Thứ Ba, 17/9/2024
Thế giới
Thứ Ba, 21/3/2023 9:50'(GMT+7)

Iraq - 20 năm nhìn từ cuộc chiến

Nhiều người dân Iraq vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo. (Ảnh minh họa: AFP)

Nhiều người dân Iraq vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo. (Ảnh minh họa: AFP)

CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG THƯỜNG DÂN

Showkat Abdullah al-Mashhdani sinh năm 1950, tại Baghdad (Iraq). Ông lấy bằng Tiến sĩ về khoa học nông nghiệp tại Đại học Arizona (Mỹ) trước khi trở về Iraq để theo đuổi sự nghiệp và thành công trong cả lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh. Tối 26/7/2007, ông bị bắn chết. Showkat là một trong số hàng trăm nghìn người dân Iraq bỏ mạng trong cuộc chiến.

Trên The Guardian, con trai ông kể lại: “Nhà tôi ở khu Ameriah, gần đường cao tốc ra sân bay. Cha tôi bị binh sĩ Mỹ bắn chết tại đó, họ chủ ý nhắm vào ông bằng khẩu súng máy hạng nặng gắn trên chiếc Humvee. Sau khi phát hiện ông không phải là chiến binh khủng bố, mà chỉ là một nhà nghiên cứu từng có thời gian du học tại Mỹ, họ đề nghị bồi thường 10.000USD, nhưng chúng tôi từ chối. Ông mất đi khi đang là trụ cột của một gia đình có 7 đứa con... Với mẹ tôi, cuộc sống dường như đã ngừng lại kể từ khi ông qua đời. Sức khỏe của bà suy sụp do cú sốc và bà phải dùng đủ loại thuốc điều trị bệnh huyết áp và tiểu đường kể từ đó...”.

Tại quận Karrada của thủ đô Baghdad, người bán hàng rong Ezzet bày tỏ cảm xúc khá chua xót về cuộc chiến: “20 năm đã trôi qua, không có gì thay đổi cả, họ chỉ lật đổ Saddam Hussein, vậy thôi!”. Một người bán hàng khác tên Ali có cùng tâm trạng: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng những điều tốt đẹp sẽ đến. Song giờ bạn thấy đấy, người dân không được hưởng lợi gì từ cuộc chiến, không có cơ sở hạ tầng thuận lợi, thậm chí không có nhà ở, không gì cả”.  

TỪ KHỞI ĐẦU CUỘC CHIẾN...

"Trái tim và khối óc", "Tự do Iraq", "Vũ khí hủy diệt hàng loạt"... đó là những cụm từ được ra rả trên truyền thông thế giới kể từ ngày 20/3/2003, thời điểm Mỹ chính thức phát động chiến tranh Iraq.

"Mỹ và các đồng minh đang trong giai đoạn đầu của các hoạt động quân sự nhằm giải giáp Iraq, giải phóng người dân Iraq và bảo vệ thế giới khỏi mối nguy nghiêm trọng. Tôi đã ra lệnh cho các lực lượng liên minh bắt đầu tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng của Iraq", Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố trước thế giới, viện cớ chính quyền của Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Mỹ cáo buộc Iraq là một phần của “trục liên minh ma quỷ”, tức là một trong số các quốc gia chịu trách nhiệm dung túng cho các tổ chức khủng bố trong sự kiện ngày 11/9. Trên thực tế, Mỹ chỉ mất 6 tuần để “xóa sổ” quân đội Iraq, song “vũ khí hủy diệt hàng loạt” cũng như “kho dự trữ vũ khí hóa học” của Iraq chưa bao giờ được tìm thấy, bởi như chính quyền Mỹ sau này thừa nhận, tất cả là do tình báo Mỹ dàn dựng lên hòng kiếm cớ phát động cuộc chiến.

Sau khi chính quyền Tổng thống Hussein bị lật đổ, Iraq rơi vào cuộc nội chiến kéo dài với những mất mát không thể bù đắp. Theo kênh truyền hình i24NEWS có trụ sở tại Israel, kể từ thời điểm Mỹ phát động chiến tranh, 400.000 người Iraq đã thiệt mạng. Người dân Iraq vẫn tiếp tục trải qua cuộc sống đầy bạo lực và bất ổn mỗi ngày.

...TỚI NHỮNG TỔN THẤT NẶNG NỀ

Theo Tạp chí The Conversation, thất bại trước việc ngụy tạo bằng chứng về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq, liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu trong cuộc chiến Iraq đã nhanh chóng tuyên bố 3 mục tiêu của cuộc chiến: Lật đổ Tổng thống Hussein và mang lại hòa bình cho người dân Iraq; thiết lập nền dân chủ; biến Iraq thành một quốc gia thịnh vượng được điều hành bởi nền kinh tế thị trường tự do.

Bất chấp những chi phí khổng lồ về nguồn lực con người và tài chính, Mỹ và phương Tây đã thất bại thảm hại trong việc đạt được các mục tiêu này. Ngoài con số hơn 400.000 người Iraq đã thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, 9 triệu người mất nhà cửa hoặc buộc phải rời khỏi đất nước, các di sản văn hóa bị phá hủy hoặc thất lạc sau chiến tranh, cùng với những gánh nặng tổn thương về tinh thần không thể đong đếm.

HÒA BÌNH DƯỚI NÒNG SÚNG

Liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu cũng thất bại trong việc bảo đảm an toàn cho Iraq sau khi chính quyền Tổng thống Hussein bị lật đổ. Từ năm 2006 trở đi, Iraq rơi vào thời kỳ đen tối chưa từng có của xung đột giáo phái. Tình hình trở nên trầm trọng kể từ khi Mỹ rút quân vào cuối năm 2011. Đến năm 2013, các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu càn quét và chiếm đóng những vùng lãnh thổ rộng lớn cả ở Syria và Iraq. Hàng triệu người dân Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn để trốn tránh bạo lực.

Ngày nay, Iraq vẫn là một trong những điểm nóng xung đột bạo lực nhất trên trái đất. Điều trớ trêu ở đây là, trước khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Iraq, đất nước này không có sự hiện diện của bất kỳ tổ chức khủng bố nào. Thế nhưng, từ giữa năm 2014, khoảng 1/3 lãnh thổ quốc gia này nằm dưới sự kiểm soát của các tổ chức khủng bố. Những cuộc biểu tình rầm rộ như cơm bữa, những cuộc đấu đá triền miên của các phe phái chính trị sắc tộc-tôn giáo ngày càng phức tạp, biến quốc gia Trung Đông này thành một trong những khu vực bất ổn vào bậc nhất thế giới.

Bất chấp thực tế là quốc gia giàu dầu mỏ và từng có thời kỳ phát triển thịnh vượng, 20 năm sau cuộc chiến, Iraq bị xếp vào một trong số các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Hàng triệu người Iraq vẫn tiếp tục sống trong cảnh túng quẫn ở một đất nước có cơ sở hạ tầng đổ nát và thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục nghèo nàn, chắp vá./.

HÀ PHƯƠNG (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất