Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 5/11/2012 21:50'(GMT+7)

Làng nghề trong cơ chế thị trường: Hai mặt của một vấn đề

Một cửa hàng gốm ở Bát Tràng. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Một cửa hàng gốm ở Bát Tràng. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Trong những năm gần đây, một điều dễ nhận thấy ở đa số các làng nghề truyền thống là đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì môi trường sinh thái lại ngày càng xuống cấp. Một thực trạng nữa là nhiều sản phẩm truyền thống đang dần nhường chỗ cho các mặt hàng thị trường kém chất lượng, lai tạp... điều đó tất yếu dẫn đến hệ luỵ là uy tín, hình ảnh mang tầm "thương hiệu" của nhiều làng nghề đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù đã được bàn thảo nhiều và thậm chí đưa lên tầm "nghị sự" của quốc gia, nhưng vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giữ gìn nét đẹp môi trường, văn hóa... vẫn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức và chưa tìm được lời giải thích đáng.

Đến thăm làng gốm Bát Tràng, hình ảnh trực diện mà bất cứ ai đến đây cũng nhận ra là sự phát triển khang trang của một "phố làng". Làng Bát Tràng giờ giống như một thị trấn sầm uất, thật khó để tìm ra những dấu vết của làng quê với tường gạch, vết than của những lò nung gốm, con đường lát gạch ghập ghềnh... Hầu hết các hộ dân còn làm nghề ở đây giờ đã chuyển sang nung sản phẩm bằng lò ga. Đường "phố làng" giờ đã được mở rộng "nhựa hoá" "bê tông hoá", không còn thấy bóng dáng của xe kéo, xe thồ như trước đây... Nhà cao tầng, cửa hiệu sang trọng thay thế hầu hết những "nét xưa cũ" của một làng nghề; các mặt hàng vô cùng phong phú, từ giả cổ, hàng Trung Quốc hoặc hàng nhái theo mẫu mã Trung Quốc, hàng gốm của các nơi khác, hàng mĩ nghệ nửa sáng tác... thế nhưng muốn tìm một sản phẩm "đặc trưng" thế mạnh của Bát Tràng thì lại không dễ. Khách đến với Bát Tràng bây giờ dễ dàng tìm mua được một bức tranh gốm giống như ở Phù Lãng, một bức tượng Chí Phèo Thị Nở, lọ hoa sơn mài, hay một chiếc bình theo phong cách Trung Quốc... nhưng nếu muốn tìm mua sản phẩm "đích thực" của gốm truyền thống Bát Tràng thì "đỏ mắt kiếm tìm" cũng khó thấy, mà có thấy thì cũng chưa chắc đã là "chính hãng"! Dường như chỉ còn tìm thấy những gì là của Bát Tràng trong Nhà lưu niệm của làng; muốn ngắm nhìn và tìm hiểu một chiếc bàn xoay thủ công cũng chỉ có thể tìm gặp trong các cửa hàng phục vụ khách du lịch hoặc "dịch vụ" giải trí dành cho thanh niên, sinh viên. Một điều băn khoăn nữa đối với những người còn đam mê gốm Bát Tràng, đó là tất cả các cửa hàng đều bán những mặt hàng "na ná, hao hao" giống nhau, dù mẫu mã khá bắt mắt nhưng chất lượng thì không được đảm bảo...

Giống với Bát Tràng, làng gốm Phù Lãng cũng đang gặp phải những "mâu thuẫn nội tại" trong quá trình "loay hoay" tìm lời giải cho vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, so với Bát Tràng, Phù Lãng nằm cách xa trung tâm Hà Nội nên những mặt trái của đời sống đô thị và kinh tế thị trường chưa ảnh hưởng quá lớn đến những "giá trị gốc" ở đây. Làng nghề Phù Lãng vẫn còn giữ được vẻ thanh bình, mộc mạc của một vùng quê với nhiều nét truyền thống; kĩ thuật và nguyên vật liệu vẫn còn được bảo tồn, phát huy trong quá trình sản xuất. Mặc dù thời gian gần đây, làng gốm Phù Lãng đã có một số gia đình chuyển đổi sang sản xuất những mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu thị trường Hà Nội, nhưng nhiều hộ dân vẫn giữ gìn và sản xuất chủ yếu những sản phẩm truyền thống (quách, ống nước, chum, vại, niêu, bình, lọ...). Những sản phẩm mới (bình trang trí, tranh gốm…) được một số sinh viên tốt nghiệp ở các trường nghệ thuật hoặc các họa sĩ, nhà điêu khắc sản xuất với thương hiệu "Gốm Phù Lãng" đã phần nào giúp tăng thu nhập kinh tế cho một số hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm trước, hiện nay các sản phẩm "phi truyền thống" này cũng đã bắt đầu bão hòa.

Phải khẳng định rằng, sản phẩm truyền thống đã nuôi sống người làm nghề từ bao đời nay không phải là đã "hết thời" không còn chỗ đứng trong cơ chế thị trường, trái lại vẫn đang từng bước khẳng định được vị thế và thương hiệu của nó. Tuy nhiên làm hàng truyền thống sẽ vất vả, đòi hỏi tốn công sức hơn, "chân lấm tay bùn", "đầu tắt mặt tối" mà thu nhập kinh tế lại không cao, trong khi đó sản xuất hàng theo thị trường sẽ nhanh hơn, giá thành công sức bỏ ra thấp hơn... Đó là hai mặt của một vấn đề, mà tìm cách giải quyết cho thoả đáng, thì vẫn phải là sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm hơn nữa của những nhà quản lý, của làng nghề và bản thân mỗi người làm nghề.

Một "mâu thuẫn" nữa mà những nhà quản lý từ vi mô đến vĩ mô đã đưa ra bàn thảo ở rất nhiều các hội nghị, hội thảo, đó là đằng sau sự phát triển về kinh tế, về cơ sở hạ tầng, về nâng cao chất lượng mức sống người dân... kéo theo đó là ô nhiễm môi trường cũng tăng lên đến mức báo động; cùng với những tiện lợi do nền kinh tế thị trường và cuộc sống đô thị mang lại là những mặt trái, mặt tiêu cực, lối sống thực dụng, tất cả vì lợi nhuận... đang ồ ạt xâm nhập, làm bộ mặt các làng nghề ngày một phôi phai và có nguy cơ mất đi những giá trị truyền thống đích thực...

Thực tế ở nhiều làng nghề truyền thống hiện nay là sự phát triển ồ ạt "mạnh ai nấy làm", thiếu định hướng, chạy theo lợi nhuận kinh tế trước mắt mà không chú trọng tới những vấn đề mang tính chiều sâu như bảo tồn, phát huy thương hiệu, giá trị bản sắc cũng như chất lượng, uy tín sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ chế và sự buông lỏng quản lí "nói và làm chưa đi đôi", hệ thống luật và các văn bản bản quy định chưa được chặt chẽ, chưa thực sự sát với đời sống, sinh kế của người làm nghề… khiến cho nhiều làng nghề trong những năm gần đây lâm vào tình trạng “trăm hoa đua nở mà hoa nào cũng... dở”. Có những làng nghề vì không có điều kiện phát triển, vì cuộc mưu sinh trước mắt mà không thể quan tâm đến những vấn đề "bảo tồn mang tầm chiến lược" nên đã và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Có thể "điểm danh" một số vấn đề đang là những "mâu thuẫn cơ bản" đối với đa số làng nghề truyền thống ở nước ta hiện nay là: Phát triển không đi đôi với bảo tồn (trước đây thì ngược lại, chú trọng bảo tồn mà không coi trọng đổi mới); các mặt hàng mới, các phương tiện kĩ thuật hiện đại nhanh chóng được áp dụng vào quá trình sản xuất khiến những thế hệ làm nghề sau này không biết hoặc không chú ý tới những phương pháp truyền thống...

Các doanh nghiệp phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, một sản phẩm làm ra thu hút được được thị hiếu nhất thời của thị trường thì ngay lập tức được nhiều nơi làm theo, ở đâu cũng thấy những mẫu mã "hao hao" như nhau. Vấn đề bản quyền cho các sản phẩm làng nghề dường như chưa được quan tâm, vì chưa thấy tổ chức, cá nhân nào bị phạt vì "bắt chước" "nhái" mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng sản phẩm..

Hệ thống luật và những quy định, chế tài liên quan đến bản quyền, thương hiệu dường như còn khá "xa lạ, mới mẻ" với đa số người làng nghề, thậm chí cả với chính quyền địa phương...

Vấn đề đặt ra là bảo tồn, phát triển như thế nào để vẫn giữ được truyền thống mà không bị tụt hậu và theo kịp được sự phát triển chung. Điều này đòi hỏi quá trình thực hiện phải có những lộ trình và cách làm khoa học; cần có những biện pháp giải quyết tổng thể và xác định được những yếu tố then chốt. Trước mắt, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, coi trọng hơn nữa công tác quản lí, đây chính là khâu then chốt trong quá trình phát triển hài hoà giữa bảo tồn và phát triển làng nghề. Quản lí tốt sẽ có tầm nhìn, có khả năng bao quát để đưa ra những điều chỉnh phù hợp: thế mạnh nào cần duy trì, tập trung phát triển, những mặt nào cần phải hạn chế hoặc tạm ngừng hoạt động. Qua đó sẽ tập hợp được mọi nguồn lực trong cộng đồng làm nghề, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho quá trình phát triển mà vẫn đảm bảo được bản sắc, đặc trưng của làng nghề.

Thứ hai, tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền, để mỗi làng nghề và mỗi người làm nghề hiểu được vấn đề bảo tồn và phát triển phải được coi trọng như nhau, không thể bảo tồn nếu không có đổi mới, phát triển và ngược lại, bỏ quên truyền thống sẽ không thể phát triển bền vững.

Thứ ba, tạo điều kiện cho việc giữ gìn, bảo tồn những yếu tố truyền thống. Khuyến khích và tôn vinh những giá trị cổ truyền, truy tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng, hỗ trợ để nâng cao cuộc sống và điều kiện làm việc; xây dựng hệ thống bảo tàng phù hợp với từng địa phương để lưu giữ những sản phẩm truyền thống; tổ chức các cuộc thi để qua đó khích lệ và biểu dương những người làm nghề truyền thống giỏi.

Thứ tư, hoàn thiện, thể chế hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những nội dung này một cách cụ thể, khoa học. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân ý thức chấp hành và tôn trọng những quy định liên quan đến bảo tồn và phát huy huy nghề truyền thống, đảm bảo những nguyên tắc về môi trường cũng như những vấn đề liên quan đến thương hiệu, bản quyền, chất lượng sản phẩm...

Thứ năm, tăng cường nâng cao chất lượng về trình độ chuyên môn cũng như văn hoá quản lý của đội ngũ những người làm công tác này ở địa phương - nơi có làng nghề.../.

Họa sĩ  Vũ Tuấn Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất