Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 7/11/2012 10:40'(GMT+7)

Khắc ghi những mốc son của tình hữu nghị Việt-Nga

Có thể điểm lại nhiều dấu mốc thời gian và kể lại vô số tấm gương tiêu biểu, muôn vàn hành động cụ thể của rất, rất nhiều người ở cả hai nước đã góp phần nuôi dưỡng, đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống vượt qua nhiều thăng trầm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thấm đậm trong mọi tầng lớp xã hội, từ già đến trẻ.

Những “hạt nhân," những người bền bỉ điển hình nhất trong các hoạt động vun đắp tình cảm sâu nặng Việt-Xô, Việt-Nga có lẽ chính là những cán bộ, những thành viên cốt cán của hội hữu nghị hai nước.

Là người học tập và công tác ở Liên Xô/Liên bang Nga khá nhiều năm trong những thời kỳ khác nhau, tôi đã được tham dự nhiều hoạt động của Hội Hữu nghị Xô-Việt, Hội Hữu nghị Nga-Việt, được chứng kiến và hiểu rõ những tình cảm, suy nghĩ, những việc làm của cán bộ lãnh đạo Hội cũng như những hội viên bình thường nhằm không ngừng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước.

Dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Hội Hữu nghị Xô-Việt (Nga-Việt) trong năm 2008 là một ví dụ.

Hội Hữu nghị Xô-Việt ra đời ngày 31/7/1958 tại thủ đô Mátxcơva và suốt thời gian hoạt động của mình đã có đóng góp hết sức to lớn vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác Xô-Việt.

Sau khi Liên Xô tan rã, Hội Hữu nghị với Việt Nam của Liên bang Nga sớm được tái lập và từng bước được củng cố, triển khai hoạt động phong phú. Ngày 23/8/2007, Hội hữu nghị Nga-Việt chính thức ra đời và tiến sỹ Vlađimia Petrovic Buianốp, Giám đốc Học viện Kinh tế và Luật pháp Mátxcơva, được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Hội.

Hội Hữu nghị Nga-Việt đã quyết định tổ chức những hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Xô-Việt trong năm 2008, coi đây là một công tác quan trọng hàng đầu của Hội.

Nhiều chương trình, biện pháp rất đa dạng được lãnh đạo Hội đề ra, trong đó có kế hoạch xuất bản cuốn sách “Liên Xô/Nga – Việt Nam: Tình hữu nghị được thời gian kiểm nghiệm, 1958-2008.”

Ý tưởng cơ bản là cuốn sách phải được in ấn đẹp, có nhiều tư liệu quý, nhiều hình ảnh đáng ghi nhớ khắc họa chặng đường hình thành, phát triển và hoạt động nửa Thế kỷ của Hội Hữu nghị cũng như những mốc lịch sử trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Một Hội đồng biên tập được thành lập, gồm Chủ tịch Ban Chấp hành Hội V. Buianov, Chủ tịch danh dự của Hội E. Gladunốp, Anh hùng phi công vũ trụ V. Gorơbátcô, nguyên Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam B. Saplin, tiến sỹ sử học E. Côbêlép, Thiếu tướng A. Pôdơđêép, cựu chiến binh, cựu chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam...

Thiếu tướng Pôdơđêép được phân công làm thư ký thường trực của Hội đồng biên tập, do đó ông là người thường xuyên liên hệ với tôi trong quá trình biên soạn cuốn sách.

Dịp đó tôi đang làm Trưởng cơ quan đại diện thường trú của TTXVN tại Mátxcơva nên lãnh đạo Hội Hữu nghị Nga-Việt mời tham gia một số công việc liên quan việc xuất bản sách. Tôi chủ yếu lựa chọn, tìm kiếm một số ảnh do cá nhân tôi chụp hoặc điện về nước xin ảnh tư liệu của cơ quan để chuyển cho hội đồng biên tập. Ngoài ra, hội đồng cũng nhờ tôi đọc một phần bản thảo để góp ý, chỉnh sửa cho chính xác những phần liên quan đến Việt Nam.

Chỉ với phần công việc nho nhỏ thế thôi nhưng qua đó tôi đã có rất nhiều buổi làm việc, liên hệ, trao đổi với các vị lãnh đạo Hội Hữu nghị Nga-Việt và Hội đồng biên tập sách.

