hamas tại Đô-ha ngày 6/2. (Ảnh: AP).

Lễ ký thỏa thuận hòa giải do Ca-ta làm trung gian giữa Fatah và Hamas tại Đô-ha ngày 6/2. (Ảnh: AP).

Bất hòa gia tăng

Cuộc khẩu chiến giữa hai nhà lãnh đạo Pa-le-xtin và I-xra-en bắt nguồn từ việc Tổng thống Áp-bát mới đây ra tối hậu thư có nội dung rằng: Nếu ông Nê-ta-ni-a-hu không ngừng tất cả hoạt động xây dựng khu định cư và nhất trí đàm phán hòa bình trên cơ cở các đường biên giới 1967, thì PNA sẽ nối lại các nỗ lực đơn phương để Liên hợp quốc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin. Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu cho rằng, Tổng thống Áp-bát đã quay lưng lại với hòa bình, đồng thời nhấn mạnh, thay vì tham gia đàm phán nhằm chấm dứt xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, ông Áp-bát đã chọn đứng về phía phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, phong trào bị Mỹ và I-xra-en coi là tổ chức khủng bố.

Việc ông Nê-ta-ni-a-hu đưa ra tuyên bố trên cũng nhằm trả đũa việc tuần trước Tổng thống Áp-bát và thủ lĩnh Hamas Kha-lét Mê-san (Khaled Meshaal) ký một thỏa thuận hòa giải do Ca-ta làm trung gian (còn gọi là Tuyên bố Đô-ha về việc thành lập chính phủ đoàn kết do ông Áp-bát lãnh đạo) sau nhiều năm chia rẽ kể từ khi Hamas kiểm soát dải Ga-da năm 2007. Theo kế hoạch, chính phủ lâm thời sẽ được thành lập vào ngày 18/2 tới tại Cai-rô (Ai Cập). Các bộ trưởng trong chính phủ sẽ là những nhân vật độc lập, nhưng Fatah, Hamas và tất cả các phe phái Pa-le-xtin khác sẽ tham gia đề cử những nhân vật này. Chính phủ mới có nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp trong vùng lãnh thổ do Pa-le-xtin kiểm soát và tái thiết Dải Ga-da.

Ngay sau đó, Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu và Tổng thống nước này Si-môn Pê-rết (Shimon Peres) đều lên tiếng đề nghị PNA chọn giữa Hamas hay hòa bình. I-xra-en tuyên bố sẽ không công nhận chính phủ mới của Pa-le-xtin bao gồm đại diện của phong trào Hồi giáo Hamas, bởi việc Hamas tham gia chính phủ liên hiệp Pa-le-xtin sẽ làm cho tiến trình hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en lâm vào bế tắc.

Phát biểu trong cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, Đa-vít Ha-lơ (David Hale), Tổng thống Áp-bát khẳng định, không có sự mâu thuẫn nào giữa thỏa thuận hòa giải của Pa-le-xtin và hòa bình với I-xra-en. “Hòa bình đối với Pa-le-xtin là vấn đề chiến lược và thỏa thuận hòa giải nội bộ của Pa-le-xtin là điều cần thiết của quốc gia này”, ông Áp-bát nhấn mạnh.

Nội bộ chưa thông

Thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết do ông Áp-bát lãnh đạo đã đánh dấu một bước đột phá được chờ đợi từ lâu nhằm thành lập một chính phủ Pa-le-xtin đoàn kết, đồng thời giúp chấm dứt những bất đồng giữa hai phái đối địch là Fatah và Hamas trong thành lập một chính phủ đoàn kết lâm thời.

Tuy nhiên, Tuyên bố Đô-ha lần này không được chào đón rầm rộ như khi ông Áp-bát và ông Mê-san ký Hiệp ước hòa giải do Ai Cập làm trung gian hồi tháng 5/2011. Quyết định thành lập chính phủ thống nhất do ông Áp-bát đứng đầu cũng khiến một số lãnh đạo của Fatah tức giận vì họ cho rằng, nếu ông Áp-bát lãnh đạo chính phủ mới, ông sẽ không thể ra tranh chức Tổng thống PNA trong các cuộc bầu cử sắp tới. Ngay trong nội bộ Hamas cũng tỏ ra bất đồng về việc hòa giải với phong trào Fatah. Một trong các thủ lĩnh hàng đầu của Hamas, ông Ma-mút An Da-ha (Mahmoud al-Zahar) đã chỉ trích Tuyên bố Đô-ha và tỏ ý lo ngại về chính sách an ninh và việc hợp tác với I-xra-en trong chính phủ mới.

Trong khi đó, nhiều người tỏ ra nghi ngờ khi đặt câu hỏi liệu phong trào Fatah của ông Áp-bát và phong trào Hamas có thực thi đầy đủ thỏa thuận này hay không? Mê-khê-mơ A-bu Xê-đa (Mekhemer Abu Se'da), chuyên gia về khoa học chính trị tại Trường Đại học al-Azhar ở Ga-da cho rằng, người Pa-le-xtin vẫn nghi ngờ về thỏa thuận vừa đạt được "vì thỏa thuận này giống với nhiều thỏa thuận, tuyên bố, hiệp định đã được ký kết trước đây. Các thỏa thuận đó hầu như không được thực thi đầy đủ…".

Việc hai nhà lãnh đạo Pa-le-xtin và I-xra-en liên tục có những phát biểu công kích nhau thời gian gần đây đã khiến tiến trình hòa giải Trung Đông càng trở nên khó khăn hơn. Trước đó, cuộc đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin do Mỹ bảo trợ đã bị ngừng lại từ tháng 10/2010, chỉ 4 tuần sau khi được khởi động. Nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) muốn I-xra-en và Pa-le-xtin đưa ra các đề xuất vào thời hạn chót 26-1 vừa qua, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hai bên đã kết thúc các vòng thảo luận mà chưa đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này./.

(Theo: Bình Nguyên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất