Kê khai tài sản, kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng - một vấn đề nhức nhối hiện nay trong xã hội...
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua là tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, nhất trí với sự đồng tình rất cao thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương khóa XII. Theo đó, Quy chế làm việc của UBKT Trung ương khóa này đã kế thừa về cơ bản nội dung khóa trước, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điểm về trách nhiệm, quyền hạn, như việc kiểm tra, giám sát công tác kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…
Kê khai tài sản, kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng - một vấn đề nhức nhối hiện nay trong xã hội. Thực tiễn những năm qua, việc tổ chức cho cán bộ, công chức kê khai tài sản đã dần đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay còn mang nặng tính hình thức. Mặc dù những năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã duy trì có nền nếp việc tổ chức cho cán bộ, công chức tiến hành kê khai tài sản theo định kỳ, hoặc trước khi bổ nhiệm, đề bạt, nhưng thực tế phần lớn mới dừng lại ở việc “kê” mà chưa thực sự chú trọng đến vấn đề “khai”. Bởi, sau khi yêu cầu cán bộ, công chức kê khai tài sản xong, không ít cấp ủy, tổ chức Đảng thu lại, rồi đưa vào hồ sơ lưu trữ chứ rất ít công khai trước cơ quan, đơn vị, càng chưa nói tới việc công khai tại nơi cư trú. Đặc biệt, từ trước tới nay chúng ta cũng gần như chưa có bất cứ cơ quan chuyên biệt nào được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát xem bản kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức có đúng hay không, nghĩa là vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự kê khai của người phải kê khai.
Nhận thấy rõ những bất cập nêu trên, Trung ương tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của UBKT Trung ương, nhất là giao trách nhiệm cho cơ quan này đảm nhiệm nhiệm vụ giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức thể hiện quyết tâm chính trị cao trong xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, để việc kê khai tài sản đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định hàng đầu là phụ thuộc vào tính tự giác và sự trung thực của từng cán bộ, công chức. Tính trung thực của cán bộ là phẩm chất cần có đầu tiên của người cán bộ; đồng thời cán bộ càng giữ chức vụ cao, càng phải thể hiện sự gương mẫu.
Cùng với đó, tùy vào sự phân công, phân cấp quản lý cán bộ, UBKT ở từng cấp phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, UBKT ở từng cấp cần tiến hành kiểm tra, xác minh và kết luận cụ thể, công khai từng trường hợp. Nếu kiểm tra phát hiện cán bộ, công chức kê khai không trung thực phải có chế tài xử lý nghiêm minh. Đối với những cán bộ, công chức có “nghi vấn” hay có nhiều đơn thư khiếu nại, dư luận phản ánh, thì việc kê khai tài sản cần được xử lý một cách minh bạch, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện và chống tham nhũng. Công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức là vấn đề quan trọng nhất trong thực hiện chủ trương của Đảng về kê khai tài sản. Theo đó, đã “kê” là phải “khai”, còn “kê” nhưng chưa công khai; có kiểm tra giám sát, nhưng chưa công khai, thì chắc chắn vẫn sẽ có những trường hợp sai phạm “lọt lưới”. Chỉ có công khai bản kê khai tài sản để nhân dân nơi cán bộ cư trú biết và cùng kiểm tra, giám sát, thì mới thực sự mang lại hiệu quả, khắc phục triệt để “bệnh hình thức”, góp phần quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch./.
Lê Ngọc Long (QĐND)