Ngay khi các nhóm biên soạn ngồi lại với nhau buổi đầu tiên, ai cũng thấy là trong biên niên sử 50 năm của Hội Hữu nghị Xô-Việt/Nga-Việt có vô vàn sự kiện và sự kiện nào cũng đáng tự hào, trân trọng.

Chủ tịch danh dự của Hội, ông E. Gladunốp, một người thành thạo tiếng Việt, đã từng công tác tại Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nhiều năm làm Chủ tịch Hội, cũng như đương kim Chủ tịch Hội V. Buianốp và các vị khác đều rất xúc động khi nhắc lại từng sự kiện, xem lại từng bức ảnh, trong đó không ít ảnh là ảnh đen trắng của một thời gian khó...

Có một điều dường như là mâu thuẫn về nghiệp vụ: tư liệu, chất liệu quá nhiều nhưng khuôn khổ cuốn sách có hạn, chỉ vào khoảng 200 trang khổ giấy A4. Thành ra Hội đồng biên tập phải làm việc rất kỹ lưỡng, chọn lựa một cách thật tiêu biểu để mỗi trang và toàn bộ cuốn sách phản ánh được thực tế sinh động, cho thấy tầm vóc và ý nghĩa của những hoạt động hợp tác, hữu nghị trong chặng đường đã qua...

Có những hôm đã khuya nhưng Thiếu tướng cựu chiến binh A. Pôdơđêép vẫn gọi điện cho tôi để chia sẻ tâm sự của ông về kỷ niệm này, sự kiện khác mà ông vừa nhớ lại, ôn lại khi xem bài, ảnh được tập hợp để biên soạn sách.

Các cán bộ của Hội Hữu nghị Nga-Việt luôn luôn nhấn mạnh một điều: Hội có tuổi nửa thế kỷ, nhưng lịch sử quan hệ Nga-Việt thì có bề dày lịch sử gấp ba lần chặng đường đó.

Về phía Nga, ngay từ hồi tháng 3/1891, Nicôlai Rômanốp, lúc đó là Thái tử kế vị ngai vàng, đã đặt chân lên Sài Gòn. Khoảng giữa Thế kỷ 19, các nhà văn Nga Cônxtantin Xtaniucôvích và Vxevôlốt Crextốpxki cũng đã có mặt tại Việt Nam...

Các bạn Nga khẳng định những năm tháng hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam ở Liên Xô trong những năm 20, 30 của Thế kỷ 20; sự tham gia của các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ Mátxcơva mùa Thu năm 1941; Chiến thắng của Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại; thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam; việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hồi tháng 1/1950... là những nhân tố, những mốc lịch sử chói lọi đưa qua hệ hữu nghị Xô-Việt/Nga-Việt đi vào giai đoạn phát triển mới.

Phải nói là công tác biên soạn cuốn sách “Tình hữu nghị được thời gian kiểm nghiệm...” đã giúp các cán bộ Hội Hữu nghị Nga-Việt, và một phần nào đó là giúp cho người viết bài này, có cơ hội để hệ thống hóa, tập hợp lại, tìm kiếm, sưu tập được những tư liệu mới về quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc và về những hoạt động phong phú, từ nhỏ đến lớn, từ cơ sở đến cấp trung ương của các tổ chức hữu nghị ở Liên bang Nga, trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc trên đất nước bạn...

Thật cảm động chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Buianốp, các tướng lĩnh quân đội Xô-viết đã từng trực tiếp giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống ngoại xâm, các nhà Việt Nam học, các chuyên gia văn hóa, lịch sử, các cán bộ cốt cán của Hội Hữu nghị... rạng ngời hạnh phúc, vui sướng và tự hào khi cầm trong tay cuốn sách còn thơm mùi mực.

Cuốn sách là cả một công trình, là tâm huyết, là trí tuệ của bao con người. Hơn hết, cuốn sách quý chính là tấm bia ghi khắc những mốc vàng, những tên người, tên đất, những con số biết nói... về quan hệ hữu nghị anh em thắm thiết, về sự hợp tác đầy hiệu quả Xô-Việt/Nga-Việt trên tất cả các lĩnh vực. Tấm bia đó phải vững bền cho cả những thế hệ tương lai./.


Bài viết này trích trong Tập san Bạch Dương số đặc biệt Kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2012) của Hội Hữu nghị Việt-Nga với sự chấp thuận của Ban biên tập.


Nguyễn Đăng Phát (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất