Chủ Nhật, 8/12/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 26/5/2019 14:22'(GMT+7)

Nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá

Nhiều hoạt động trong Tuần lễ hưởng ứng không khói thuốc lá. (Ảnh: Vietnam+)

Nhiều hoạt động trong Tuần lễ hưởng ứng không khói thuốc lá. (Ảnh: Vietnam+)

Sáng 26/5, Qũy phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Lễ míttinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31/5 với chủ đề: “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.

Trong dịp này, 40 tỉnh, thành phố trong toàn quốc cùng tổ chức Lễ míttinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại Việt Nam, theo số liệu của các bệnh viện ung bướu tuyến trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Các cầu thủ bóng đá là đại sứ của chương trình phòng chống thuốc lá năm 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các cầu thủ bóng đá là đại sứ của chương trình phòng chống thuốc lá năm 2019. (Ảnh: Vietnam+)

"Hút thuốc thụ động còn là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em. Trẻ em hít phải khói thuốc lá từ khi còn nhỏ sẽ có thể phải gánh chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như bị tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ”, GS. Nguyễn Viết Tiến phân tích.

Thứ trưởng Tiến cho hay, theo báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (năm 2015) công bố mới nhất cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa điểm. Giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54% xuống 37%, trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34% xuống 19%, tại gia đình giảm từ 73% xuống 59%, tại nơi làm việc giảm từ 55% xuống còn 42%.

Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người hiểu thông tin hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55% lên 61%; hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87% lên 90%.

Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá đồng thời kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc lá vì sức khỏe của mỗi người, gia đình và cộng đồng.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Sau phần lễ míttinh là phần biểu diễn nhảy flasmob của 500 sinh viên và hoạt động đi bộ của 1.000 người, các đại biểu nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông vì một thế giới không khói thuốc lá./.

(Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất