Với sự phát triển, kết hợp đồng bộ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giải mã gene, xử lý ảnh… giúp chẩn đoán bệnh theo một cách mới, khác cách thông thường đang triển khai hiện nay.
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Sự kết hợp của giải mã gene và trí tuệ nhân tạo - một cách tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe.”
Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” với mục đích giới thiệu một xu thế mới về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và giải mã gene trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo ra nhiều sự biến đổi, trong đó có lĩnh vực y tế mà cụ thể là thay đổi, phát triển phương pháp chuẩn đoán, chữa bệnh thông qua giải mã gene.
Với sự phát triển, kết hợp đồng bộ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giải mã gene, xử lý ảnh… giúp chẩn đoán bệnh theo một cách mới, khác cách thông thường đang triển khai hiện nay.
Sự phát triển của công nghệ cũng tạo ra xu hướng hình thành các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hình thành nhiều tổ chức nghiên cứu mang tính toàn cầu.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ có hàng loạt các hoạt động như thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành cộng đồng liên kết các nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo cũng như các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng trong các lĩnh vực mới…
Giáo sư Roy Perlis, Trường Đại học Y khoa Harvard trong bài tham luận “Từ hệ gene đến sức khỏe: Những thách thức trong việc ứng dụng di truyền học trong cải thiện việc chăm sóc sức khỏe bênh nhân” chỉ ra rằng, nhiều căn bệnh nguy hiểm là bệnh di truyền như tâm thần phân liệt chiếm 90%, tiểu đường loại 2 chiếm 80%, viêm khớp dạng thấp chiếm 60%...
Cấu trúc gene liên quan đến phần lớn những căn bệnh phổ biến rất phức tạp. Hiện nay, thế giới đã phát triển nhiều mô hình ngân hàng gene để dò tìm những biến thể với nguy cơ gây bệnh.
Giáo sư Gill Bejerano, Khoa Khoa học Dữ liệu Y sinh, Đại học Stanford, cũng chỉ ra rằng ứng dụng giải mã gene trong chẩn đoán bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng như tìm đúng bác sỹ chuyên khoa cho vấn đề sức khỏe đang gặp phải, chỉ ra cách dùng thuốc và lên kế hoạch điều trị, cải thiện hướng chữa bệnh cho bệnh nhân, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Hiện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gene ở Việt Nam rất tiềm năng, tuy nhiên, để chính xác hệ thống gene của người Việt, cá nhân hóa phác đồ điều trị cho người Việt thì Việt Nam nên xem xét đến việc hình thành Trung tâm giải mã gene.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến các nhà khoa học, quản lý đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc ứng dụng công nghệ giải mã gene tại Việt Nam như bảo mật dữ liệu gene, Quy chuẩn của phòng thí nghiệm làm dịch vụ gene là gì?
Việc xác định tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, quy trình, nhân lực khi xây dựng một Trung tâm giải mã gene tại Việt Nam ? Bên cạnh đó, câu chuyện giải mã gene, xây dựng bản đồ gene người Việt đã được nhiều nhà khoa học Việt Nam đề cập và tiến hành nghiên cứu từ nhiều năm nay, vậy dữ liệu nghiên cứu đó sẽ sử dụng như thế nào, cách chia sẻ các dữ liệu này.
Hàng loạt các vấn đề được đặt ra mang tính gợi mở không chỉ cho các nhà khoa học mà cho cả những nhà quản lý trước một vấn đề mới. Song, cần khẳng định, thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam có thể nhập khẩu nhiều công nghệ song nghiên cứu về gene lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Đông Nam Á đang được coi là “vùng trũng” trong công nghệ giải mã gene dẫn đến việc khó khăn trong việc tiếp cận với các công nghệ và các nghiên cứu y khoa tiên tiến của người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung./.
Theo TXVN/Vietnam+