Với hơn 6 vạn người đến tham quan, trải nghiệm trong tuần đầu hoạt động,
không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận bước đầu đã đáp
ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách. Nhưng cũng vì
lượng khách đến quá đông, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã nảy
sinh nhiều bất cập mà các cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết.
Chấn chỉnh tình trạng lộn xộn
Ghi
nhận trong những ngày hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn
Kiếm và vùng phụ cận là tình trạng ngang nhiên bán hàng rong, quà vặt,
đồ lưu niệm, bóng bay trong các tuyến phố đi bộ. Điển hình như tối 2/9,
chỉ một đoạn đường từ cây lộc vừng chín gốc đến cổng đền Ngọc Sơn có đến
vài chục người bán hàng rong mời chào khách.
Dù là không gian
đi bộ nhưng khu vực này vẫn còn tình trạng trượt patin, đi xe đạp điện,
xe máy điện ảnh hưởng đến an toàn cho người đi bộ.
Ngoài ra, rác
thải ngập tràn ở nhiều nơi, nhất là khu vực trước cửa hàng kem Thủy Tạ
và kem Tràng Tiền, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến không gian công cộng.
Cho dù Công ty vệ sinh môi trường đô thị đã lắp đặt thêm 50 thùng rác
inox trên các tuyến phố, bố trí hàng trăm công nhân duy trì vệ sinh môi
trường nhưng vẫn ngổn ngang rác thải.
Chị Trần Thị Thanh Hoa,
trú tại phố Nguyễn An Ninh, phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) sau
khi dạo chơi các tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã phàn nàn: “Khi
đã xây dựng không gian đi bộ, các cơ quan chức năng cần phải chú ý đến
vệ sinh môi trường, người dân cần ý thức giữ cho đường phố sạch sẽ. Thực
tế, người vừa đông, đường xá vừa nhếch nhác thì không thể tạo ấn tượng
tốt cho du khách được”.
Bên cạnh đó, một số hoạt động văn hóa tự
phát bật loa quá to, một số điểm trông xe tự phát thu phí trông giữ quá
quy định (như điểm số 38 – 40 phố Hai Bà Trưng, Cầu Gỗ, Hàng Gai…) cũng
gây bức xúc cho người dân và khách tham quan.
Thừa nhận sự lộn
xộn xảy ra tại khu vực tuyến phố đi bộ, ông Đinh Hồng Phong - Phó Chủ
tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, một số chốt trực còn buông lỏng quản
lý ở một vài thời điểm, do vậy các phương tiện và người bán hàng rong cố
tình đi vào khu vực; tại một số tuyến phố ngách, những khu vực có dải
phân cách mềm cũng có tình trạng lợi dụng đi vào. Trong khi đó, lực
lượng gìn giữ trật tự bên trong còn mỏng, không thể kiểm soát hết được.
Cũng
vì tình trạng bán hàng rong nên rác thải càng nhiều, các tuyến phố càng
nhếch nhác. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban quản lý khu vực hồ Hoàn
Kiếm nhận trách nhiệm chưa làm tốt việc quản lý bán hàng rong, đồng thời
đề xuất quận Hoàn Kiếm tăng cường thêm 30 người phối hợp thực hiện công
việc này.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nhất trí điều 30 tự quản ở 18
phường trên địa bàn quận đảm nhiệm công việc trong thời gian hoạt động
của các tuyến phố đi bộ đồng thời yêu cầu các chốt trực tăng cường kiểm
soát, không để tình trạng bán hàng rong.
Đối với công tác vệ sinh
môi trường, trong những ngày tới, Công ty môi trường đô thị Hà Nội tăng
cường lực lượng thu gom rác và lắp đặt thêm 30 thùng rác tại những vị
trí phù hợp, không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan. Quận Hoàn Kiếm cũng đề
nghị Thành đoàn Hà Nội vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia
nhặt rác, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường trong không gian đi bộ.
Tạo thêm các điểm nhấn cho không gian phố đi bộ
Trong
thời gian tổ chức không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Văn
hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền
thống và đương đại, trò chơi dân gian, triển lãm ảnh, viết thư pháp, vẽ
tranh ký họa, nặn tò he, giới thiệu sách phục vụ du khách tại các điểm
như: khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, khu vực đối diện đền Bà Kiệu,
Trấn Ba – di tích đền Ngọc Sơn, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung
tâm văn hóa Hồ Gươm, đền vua Lê Thái Tổ… nhưng các hoạt động này chủ
yếu mới diễn ra ban đêm.
Thời gian ban ngày chưa có nhiều hoạt
động, mới tập trung vào triển lãm tranh ảnh khu vực tháp Hòa Phong, khu
vực đối diện tượng đài vua Lê Thái Tổ và tại nhà triển lãm Đinh Tiên
Hoàng. Mặc dù lượng khách tham quan ban ngày chỉ khoảng 3.000 – 5.000
người nhưng do không có hoạt động hấp dẫn nên lượng khách không thể đông
hơn.
Trước thực tế này, sắp tới quận Hoàn Kiếm cùng Sở Văn hóa
và Thể thao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội tăng cường hoạt
động văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu bổ sung các hoạt động vào ban ngày
để phục vụ nhân dân và du khách.
Ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám
đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Hàng tuần, Sở sẽ xây dựng kế
hoạch biểu diễn các hoạt động văn hóa nghệ thuật riêng, tạo sự phong
phú, hấp dẫn. Ngoài các điểm tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, những
ngày này có thêm sự tham gia của một số nghệ sỹ đến từ nước Nga biểu
diễn cà kheo, thổi bong bóng, ảo thuật.
Tất cả các hoạt động tổ
chức trong không gian đi bộ đang được sự hỗ trợ của thành phố nhưng chủ
trương sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Ông Trần Quốc Chiêm cũng
cho biết, vào các buổi ban ngày có thể mời các nghệ sỹ tự do đến đánh
ghi ta, thổi sáo, chơi đàn ác-cooc-đê-ông… trên cơ sở các nghệ sỹ phải
được kiểm tra trình độ chuyên môn. Đồng thời, Sở sẽ nghiên cứu tổ chức
nhiều hoạt động khác.
Trước tình trạng số lượng truy cập wifi
miễn phí khu vực không gian đi bộ lớn hơn rất nhiều so với khả năng cung
cấp, gây ra hiện tượng như nghẽn mạng, ảnh hưởng tới chất lượng cung
cấp dịch vụ cho du khách và người dân, trong thời gian tới, Sở Du lịch
phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Tổng công ty
Vinaphone tăng từ 22 vị trí lắp đặt trạm phát wifi lên 31 vị trí, tăng
từ 27 máy phát wifi lên 44 máy, tăng độ phủ sóng phục vụ nhân dân và du
khách.
Quận Hoàn Kiếm và các cơ quan liên quan đánh giá, sau tuần
đầu triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng
phụ cận, bắt đầu từ tuần tới sẽ chứng minh được tính hiệu quả của hoạt
động này bởi đã qua kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, người dân cũng không còn sự
háo hức ban đầu, không gian đi bộ sẽ bộc lộ những ưu điểm và những vấn
đề tồn tại thực chất. Các cơ quan chức năng của thành phố cần nhanh
chóng khắc phục để không gian đi bộ ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn.
Đinh Thị Thuận (TTXVN)