(TG)-Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt
với khó khăn của phát triển bền vững trong thời gian tới kể cả về kinh
tế và môi trường. Những thách thức này đến từ biến đổi khí hậu (BĐKH),
cách quản lý tài nguyên nước của các quốc gia ở thượng nguồn, vấn đề
quản lý Nhà nước “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp”…
Ngày 26/9 tại TP. Cà Mau, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phó Thủ tướng nhận định ĐBSCL đang đối mặt với khó khăn của phát triển bền vững trong thời gian tới kể cả về kinh tế và môi trường. Những thách thức này đến từ biến đổi khí hậu (BĐKH), cách quản lý tài nguyên nước của các quốc gia ở thượng nguồn, vấn đề quản lý Nhà nước “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp”…
“Thách thức này không phải cực đoan, nhất thời mà có tính bản chất, mức độ nghiêm trọng tác động sâu sắc tới sản xuất, đời sống, môi trường, trật tự an toàn xã hội của vùng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Từ các nhận định và kiến giải của các nhà khoa học, nhà quản lý, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh thách thức thì vẫn có cơ hội để phát triển. Cần bình tĩnh, không hoang mang vì người dân có truyền thống thích ứng với tự nhiên, có sự quan tâm của cả nước và giúp đỡ của quốc tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không chủ quan và cần tính tới cả tình huống xấu nhất. Bởi nếu 3 vấn đề nước biển dâng, lũ về ít và muộn, sụt lún nền đất xảy ra cùng lúc thì có thể xóa sổ nỗ lực của ta khi không tính đến tình huống xấu nhất”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật kịch bản BĐKH, có tính tới cả cấp huyện và tích hợp kịch bản này vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm, đặt trong tái cơ cấu nền nông nghiệp để thích ứng, ứng phó với tác động tiêu cực của BĐKH.
Việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội phải đồng bộ, phát huy vai trò của các bộ, ngành, địa phương và dựa vào cộng đồng dân cư; thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tạo ra các cây, con thích ứng với hạn, mặn. Đối với các công trình kiểm soát mặn và trữ ngọt, Phó Thủ tướng cho rằng không thể không làm vì liên quan tới kiểm soát, bảo đảm trữ ngọt cho cả bán đảo Cà Mau và tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ. Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng các bộ phải tính toán giải pháp công trình để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới sinh thái và văn hóa của vùng.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ khuyến khích các địa phương gắn kịch bản và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với điều kiện tự nhiên, sinh thái của mỗi tiểu vùng để bảo đảm hiệu quả của tính liên kết.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhìn nhận: “Trước tác động của biến đổi khí hậu ĐBSCL hôm nay không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Chúng ta không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững, khắc phục thách thức do biến đổi khí hậu để ĐBSCL phát triển lâu dài”.
Sau hội nghị này, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, xây dựng kỷ yếu hội nghị để thống nhất nhận thức và các giải pháp thích ứng với BĐKH, quản lý hiệu quả nguồn nước trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự lễ khởi công dự án Nhà máy điện gió Khai Long-Cà Mau tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau./.
TG