Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, theo phương hướng, nhiệm vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề ra, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở ở Văn Lâm đã triển khai nhiều phong trào thi đua gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Để chị em hiểu rõ những tiêu chí về nông thôn mới, Hội LHPN huyện đã biên soạn tài liệu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ngắn gọn, dễ nhớ đưa vào nội dung sinh hoạt hàng quý để hội viên các cơ sở thực hiện. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “ 5 không, 3 sạch” Hội đã đẩy mạnh hoạt động giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm dưới nhiều hình thức góp phần giảm nghèo bền vững. Các cơ sở hội đã vận động hơn 27.000 lượt chị em có điều kiện giúp gần 9.000 chị em có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi, trong đó có 2.745 phụ nữ nghèo được giúp hơn 23 tỷ đồng và hơn 5.000 ngày công lao động.
Các chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, Lê Thị Hạnh xã Tân Quang mỗi chị đã cho vay 100 triệu đồng, chị Vũ Thị Hiển chi hội trưởng phụ nữ thôn Thanh Đặng, xã Minh Hải cho các cá nhân vay 250 triệu đồng… Phong trào “nuôi lợn nhựa”, mô hình “tiết kiệm” tại chi hội đã có 7.955 người tham gia tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng cho 171 chị em vay, đã góp phần giúp nhiều gia đình phát triển mô hình kinh tế của mình hiệu quả hơn. Hội Phụ nữ xã Lạc Đạo với 13 cán bộ hội mỗi người một tháng cho vay 1.000.000 đồng không lãi. Tổ tiết kiệm Phụ nữ thôn Trình có 72 hội viên, thôn Mụ xã Lạc Đạo có 30 hội viên, cứ ngày 25 hàng tháng ra nhà Văn hóa thôn, mỗi chị tiết kiệm 500.000 đồng để các thành viên trong tổ vay không lãi. Tổ tiết kiệm thôn Thanh Đặng xã Minh Hải gồm 80 chị em, mỗi tháng giúp 4 hội viên, mỗi người 10 triệu đồng.
Để việc sử dụng đồng vốn vay được hiệu quả và giúp chị em có kiến thức khoa học kỹ thuật, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức 23 lớp tập huấn cho phụ nữ nghèo, cận nghèo. Nhiều chị em sau khi được vay vốn và được tập huấn đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế gia đình đã đem lại hiệu quả tốt. Toàn huyện có 587 hộ nghèo đã thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Dương Thị Thuận ở thôn Trình xã Lạc Đạo chăn nuôi gà kết hợp với các nguồn thu của gia đình đã xây dựng được nhà 2 tầng khang trang. Chị Phạm Thị Dùng ở thôn Tuấn Lương xã Lương Tài được hỗ trợ bò giống, kết hợp với các nguồn vốn vay chị nuôi gà, đến nay gia đình đã có thu nhập ổn định…
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh nhất là đối với các ngành nghề truyền thống, các cấp Hội đã kết hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Đông Á cho 4.185 hội viên vay hơn 113,8 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Nhiều chị em từ nguồn vốn này đã có sự bứt phá về kinh tế vươn lên trở thành hộ giàu, như gia đình Chị Lê Thị Quyên ở thôn Xuân Lôi xã Đình Dù; chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Đồng Xá xã Lạc Đạo...
Để việc sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả, Hội LHPN huyện đã tuyên truyền, vận động thành lập 2 mô hình Hợp tác xã (HTX) Hoa Thiên Phú ở xã Tân Quang và Hoa quả Việt ở xã Chỉ Đạo. HTX Hoa Thiên Phú ở thôn Nghĩa Trai xã Tân Quang chuyên chế biến thuốc nam, thuốc bắc. Ra mắt năm 2017 đến nay HTX đã có 20 thành viên tham gia. Sản phẩm của hợp tác xã được Sở Y tế kiểm định chất lượng và được quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ tỉnh Hưng Yên, do đó, sản phẩm tiêu thụ hàng năm ngày càng được nhiều. Năm 2018, Hợp tác xã tiêu thụ được hơn 1.000 tấn sản phẩm các loại.
Chị Đỗ Thị Hoa - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hoa Thiên Phú phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày thành lập HTX, được sự quan tâm của các cấp từ việc kiểm định chất lượng sản phẩm và giới thiệu sản phẩm, lượng hàng của HTX được tiêu thụ mạnh, nhất là sản phẩm tinh bột nghệ được nhiều khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Riêng năm vừa qua HTX bán được 4 tấn tinh bột nghệ đem lại thu nhập cao cho các thành viên”. Còn ở HTX Hoa quả Việt ở xã Chỉ Đạo bước đầu thành lập, với kinh nghiệm của các hộ trồng các loại quả như thanh long, bưởi, ổi…đã là địa chỉ tin cậy cho nhiều khách hàng.
Không chỉ giúp đỡ nhau làm kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức 17 lớp tập huấn cho hơn 3.000 hội viên để nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường. Sau khi học tập, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ huyện hội đề ra, các cơ sở hội đã gắn hơn 1.700 biển đoạn đường “xanh, sạch, đẹp” ở 11 xã, thị trấn do phụ nữ tự quản.
Nhiều chi hội có những cách làm sáng tạo, như ở chi hội Phụ nữ thôn Trình xã Lạc Đạo trồng được trên 10km đường hoa. Toàn huyện đã trồng được 173 đoạn đường hoa các loại với chiều dài hơn 45 km, góp phần tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn thêm đẹp.
Bên cạnh đó, chị em phụ nữ ở Văn Lâm còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền vận động các hộ hiến đất, kinh phí làm đường giao thông. Ở một huyện gần thủ đô, đất thổ cư ngày càng có giá trị, do đó việc tuyên truyền vận động hiến đất là rất khó khăn, nhưng do nhận thức rõ tầm quan trọng của việc mở rộng đường giao thông trong phát triển kinh tế, thực hiện lời dạy của Bác “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” các cấp Hội đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động các hộ hiến đất.
Sau quá trình vận động nhiều gia đình đã hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và nghĩa vụ của mình với quê hương đã vui vẻ hiến đất. Điển hình như Gia đình ông Lê Văn Tỉnh bà Đỗ Thị Nhỡ ở thôn Đình Dù, xã Đình Dù nhà gần chợ nhưng đã hiến 54m2, thôn Ngải Dương xã Đình Dù 95 hộ đã hiến hơn 730m2…
Chị Lê Thị Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hải chia sẻ: “Mình phải là người gương mẫu thì mới tuyên truyền các hộ khác được, nhà tôi đã hiến 11m2 đất ở trị giá gần 100 triệu đồng để làm đường ngõ”. Từ đó, chị đã động viên 4 hộ gia đình khác cùng ngõ hiến 16 m2 đất để làm đường.
Từ ngõ nhỏ ô tô không vào được đến nay, sau khi ngõ Bến làm đường nối thông với các tuyến đường chính của thôn, xe ô tô 16 chỗ cũng vào ngõ được dễ dàng nên nhiều người rất phấn khởi. Chị em ở 10 xã trong huyện cũng tích cực vận động hiến đất và ủng hộ tiền để làm đường giao thông. Kết quả trong toàn huyện 576 hộ hiến đất được 8.922m2 và 722 gia đình ủng hộ gần 2,5 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn.
Để góp phần thực hiện được nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, phụ nữ Văn Lâm phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các tiêu chí về văn hóa, an ninh trật tự xã hội, như; phối hợp với Công an huyện thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch trong việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội, phân công theo dõi giúp đỡ chồng, con hội viên cai nghiện…
Hiện nay, toàn huyện có 42 chi hội phụ nữ không có tệ nạn ma túy, không có chồng, con nghiện ma túy.
Mặt khác các cấp hội đẩy mạnh các mô hình câu lạc bộ phụ nữ, với nhiều hình thức đổi mới nhằm thu hút hội viên.92 mô hình địa chỉ tin cậy đã được duy trì hiệu quả tại cộng đồng. Bám sát địa bàn, nắm tâm tư, tình cảm chị em, nên trong 5 năm qua, các cơ sở hội đã hòa giải thành công 57 vụ mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai.
Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, đồng chí Đào Thị May- Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện khẳng định, trong thời gian tới, để góp phần tích cực vào việc đưa huyện Văn Lâm về đích nông thôn mới, các cấp hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 2 cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt hội nhằm tập hợp thu hút phụ nữ vào tổ chức hội, đa dạng hóa các hình thức giúp phụ nữ nghèo, trong đó chú trọng hỗ trợ về kiến thức, vốn vay, giới thiệu việc làm… nhằm nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, tập trung nâng cao hiệu quả các hoạt động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn kiểu mẫu trên địa bàn huyện”.
Cao Văn Khởi
Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Văn Lâm, Hưng Yên