(TCTG)- Trước quyết định của Chính phủ Irak (do đa số các đảng của người Chiit tham gia) loại 511 ứng cử viên, trong đó đa số là người Sunni, khỏi các cuộc bầu cử ngày 7/3 tới, chính quyền Mỹ lo ngại khả năng đất nước Irak quay lại lộn xộn và xuất hiện bạo lực giữa các phe phái. Họ đã quyết định cử ngay Phó Tổng thống Joseph Biden đến Bagdad để can thiệp.
Quyết định loại những người Sunni được Hội đồng tối cao về trách nhiệm và tư pháp-một cơ quan của Quốc hội do đa số các đại biểu người Chiit tham gia, họ cũng là ứng cử viên trong cuộc bầu cử lập pháp tới, đưa ra tháng 12/2009 trong điều kiện khó hiểu. 511 ứng cử viên bị cấm tham gia bầu cử nói trên bị tố cáo có liên quan tới đảng Baas thời Tổng thống Saddam Hussein trước đây. Điều 7 của Hiến pháp Irak, được các luật gia Mỹ soạn thảo và thông qua năm 2005 bằng hình thức trưng cầu dân ý toàn quốc, cấm đảng Baas hoạt động, cũng như việc tuyên truyền cương lĩnh của đảng này.
Tuần trước, Uỷ ban bầu cử quốc gia-về mặt lý thuyết là cơ quan độc lập đã thông qua danh sách các ứng cử viên bị cấm nói trên, đặc biệt được Thủ tướng Nouri Al-Maliki người Chiit ủng hộ.
Hôm thứ ba (19/1), cùng với việc phủ nhận những người Arập dòng Sunni, được hưởng lợi dưới thời Tổng thống Saddam Hussein, ông Maliki, đứng đầu một liên minh gồm 40 đảng nhỏ trong đó có một số đảng của người Sunni, đã so sánh đảng Baas với đảng của những tên phát xít Đức, “bị cấm tham gia bầu cử châu Âu sau chiến tranh”.
Ngược lại với người Mỹ có mục đích trước tiên là tiêu diệt Al-Qaida tại Irak, Thủ tướng Irak thường xuyên tố cáo “những kẻ phạm tội thuộc Đảng Baas” đứng sau những vụ khủng bố chết chóc thời gian qua. Ông đã tuyên bố rằng sẽ không bao giờ ông hoà giải với “những người coi Saddam Hussein là một người tử vì đạo”. Quyết định cấm trên mâu thuẫn trực tiếp với những nỗ lực của Mỹ nhằm hướng tới một sự hoà giải dân tộc hoàn toàn để cho phép họ rút phần lớn lực lượng quân đội khỏi Irak từ nay đến 30/8. Theo một số nguồn tin chưa được cải chính, từ nhiều tháng nay các nhân viên CIA đang thương lượng với những thủ lĩnh đảng Baas sống lưu vong từ 7 năm nay tại Jordanie, Syrie và Yémen nhằm đạt được một thoả thuận. Các nỗ lực này không được hoặc chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Bagdad.
Tất cả các nhà bình luận chính trị nước ngoài phân tích về tình hình Irak đều nhận định rằng danh sách những người Sunni bị cấm trên nếu được duy trì sẽ có thể phá vỡ hoà bình còn đang mong manh giữa những người Arập Sunni thiểu số mất quyền lãnh đạo và đa số người Chiit. Ông Pierre-Jean Luizard, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, tác giả của nhiều cuốn sách viết về chính trị và lịch sử đất nước Irak đánh giá: “Điều này chứng minh rằng cuộc chiến giữa các phe phái vẫn chưa kết thúc. Điều nghiêm trọng nhất đó là khả năng xuất hiện một cuộc đảo chính quân sự được thực hiện bởi các nhóm quân đội hiện đang được người Mỹ đào tạo tại nước ngoài”.
Các cuộc tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra sau khi Mỹ xâm lược Irak năm 2005 đã bị hơn 90% người Sunni Arập tẩy chay. Sau đó là các vụ khủng bố và nội chiến.
Mọi người hy vọng cuộc bầu cử ngày 7/3 tới sẽ cho phép người Sunni quay trở lại với đời sống chính trị và tăng cường hơn nữa trong công cuộc xây dựng Nhà nước. Danh sách những đảng viên bị cấm, trong đó chi tiết không được công bố liên quan tới 8% trong số 6.592 ứng cử viên tuyên bố tranh cử, đặc biệt có ông Abdel Qader Jassem Al-Obeidi, Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay và ông Salah Al-Motlaq, đứng đầu Mặt trận hoà giải-một trong hai đảng chính đại diện cho những người Sunni.
Hiện ông Motlaq giữ 11 ghế tại Quốc hội và nhận được khoảng 20% phiếu tại các khu vực hỗn hợp trong các cuộc bầu cử khu vực tháng 1/2009. Ông vừa mới đạt được thoả thuận liên minh với cựu Thủ tướng người Chiit thế tục Iyad Allaoui. Ông Allaoui vẫn chưa đe doạ tẩy chay bầu cử khi đối tác của ông không được phép tham gia. Tuy nhiên, có nhiều người Sunni đã tuyên bố công khai khả năng trên.
Trong phe Chiit, cẳng thẳng đã tăng lên. Hàng nghìn người biểu tình đã diễu hành hôm 21/1 tại Nadjaf, Kerbala và Bassora để kêu gọi tham gia thành lập Quốc hội với những tiếng hô: “Hãy nói không với chết chóc”.
Bị Washington thúc ép can thiệp, hôm thứ năm (21/1), Tổng thống Irak (người Kurd) đã điều khiển phiên họp của Toà án tối cao nhằm kiểm tra xem quyết định của Hội đồng tối cao về trách nhiệm và tư pháp có hợp hiến không. Được lãnh đạo bởi Ahmad Chalabi, người trước đây được chính quyền Bush hậu thuẫn trước khi phát hiện ông cũng làm việc cho Iran vào năm 2007, cơ quan này không bao giờ được Quốc hội công nhận.
Quốc hội sẽ tăng từ 275 lên 325 ghế
Các cuộc bầu cử lập pháp thứ hai kể từ thời hậu Saddam Hussein sẽ diễn ra ngày 7/3 tới trên khắp đất nước, bao gồm cả khu vực tự trị của người Kurd. Theo số liệu thống kế, dân số sẽ tăng từ 22 triệu năm 1987 lên 30 triệu dân ngày nay.
Dựa trên số liệu này, sau nhiều tháng bất hoà và thương lượng giữa các nhóm dân tộc và các đảng phái, số lượng ghế tại Thượng viện và Hạ viện sẽ tăng từ 275 ghế lên 325 ghế. 18 tỉnh của Irak sẽ có ghế bổ sung. Thủ đô Bagdad tăng từ 59 lên 68 ghế, tỉnh Bassora tăng từ 18 lên 24 ghế, Tỉnh Babylone tăng từ 11 lên 16 ghế. |
Theo báo LEMONDE.fr (Bài dịch)