Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân: Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười để ứng phó với biến đổi khí hậu
Đồng
Tháp Mười là tiểu vùng nằm ở đầu nguồn của ĐBSCL bao gồm phần lớn diện
tích của 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Không có các huyện
giữa sông Tiền, sông Hậu của Đồng Tháp, không bao gồm vùng hạ của Long
An và cũng không có các huyện và thị xã phía đông của Tiền Giang. Do
chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và để sử dụng hiệu
quả nguồn nước sông Mê Kông trên thượng nguồn, sự liên kết hợp tác trong
phát triển nói chung, nông nghiệp nói riêng ở ĐBSCL, trong đó có tiểu
vùng Đồng Tháp Mười đã tất yếu càng trở nên bức thiết hơn bao giờ.
Vùng
Đồng Tháp Mười đang phải đối mặt với nhiều thách thức do việc khai thác
tài nguyên (rừng ngập mặn, rừng tràm, cát sông, cát ven bờ biển, nước
ngầm, tài nguyên đất, tài nguyên nước...) hầu như không quản lý được.
Ngoài ra, quản lý nhà nước chồng chéo nhưng thiếu liên kết, thiếu một cơ
chế phát triển tạo nên sức mạnh của cả vùng. Do vậy, tôi đề xuất mức độ
phác thảo 7 chương trình của mục tiêu tiểu vùng. Theo đó bao gồm:
chương trình sản xuất lúa gạo; chương trình trái cây đặc sản; thủy sản;
chương trình trồng lại rừng tràm, trữ nước ngọt và khôi phục chuỗi dinh
dưỡng đa dạng vốn có, kết hợp phát triển du lịch sinh thái; chương trình
nước sạch; chương trình cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy, bộ;
chương trình giải quyết vùng trũng về giáo dục và đào tạo nghề.
Ngư cụ bị xếp xó, chờ mùa lũ về.
|
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ: Cần chủ động để thích nghi với nguồn nước thay đổi bất thường
Qua
nghiên cứu đánh giá, tôi có thể kết luận nguồn nước về ĐBSCL trong thời
gian qua đang có xu hướng thay đổi thất thường. Sự thay đổi này là do
tác động của con người và biến đổi khí hậu. Trong đó khả năng ít nước có
xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Như vậy, có thể nói là lũ ít sẽ thường
xuyên hơn, nhưng lũ lớn vẫn còn nguy cơ xuất hiện.
Do vậy, chúng
ta cần thành lập một đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác dự báo về nguồn
nước. Cần lưu ý là mặc dù sự thay đổi về nguồn nước hiện nay theo xu
thế ít nước, nhưng nguy cơ xuất hiện nhiều nước có thể tạo ra lũ lớn rất
nghiêm trọng thì vẫn còn, vì vậy, dự báo sớm có ý nghĩa quan trọng hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần phân cấp để quản lý rủi ro. Theo đó dựa
vào cao trình mặt đất, phân bố không gian, hạ tầng quản lý nước, hiện
trạng sử dụng đất và phân bố dân cư để phân cấp rủi ro. Phân cấp rủi ro
cần chi tiết đến cơ sở hành chính cấp ấp nếu có thể nhưng tối thiểu thì
phải là cấp xã. Sau đó là cần phải xây dựng các kịch bản ứng phó khả thi
cho từng cấp rủi ro, tương ứng với các tình huống nguồn nước thay đổi
ít hay nhiều. Trong đó lấy năng suất cây trồng, diện tích bị ảnh hưởng,
chi phí sản xuất và lợi nhuận, thời gian... là những tiêu chí để đánh
giá hiệu quả của kịch bản.
Ví dụ như với một mực nước được dự
đoán sẽ xảy ra trong 2 tháng nữa thì có một kịch bản tương ứng và trong
kịch bản này từ đơn vị rủi ro (cấp ấp hoặc xã) sẽ có những giải pháp ứng
phó cụ thể. Vì vậy, khi chủ tịch UBND tỉnh “kích hoạt” kịch bản đó, thì
tất cả các trưởng ấp hay Chủ tịch xã đều nhận được “lệnh” qua các
phương tiện thông tin liên lạc là phải thực hiện ngay các bước có trong
kịch bản đó. Qui trình này cần được diễn tập nhiều lần và các kịch bản
cần được hiệu chỉnh hàng năm cho sát với điều kiện thực tế mỗi địa
phương.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ: Khôi phục các vùng trũng để trữ nước
Hiện
nay chúng ta nói rất nhiều chuyện tái cơ cấu sản xuất ngành nông
nghiệp. Điều này là do, những quy luật của thiên nhiên trở nên bất
thường hơn. Vấn đề nổi cộm chính là nguồn nước ngày càng khan hiếm đi.
Cho nên chiến lược đầu tiên cho những nhà hoạch định chính sách, người
nông dân là chọn ngay cây trồng nào ít sử dụng nước và không tiếp tục
gia tăng hoặc giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay. Rất cần thiết
xen canh mô hình canh tác lúa - cá, lúa - tôm để giảm bớt sử dụng nước
trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt là chúng ta cần
khôi phục các vùng trũng để trữ nước ở đó trong mùa lũ và phục vụ cho
mùa khô. Ngoài ra, bên ngành thủy lợi cũng đang nghiên cứu cách đưa nước
lũ xuống nước ngầm để trữ và sử dụng khi khô hạn kéo dài. Đồng thời
cũng nên khuyến khích người dân tái sử dụng nước mưa vì lâu nay coi là
“nước trời” cho nên phần lớn người dân quên đi thói quen trữ nước mưa
của ngày xưa. Còn về chính quyền cần phải thay đổi những quy hoạch về
sản xuất không còn phù hợp như hiện nay. Thí dụ những quy hoạch coi lũ
là thiên tai nên tìm cách thoát lũ ra biển Tây và khu vực Vàm Cỏ thì bây
giờ chúng ta nghĩ có cách nào giữ lũ lại nhằm giữ lại nguồn sống cho
ĐBSCL.
Anh Đức - Thu Trang
Anh Đức - Thu Tran/Báo Tin tức