Ngày 26/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Juan Somavia cảnh báo số người thất nghiệp trên thế giới đã đạt kỷ lục 212 triệu người trong năm 2009.
Cộng đồng giới cần thực hiện các biện pháp mạnh và khẩn cấp như đã từng thực hiện để cứu các ngân hàng phá sản và tạo việc làm trong tất cả các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển.
Ông Somavia nhấn mạnh giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay cần phải là ưu tiên chính trị khẩn cấp và cần được thực hiện thông qua một đường lối chung thống nhất giữa chính sách công và đầu tư tư nhân.
Chính vì vậy, vấn đề này sẽ trở thành nội dung trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, khai mạc ngày 27/1.
Trong báo cáo hàng năm nhan đề “Các xu hướng việc làm toàn cầu”, ILO nhận định tình trạng thất nghiệp vẫn cao trong cả năm 2010 sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
ILO dự báo số người thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng thêm 2 triệu người trong năm 2010.
Số người thất nghiệp năm 2009 trên toàn cầu đã tăng kỷ lục 34 triệu người so với năm 2007, trong đó số thanh niên thất nghiệp đã tăng 13,4% (thêm 10,2 triệu người), mức tăng cao nhất kể từ năm 1991.
Mỗi năm, thị trường lao động thế giới được bổ sung thêm 45 triệu lao động mới, vì vậy, các nỗ lực tạo việc làm cần nhằm vào số nam nữ thanh niên lần đầu tiên tham gia thị trường này.
Cũng theo báo cáo, tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tới thị trường lao động thế giới cũng rất khác nhau, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của khu vực Đông Á chỉ ở mức 4,4%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực Trung và Đông Nam Âu, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, khu vực Bắc Phi là trên 10%.
Báo cáo của ILO nhấn mạnh trong năm 2009, thế giới đã có thêm 215 triệu người lao động và gia đình họ, bổ sung vào đội ngũ 633 triệu người lao động và gia đình phải sống với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày trong năm 2008.
Vì vậy, các nước cần khẩn cấp thực hiện các chương trình an sinh xã hội rộng rãi để giúp người nghèo ứng phó với những tác động mang tính tàn phá của những biến động tiêu cực trong hoạt động kinh tế./.
(TTXVN)