Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 1/5/2016 9:32'(GMT+7)

Kết nối vùng, tạo cú hích phát triển du lịch Hải Phòng

Nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc bộ, hội đủ 5 phương thức vận tải với đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa, Hải Phòng đã và đang hướng đến chiến lược kết nối vùng, tạo cú hích phát triển du lịch ở thành phố nơi cửa biển. 

*Hạ tầng giao thông đồng bộ 

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành chia sẻ: Hạ tầng giao thông đồng bộ là yếu tố quan trọng “mời gọi” các địa phương, nhà đầu tư đến với Hải Phòng, kết nối với Hải Phòng. Đó là dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2015. Đây là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, góp phần nâng cao khả năng kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng với cả nước. Tuyến đường này đảm nhận vai trò rút hàng hóa sau cảng biển Hải Phòng, tăng khả năng kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của khu vực và cả nước như các quốc lộ 10, 5, 1, 2, 3, đường cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, cao tốc Hà Nội – Lào Cai và các tuyến đường đang được nghiên cứu đầu tư như đường cao tốc ven biển. Đoạn tuyến cao tốc trên địa phận Hải Phòng dài 40 km, bắt đầu từ Đình Vũ đã biến điểm cuối của Hải Phòng thành điểm tiếp tục kết nối với nút giao vượt sông Cấm qua cầu Bạch Đằng, chỉ qua 25km sẽ đến thành phố Hạ Long, Quảng Ninh , thay vì 75 km như hiện tại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả vùng trọng điểm Bắc Bộ. 

Các dự án đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện là dự án lớn nhất từ trước đến nay tại miền Bắc dành cho khu vực cảng biển, tạo tiền đề để Hải Phòng vươn ra biển lớn theo tinh thần chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Khi hoàn thành đủ 12 bến theo quy hoạch, cảng Lạch Huyện sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của không riêng ở miền Bắc Việt Nam mà còn cả của khu vực Đông Nam Á và thế giới. 

Thêm điểm nhấn mang tính đột phá cho sự kết nối vùng, đó là dự án Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ khánh thành vào ngày 12/5 tới. Đây là sân bay quốc tế cấp 4E cho phép bất kỳ máy bay dân dụng nào trên thế giới cất hạ cánh, có thể vận chuyển 800 hành khách/giờ cao điểm; vận chuyển 20.000 tấn hàng hóa/năm. Khu nhà ga với kiến trúc mang nét đặc trưng của thành phố Hải Phòng với nội thất đẳng cấp sẽ thu hút đến 4-8 triệu lượt khách/năm. 

*Mở rộng kết nối vùng 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình: Nói tới Hải Phòng là nói tới khu du lịch Đồ Sơn, Hòn Dấu, đảo ngọc Cát Bà, cùng nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Đền Nghè (đền thờ Nữ tướng Lê Chân), sông Bạch Đằng lịch sử, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bến tàu không số K15 - điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Những điểm đến có một không hai này đã được Hải Phòng liên kết với các hãng, công ty lữ hành, các địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội…hình thành các tour du lịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”.
 

Tuy nhiên, nhận định về du lịch Hải Phòng, đại diện Tổng cục du lịch Việt Nam cho rằng: Thời gian qua, du lịch Hải Phòng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, một trong những nguyên nhân căn bản là do Hải Phòng chưa tạo ra được những liên kết phát triển bền vững với các tỉnh, thành phố trong vùng cũng như trên cả nước. Chính vì thế, trong thời gian tới, Hải Phòng và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc cần quan tâm đến bốn vấn đề kích cầu du lịch.
 

Một là, liên kết phát triển sản phẩm, tìm ra những nét tương đồng nhằm tạo ra những sản phẩm chung phù hợp phục vụ du khách, tránh sự lặp lại, nhàm chán của các sản phẩm giống nhau của các địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần khai thác triệt để sự khác biệt vốn có để tạo ra những sản phẩm độc đáo đặc trưng cho từng địa phương hoặc cho cả vùng. Thêm nữa, Hải Phòng cần chủ động liên kết với các Hãng hàng không để tạo ra những chặng bay phù hợp cũng như kết nối chuyến các chặng bay nội địa và quốc tế, giảm giá vé máy bay tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Hai là, các địa phương liên kết về tuyên truyền, xúc tiến và quảng bá du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch của cả vùng, là điểm đến ngang tầm khu vực và quốc tế; xây dựng và liên kết website, bởi nó là cầu nối giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Ba là, hợp tác phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bốn là, liên kết trong công tác quy hoạch phát triển du lịch giữa các địa phương; có chính sách phù hợp, định hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về du lịch, cam kết của các địa phương về hỗ trợ đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ và sản phẩm du lịch, nhằm sớm tạo ra những khu du lịch đẳng cấp, tiêu chuẩn, phù hợp với từng phân đoạn thị trường du lịch nội địa và quốc tế. 

Là một ngành kinh tế mũi nhọn, song mục đích của phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, điều quan trọng hơn là du lịch trực tiếp góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Hải Phòng, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn gần xa - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định. 

Đoàn Minh Huệ/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất