Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 3/9/2016 22:22'(GMT+7)

Văn hóa trong không gian phố đi bộ

Chơi "kéo co" trên phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Lê Đông Hà)

Chơi "kéo co" trên phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Lê Đông Hà)

Những ngày đầu mở rộng không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (gọi tắt là phố đi bộ) của UBND TP Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân Thủ đô. Mấy ngày qua, trên nhiều trang web giới thiệu du lịch nổi tiếng thế giới như: Tripadvisor, Lonelyplanet, Priceline hay Agoda đều đã nhất loạt đưa tin và cập nhật nhiều thông tin về phố đi bộ ở Hà Nội. Bên cạnh đó, trên các diễn đàn mạng xã hội và cả từ những ý kiến trực tiếp của người dân đều cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực...

Nhiều lợi ích từ phố đi bộ

Về cơ bản, phố đi bộ không phải là điều gì mới mẻ ở những thành phố du lịch. Bởi người ta nhận rõ nhiều lợi ích từ những tuyến phố này như giảm bớt tiếng ồn, lưu lượng giao thông, tạo không gian vui chơi giải trí hấp dẫn du khách.

Mấy năm gần đây, sức tăng trưởng của du lịch Hà Nội ngày một trở nên mạnh mẽ. Đơn cử như trong kế hoạch, du lịch Hà Nội dự tính phấn đấu thu khoảng 60 nghìn tỷ đồng trong năm 2016, song mới hết 6 tháng đầu năm nay chỉ tiêu đó đã hoàn thành. Về bề nổi thì khách du lịch không chỉ bỏ tiền ra lưu trú dài hạn hơn mà những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội đã hấp dẫn bè bạn quốc tế. Đó phải kể đến những tua du lịch ngắn quanh Hà Nội và một số địa phương lân cận; rồi những tua du lịch ẩm thực; khám phá văn hóa tâm linh. Đến giờ, không gian phố đi bộ được mở rộng, giới hạn thời gian vui chơi cũng được nới dài. Đó thật là những cú hích mạnh mẽ cho du lịch Thủ đô. 

Cái lợi đối với người dân là rất rõ. Đó là có thêm không gian rèn luyện “văn hóa đi bộ”, có thêm tụ điểm vui chơi giải trí, có thêm không gian cách ly khói bụi ô nhiễm thải ra từ nhiều phương tiện giao thông, và cả thêm cơ hội việc làm. “Văn hóa đi bộ” là điều khá thú vị mà người Việt Nam ta nói chung ít có dịp so sánh. Bởi phải đi sang nước khác mới có dịp nhìn rõ. Khác biệt thể hiện ở tốc độ đi bộ, quy tắc ứng xử, rồi thiết bị, thiết chế trong hoạt động đi bộ. Nhiều người sẽ nói làm gì rối rắm như vậy? Thực tế thì nó luôn phải vậy mà chúng ta ít để ý. Ví dụ như bước lên xe buýt, hoặc tàu điện ngầm, nếu anh không đi đúng làn sẽ bị dòng người đẩy bật lại lỡ chuyến. Anh xả rác bừa bãi trên phố sẽ bị phạt nặng. Thế mới có chuyện một thời người dân trong nước hay thắc mắc tại sao Việt kiều về nước hay đeo một cái túi đựng rác trước bụng. Cái túi rác đấy cũng là một “thiết chế” của “văn hóa đi bộ”. Hy vọng với phố đi bộ, ta sẽ sớm xây dựng được "văn hóa đi bộ" của người Việt.

Mấy đêm vừa qua lang thang trên phố đi bộ, tôi có cảm nhận là người Việt Nam mình cởi mở hòa đồng nhiều hơn trong các trò chơi chứ không e dè kín đáo trong giao tiếp như thường ngày. Có những trò chơi vốn chẳng có ai làm chủ trò như “ô ăn quan”, “nhảy dây” hay “nhảy lò cò” người dân và du khách hồn nhiên bày cho nhau chơi, ngay giữa lòng đường. “Kéo co” thì nhất định phải có trọng tài để phân định thắng thua, mỗi đầu sợi dây có vài chục người gồm cả trẻ con lẫn người lớn. Nói chung mọi trò đều rất thú vị.

Cần có thêm sắc màu cho phố đi bộ

Sắc màu ấy hiện đã có rồi, đó là rất nhiều chương trình trình diễn văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, trò chơi cộng đồng… tất cả đều khá hấp dẫn du khách. Một cặp vợ chồng già đến từ nước Đức còn phân tích với tôi thế này: “Cái phố đi bộ này thú vị ở chỗ giúp du khách được gặp, được giao tiếp với người địa phương nhiều hơn, đó là điều du khách cần. Hơn thế, nó còn giúp du khách tránh xa được tình trạng giao thông vốn rất tệ ở Hà Nội”.  Điều sau thì không phải nói, mọi du khách nước ngoài đều sung sướng được thả bước một cách thoải mái giữa lòng đường. Ông Y-an, vị khách người Đức, có một thắc mắc là không thấy những hàng quán bán ở khu vực này. Ông nói: “Nếu mà có những cửa hàng lưu niệm hay những cửa hàng giải khát nho nhỏ thì sẽ thêm sinh động cho không gian đi bộ”.

Thật vậy, cơ hội việc làm cho người dân địa phương ở những phố đi bộ này sẽ không nhỏ. Nhưng hiện tại, tất cả các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ đều bị cấm hoạt động ở không gian đi bộ này. Tôi đưa ra câu hỏi, tại sao phố đi bộ lại cấm người bán hàng rong, một người thuộc lực lượng chức năng cho biết, hiện tại khu vực phố đi bộ vẫn cấm bán hàng rong theo quy định của thành phố đối với các tuyến phố văn minh; hiện tại quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có đến lực lượng của 5 phường chuyên ngăn chặn hoạt động này. Bán hàng rong rõ ràng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm và thậm chí là nạn chặt chém gây phản cảm. Tuy vậy, theo thông lệ ở nhiều nơi, những tuyến phố đi bộ sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Có ý kiến cho rằng, Hà Nội cần phải tính đến việc tạo cơ hội việc làm cho người dân đang sinh sống ở khu vực này, nhưng bán hàng gì, những hàng gì được bày bán trong khu vực này cũng phải được các cơ quan chức năng xem xét, tính toán một cách cẩn trọng.  

Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông ở khoảng thời gian ban ngày. Hãy làm một so sánh với chính các tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ. Phải nói rằng, phố đi bộ trong khu vực chợ đêm phố cổ mở ra trong nhiều năm trước đã đi vào nền nếp. Vào thời gian cấm đường, người tham gia giao thông tự động chuyển hướng theo tuyến đường khác nhường chỗ cho phố đi bộ. Một phần do khu vực này có nhiều đường tránh, thứ hai nữa là thời gian hạn chế các phương tiện giao thông cũng chỉ khoảng 10 tiếng 1 ngày cuối tuần. Trong khi đó, không gian đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm mới mở ra dù đã được thông báo khá chi tiết nhưng vẫn gây xáo trộn vì khu vực này là tuyến phố chính, và thời gian hạn chế giao thông quá dài, lên đến 53 giờ liên tục. Nếu được, nên điều chỉnh thời gian phù hợp với phố đi bộ trong khu vực phố cổ nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở mức thấp nhất.

Nói chung ở thời điểm hiện tại, phố đi bộ vẫn trong thời gian thí điểm, chắc chắn UBND TP Hà Nội sẽ còn có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, hoàn cảnh của địa phương trong thời gian tới. Đến nay, điều ghi nhận được là phố đi bộ đang làm nức lòng nhân dân Thủ đô và du khách. Không gian đi bộ hứa hẹn sẽ là không gian văn hóa đa sắc màu để nhiều nét đẹp văn hóa được hội tụ và tỏa sáng./.

Phục vụ cho không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, UBND TP Hà Nội đã tổ chức 42 điểm trông giữ xe đạp, xe gắn máy, ô tô với tổng diện tích lên đến hơn 17 nghìn mét vuông, sức chứa 87 xe khách, 581 xe ô tô con, 2.751 xe đạp, xe gắn máy.  

Lê Đông Hà

(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất