Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 3/7/2011 9:58'(GMT+7)

Kết cục khó lường

Yingluck Shinawatra, ứng viên thủ tướng Thái Lan sáng giá nhất, được xem là một bản sao của người anh trai, cựu thủ tướng Thaksin. (Ảnh: AFP)

Yingluck Shinawatra, ứng viên thủ tướng Thái Lan sáng giá nhất, được xem là một bản sao của người anh trai, cựu thủ tướng Thaksin. (Ảnh: AFP)

Khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn Hạ viện nhiệm kỳ mới. Trong cuộc tổng tuyển cử lần này có hơn 3.820 ứng cử viên tranh 500 ghế Hạ viện, trong đó có hơn 2.400 ứng cử viên của 39 đảng ra tranh cử trực tiếp 375 ghế tại các khu vực bầu cử; 125 ghế còn lại được bầu chọn theo hệ thống danh sách đảng và được phân bổ theo tỷ lệ số phiếu ủng hộ mà mỗi chính đảng nhận được.

Dù có hàng chục đảng phái  tham gia cuộc tổng tuyển cử, song hai đối thủ chính trong cuộc đua quyền lực này là đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Thái Lan A-bi-xít Vây-gia-gi-va (Abhisit Vejjajiva) và đảng đối lập Puea Thai (Vì nước Thái) của bà Dinh-lúc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra). Trong các chính sách đưa ra để vận động tranh cử, đảng Dân chủ nhấn mạnh tới bảo đảm bình yên cho người dân, không bạo lực; làm việc vì nhân dân, nỗ lực ổn định kinh tế, tăng lương cơ bản và tiếp tục áp dụng chính sách phổ cập giáo dục. Đảng Vì nước Thái  thì đưa ra chính sách tạm gác mâu thuẫn chính trị, khôi phục và phát triển đất nước, hòa giải, đoàn kết và thực thi chính sách dân túy.

Các kết quả thăm dò dư luận trước ngày bầu cử đều cho thấy, đảng Vì nước Thái chiếm ưu thế lớn so với đảng Dân chủ. Đây cũng là điều dễ hiểu khi bà Dinh-lúc là em gái của Thủ tướng bị lật đổ Thặc-xỉn Xin-vắt (Thaksin Shinawatra). Tuy không phải là bản sao của ông Thặc-xỉn nhưng rõ ràng bà Dinh-lúc được thừa hưởng từ người anh sự ủng hộ của lượng cử tri đông đảo ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, đứng sau đảng Dân chủ vẫn chỉ là tầng lớp trung, thượng lưu có số lượng không nhiều, tập trung  ở thủ đô Băng Cốc và một số đô thị.

Với cán cân như vậy, một kịch bản dường như nhiều khả năng trở thành hiện thực nhất là đảng Vì nước Thái giành đa số ghế áp đảo, hoặc chí ít cũng đủ ghế để cầm  đầu liên minh với các đảng khác trong Hạ viện và bà Dinh-lúc trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Thái Lan. Thế nhưng, kịch bản này chưa chắc đã dẫn đến một cái kết có hậu.

Tại một đất nước từng ghi nhận 18 cuộc đảo chính hay mưu toan đảo chính kể từ khi nền quân chủ lập hiến ra đời năm 1932, mà lần gần đây nhất là vào năm 2006 để lật đổ ông Thặc-xỉn, thì không thể không tính đến vai trò của quân đội trong chính trường. Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Pra-vít Vông-xụ-văn (Prawit Wongsuwan) và Tư lệnh lục quân Thái Lan Pray-út Chan Ô-cha (Prayuth Chan Ocha) đã nhiều lần tuyên bố quân đội sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử. Thế nhưng, chính ông Pray-út lại có hành động “thể hiện lập trường” khi lên truyền hình phát biểu: “Nếu kết quả bầu cử lại giống lần trước, các bạn sẽ không có được điều gì mới và các bạn sẽ không thấy sự tiến triển nào”. Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, lực lượng ủng hộ ông Thặc-xỉn đã giành được nhiều ghế nhất trong Hạ viện.

Hiển nhiên các tướng lĩnh quân đội Thái Lan lo ngại rằng, nếu đảng Vì nước Thái thắng cử, bà Dinh-lúc có thể phát động điều tra về cuộc đảo chính vốn đã lật đổ người anh trai của bà năm 2006 và sẽ bắt đầu điều tra trách nhiệm của chính phủ tiền nhiệm và quân đội trong vụ trấn áp biểu tình từng làm 91 người thiệt mạng hồi tháng 4 và tháng 5-2010. Như vậy, nếu bà Dinh-lúc lên cầm quyền, khó ai có thể bảo đảm rằng, một cuộc đảo chính quân sự sẽ không xảy ra hoặc  quân đội bật đèn xanh cho một cuộc “đảo chính dân sự” bằng các cuộc biểu tình như Liên minh nhân dân vì dân chủ (phe “áo vàng”) từng thực hiện hồi năm 2008.

Đối với đảng Dân chủ, cũng  không loại trừ khả năng đảng này tuy về thứ hai, song vẫn có thể lập được chính phủ liên minh. Nếu đảng Dân chủ dù giành được ít ghế hơn đảng Vì nước Thái nhưng vẫn nắm quyền thì bế tắc trên chính trường Thái Lan chưa thể khai thông. Phe “áo đỏ” ủng hộ ông Thặc-xỉn lại sẵn sàng tràn ra đường phố và các cuộc đụng độ đẫm máu dễ dàng tái diễn.

Xung đột chính trị tại Thái Lan thực chất là tấm gương phản chiếu những mâu thuẫn xã hội trầm trọng tại quốc gia này. Một khi sự phân cực giàu - nghèo cao độ không được xử lý  một cách ổn thỏa thì chính trường Thái Lan chưa thể bình yên./.

(Theo: Bảo Trung/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất