Thứ Sáu, 20/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 13/3/2014 23:39'(GMT+7)

Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bùi Hồng Lĩnh (người ngồi thứ hai bên trái ảnh) cùng các đại biểu trò chuyện trong chương trình giao lưu.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bùi Hồng Lĩnh (người ngồi thứ hai bên trái ảnh) cùng các đại biểu trò chuyện trong chương trình giao lưu.

Tối 13/3, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504) đã tổ chức Chương trình giao lưu với chủ đề “Thông điệp xanh từ lòng đất Việt Nam”. 

Tham dự chương trình có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành trung ương; các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Chiến tranh đã qua, nhưng hậu quả mà nó để lại cho Việt Nam hết sức nặng nề. Người dân Việt Nam, trong đó đa phần là trẻ em vẫn bị thiệt mạng, chịu thương tật do bom mìn sót lại.

Phát biểu tại chương trình giao lưu “Thông điệp xanh từ lòng đất Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những năm qua, Việt Nam đã huy động nguồn nhân lực, vật lực to lớn phục vụ công tác rà phá bom mìn, trong đó lực lượng quân đội là lực lượng chủ chốt. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong thời bình, các anh vẫn tiếp tục đóng góp mồ hôi, thậm chí cả xương máu của mình để rà phá bom mìn, mang đến bình yên cho nhân dân.

Theo Ban Chỉ đạo 504, hiện có 7.645/8.686 xã tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước bị ô nhiễm bom mìn, tổng diện tích bị ô nhiễm là 6,6 triệu ha, chiếm 20,12% diện tích cả nước. Với khoảng 800 nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, để hoàn thành việc rà phá, Việt Nam cần nguồn kinh phí hàng chục tỷ USD, với thời gian khoảng 300 năm. Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 100 nghìn nạn nhân bom mìn, trong đó có hơn 40 nghìn người chết, hơn 60 nghìn người bị thương. Hằng năm, Nhà nước phải chi khoảng 2.000 tỷ đồng ngân sách cho công tác rà phá bom mìn, hàng trăm tỷ đồng cho công tác cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tái định cư cho nạn nhân bom mìn. 
 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hợp tác cùng các ban, ngành, địa phương của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã kêu gọi các tầng lớp, cộng đồng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia, hưởng ứng, cổ vũ nhằm góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận và sự thân thiện của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng cần nhận được sự hợp tác tích cực, sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước cũng như bạn bè quốc tế để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Thông qua chương trình giao lưu “Thông điệp xanh từ lòng đất Việt Nam”, khán giả đã được gặp gỡ, trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Thái Hòa, Trường tiểu học Hồng Trung (tỉnh Quảng Trị); Thượng tá Nguyễn Văn Cốc, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 229, Bộ Tư lệnh Công binh; ông Richard, Giám đốc Tổ chức APOPO của Bỉ…, được nghe những câu chuyện về sự nguy hiểm, hậu quả nặng nề do bom mìn, vật liệu nổ gây ra cho con người Các nhân chứng cũng đã chia sẻ về sự vất vả, khó khăn, nguy hiểm, sự hy sinh cũng như những thành tích, kết quả rà phá bom mìn, vật nổ trong thời gian qua; công tác giáo dục phòng tránh bom mìn trong trường học; những kinh nghiệm trong việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở một số nước.

Tại buổi giao lưu, Ban tổ chức đã tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho chương trình rà phá bom mìn tại Việt Nam.

Có thể nói, chương trình giao lưu là một hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, cổ vũ, động viên các thành phần xã hội chung tay dọn sạch bom mìn và hỗ trợ nạn nhân do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Đây còn là một sự kiện quan trọng nhằm tiếp tục tạo sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở nước ta.

Bảo Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất