Thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo ở cấp độ quốc gia, địa phương, từng cơ sở giáo dục, đào tạo và đánh giá theo chương trình của quốc tế để làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo. Hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Định kỳ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo; công khai kết quả kiểm định. Chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở ngoài công lập, các cơ sở có yếu tố nước ngoài. Xây dựng phương thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với các loại hình giáo dục cộng đồng. Đổi mới cách tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo theo hướng chú trọng năng lực, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế, không quá nặng về bằng cấp, trước hết là trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo”
Thực hiện Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW việc đổi mới phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp và đổi mới đánh giá kết quả, đổi mới thi, tuyển sinh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt được một số kết quả sau:
1. Việc đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp
- Thực hiện theo Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội, việc đổi mới phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp đã tiến hành: Tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề theo ngân hàng đề thi chung cho 25 nghề và 96 bộ đề thi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho 96 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, đảm bảo đánh giá được năng lực thực hành, kiến thức cũng như năng lực tự chủ của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp;
- Thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014 của Quốc hội, việc đổi mới phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp đã tiến hành: các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được tổ chức đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ (Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp). Xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp dựa trên cơ sở tích lũy mô đun, tín chỉ theo quy định; công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành cho những học viên đạt chuẩn. Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đánh giá kết quả đào tạo.
- Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW việc đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo ở cấp độ quốc gia, địa phương, từng cơ sở giáo dục, đào tạo và đánh giá theo chương trình của quốc tế; Hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục:
+ Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề: Đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 191 nghề (bổ sung 2 nghề Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành); cấp giấy chứng nhận cho 40 trung tâm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hình thành đội ngũ đánh giá viên; đã thí điểm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động ở 22 nghề và 4 nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Hiện nay, đang triển khai xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia phù hợp với quy định của Luật GDNN và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
+ Về kiểm định và đảm bảo chất lượng: Cơ bản hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định và đảm bảo chất lượng, đã trình ban hành 01 Nghị định, ban hành 02 Thông tư.
+ Năm 2016-2017: Theo quy định Luật Giáo dục nghề nghiệp, việc thực hiện kiểm định chất lượng GDNN do tổ chức kiểm định thực hiện. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay vẫn thành lập được tổ chức kiểm định chất lượng GDNN, vì vậy công tác kiểm định chất lượng GDNN trong 2 năm 2016-2017 chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn các trường thực hiện tự kiểm định (tự đánh giá) chất lượng GDNN. Số lượng các trường trung cấp, cao đẳng thực hiện tự đánh giá và nộp báo cáo kết quả tự đánh giá chất lượng đều tăng hàng năm, tuy nhiên vẫn có tới khoảng 65% tổng số trường trên toàn quốc chưa thực hiện tự đánh giá chất lượng và nộp báo cáo về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 15/2017/TT- BLĐTBXH ngày 8/6/2017 quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đây là tiêu chuẩn chung đối với tất cả cơ sở GDNN và chương trình đào tạo thuộc quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là mặt bằng chung cần đạt tới đối với các cơ sở GDNN và chương trình đào tạo. Thông tư số 28/2017/TT-LĐTBXH ngày 15/12/2017 quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhằm tập trung xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng hiệu quả, từng bước nâng cao, đảm bảo chất lượng bên trong của các cơ sở GDNN.
+ Đối với việc đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế: tùy theo các trường, các chương trình đào đạo mà áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khác nhau để đánh giá. Tháng 3/2018, Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội đồng Anh mời chuyên gia Anh thí điểm đánh giá 02 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu) theo tiêu chuẩn OFSTED của Anh. Kết quả: cả 2 trường đều đạt kết quả Tốt, trong đó yếu tố hiệu quả của hoạt động lãnh đạo và quản lý được chuyên gia đánh giá đạt kết quả Xuất sắc.
Nhìn chung, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN có bước chuyển biến tích cực; đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, do vậy đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài; số lượng cơ sở dạy nghề được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng tăng lên qua các năm; lao động Việt Nam đã giành nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới.
2. Việc đánh giá kết quả giáo dục nghề nghiệp
Năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm). Giáo dục nghề nghiệp đã đi dần vào cuộc sống sau một năm chính thức thuộc Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước; công tác tuyên truyền năng động, thiết thực và đa dạng hơn về hình thức và cách tổ chức tạo sự lan tỏa rộng lớn hơn vai trò, ví trị quan trọng của GDNN trong nhân dân, toàn xã hội và học sinh, sinh viên; kết quả công tác tuyển sinh theo Luật GDNN, năm 2017 đã đạt trên 100% kế hoạch tuyển sinh của năm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật GDNN đã cơ bản đầy đủ để tạo hành lang pháp lý cho các Trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo các cấp trình độ của GDNN đạt chất lượng cao. Các điều kiện dảm bảo để nhằm nâng cao chất lượng GDNN được quan tâm, chỉ đạo sát sao, đồng bộ và kịp thời. Bộ đã thực hiện mọi giải pháp ưu tiên nhất để thực hiện hiện Luật GDNN từ khi Luật có hiệu lực.
Nhìn chung, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN có bước chuyển biến tích cực; đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, do vậy đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài; số lượng cơ sở dạy nghề được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng tăng lên qua các năm; lao động Việt Nam đã giành nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới.
3. Việc đánh giá việc đổi mới phương thức tuyển sinh cao đẳng, trung cấp
Từ khi Luật Dạy nghề có hiệu lực việc tuyển sinh các cấp trình độ của dạy nghề được thực hiện liên tục trong năm và thực hiện theo đăng ký hoạt động dạy nghề đã được phê duyệt.
- Năm 2017 là năm đầu tiên tuyển sinh theo Luật GDNN, cũng là năm đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thống nhất quản lý nhà nước về GDNN (trừ các trường trung cấp và cao đẳng sư phạm). Ngày 02/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH Quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp. Thông tư áp dụng cho các trường cao đẳng, trường trung cấp và trường đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
Điểm nổi bật của Thông tư là giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh học nghề, đơn giản hóa thủ tục; trong đó quy định rõ các trường tự xây dựng Quy chế tuyển sinh của trường mình, hàng năm không phải xây dựng Đề án tuyển sinh, các trường được phép tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được cấp, được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm; đây là những điểm mới, mở và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinhvà cho người học.
- Công tác tuyển sinh diễn ra theo chiều hướng tốt thuận lợi cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, vì nhận thức của toàn xã hội và người dân, bản thân học sinh, sinh viên đã thay đổi nhiều về việc học các cấp trình độ của GDNN có nhiều ưu thế: Đào tạo với thời gian ngắn,chi phí thấp phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều đối tượng, thời gian thực hành nhiều, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cơ hội việc làm cao, sớm ổn định cuộc sống...chương trình đào tạo được xây dựng theo các tiêu chuẩn của vị trí việc làm...
4. Việc đổi mới nội dung giáo dục nghề nghiệp
Ngay từ khi Luật GDNN có hiệu lực, đã có các văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành quản lý ngành dọc, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường thực hiện việc thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp toàn diện, coi GDNN là khâu đột phá trong giai đoạn 2018 - 2020:
Đã xây dựng Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp 2,4,6 là đột phá. Cụ thể: (1). Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; (2). Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; (3). Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (4). Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; (5). Tăng cường quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp;(6). Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội; (7). Phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động; (8). Tăng cường công tác truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đến nay, Đề án đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mặc dù chưa được Thủ tướng phê duyệt nhưng Bộ đã chỉ đạo và vận hành hệ thống GDNN theo các giải pháp này, nhằm tăng nhanh tốc độ tháo gỡ kịp thời những bất cập lâu nay của hệ thống dạy nghề trước kia và GDNN hiện mới đang dần đi vào cuộc sống và hội nhập.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội và nỗ lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, giáo dục nghề nghiệp đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả GDNN. Hầu hết, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, cách thức thi, đánh giá kết qủa học tập chuyển từ tập trung trang bị truyền thụ kiến thức một chiều, sang chú trọng phát hiện, bồi dưỡng năng lực, phẩm chất của học sinh, sinh viên phù hợp với từng ngành nghề, góp phần đáng kể trong việc cung ứng nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp và người sử dụng lao động./.
Thanh Lâm-Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp