Thứ Tư, 27/5/2009 10:57'(GMT+7)
Kết nào cho vở kịch hạt nhân Triều Tiên?
Ngay sau sự kiện chấn động CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân, phóng tên lửa, mật độ những cụm từ "hậu quả", "cần bị trừng phạt", "không thể tha thứ", "cần một giải pháp cứng rắn", "Iran đang theo dõi"...ngày một dày đặc được gán vào mác "dư luận quốc tế". Nhưng, phải chăng đây là lúc cần nghĩ xa hơn thay vì chỉ luẩn quẩn trong những cụm từ đồng nghĩa "trừng phạt". Và tất yếu, không trừng phạt thì nên nối lại thương lượng.
Mọi sự dường như bắt nguồn từ thái độ giải quyết "khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên" của Washington. Nó bắt nguồn từ hai yếu tố:
Thứ nhất, Nhà Trắng từng bị phân cực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân này kể từ khi ra đời Thoả thuận khung 1994. Theo thoả thuận khung này, Bình Nhưỡng phải ngừng hoạt động các cơ sở sản xuất plutonium, đổi lại sẽ được hỗ trợ các lò phản ứng nước nhẹ và điều tối quan trọng là bình thường hoá quan hệ với Washington. Nhưng, trên thực tế, bản thân chính quyền Bush trước đây cũng gặp "nội chiến" về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Có thể đối với họ, thật nguy hiểm nếu cứ "mềm dẻo" với một đất nước bị cho là kinh khủng như vậy. Không ít nhân vật phản đối coi hành động "ngồi cùng bàn" với CHDCND Triều Tiên là "đút lót", "trái đạo đức", cho dù cái mà họ gọi là "đút lót" đó đều có điều kiện cả, và từng là vũ khí ngoại giao sắc bén được Mỹ "dụng" cực kỳ hiệu quả. Hãy nhìn Iraq thì rõ. Thứ hai, Mỹ và các đồng minh của mình lại luôn không "đoàn kết" trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nhật Bản quyết phản đối thương lượng cho đến khi CHDCND Triều Tiên giải quyết xong vấn đề bắt cóc công dân Nhật từ 30 năm trước. Trung Quốc thì lại muốn thay đổi Triều Tiên thông qua hỗ trợ kinh tế và cải cách một cách ôn hoà. Hơn nữa, dù có vai trò "tác động" nhiều nhất tới Bình Nhưỡng, nhưng vì lợi ích của riêng mình, Bắc Kinh vẫn muốn giữ cho Triều Tiên "nổi" như giờ, và chắc hẳn không muốn thay đổi gì cả. Và, vì giờ đây do kinh tế Mỹ đang lao đao nên tầm ảnh hưởng của nước này với Trung Quốc rất giới hạn. Dù trước đây luôn theo đuổi chính sách "Ánh dương", "hấp dẫn" người láng giềng phương Bắc bằng hàng loạt viện trợ và hợp tác kinh tế, nhưng chính quyền mới tại Hàn Quốc lại tỏ ra cứng rắn, và dường như muốn không tiếp tục đường hướng cũ. Dù bất đồng như vậy, nhưng thương lượng vẫn là giải pháp thực tế nhất lúc này, dù cho Bình Nhưỡng có leo thang chương trình hạt nhân của mình. Tại sao vậy? Câu trả lời đơn giản: thương lượng dù sao cũng đã có một số tiến bộ nhất định và quan trọng nó là "sự lựa chọn thực tế duy nhất" lúc này. Hãy nhìn, Seoul vẫn trong tầm ngắm của "họng súng" từ phương Bắc. Căng thẳng hai bên leo thang sẽ càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế ở Hàn Quốc lúc này. Điều đó chắc chắn sẽ khiến Washington nhức đầu. Chờ chế độ ở CHDCND Triều Tiên sụp đổ hay gì đi nữa chỉ mang tính "tâm lý", và lại càng làm cho nước này có thời gian "reo rắc" thêm căng thẳng. Câu hỏi lúc này là làm thế nào để trở lại bàn thương lượng. Cách tốt nhất là thông qua một nghị quyết "ôn hoà" trong Hội đồng bảo an LHQ. Một nghị quyết đủ mềm để có thể lôi kéo các bên trở lại bàn đàm phán. Mỹ sẽ hài lòng trở lại đàm phán sáu bên và cấp nhiên liệu cho CHDCND Triều Tiên nếu nước này đóng cửa các cơ sở sản xuất plutonium và đạt được thoả thuận thanh sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng, điều đó có vẻ rất khó. Đến nay, chưa có bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Rõ ràng, vũ khí hạt nhân là con át chủ bài trong tay Bình Nhưỡng. Chúng giúp thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Cho nên, bất kỳ ai muốn giải quyết vấn đề cần thực hiện "dưới cái ô" của đàm phán 6 bên. Hơn nữa, để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hoá, các bên cần đạt được một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ với Bình Nhưỡng: ví như ký hiệp ước hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, bình thường hoá tất cả các mối quan hệ chính trị, kinh tế; cam kết viện trợ kinh tế đáng kể cho CHDCND Triều Tiên, thậm chí hỗ trợ đưa nước này hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Chỉ như vậy mới khiến Bình Nhưỡng cân nhắc thay đổi và từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tất nhiên, để đạt được điều đó rất khó. Chưa nói đến sự phản đối ngay trong nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có thể không chấp nhận bởi một lẽ cái gì cũng phải có qua có lại, mà Bình Nhưỡng thì hay "nuốt lời". Và, cuối cùng, có thể đơn giản lãnh đạo CHDCND Triều Tiên không mặn mà gì với cái thoả thuận như vậy. Tuy nhiên dù khó, nhưng có vẻ như "ngồi nói chuyện với nhau" vẫn là sự lựa chọn thiết thực duy nhất lúc này. Theo VNN (tổng hợp)