Thứ Năm, 10/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 10/11/2011 22:46'(GMT+7)

Khai mạc Hội nghị cấp cao Hiệp hội Nam Á vì Hợp tác khu vực tại Manđivơ

 Sau khi nghe Thủ tướng Manđivơ Butan Díchmê Y. Thinlây (Jigme Y. Thinley) - Chủ tịch SAARC-16 - điểm lại những thành công của SAARC-16, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh năng lượng, năng lượng tái sinh, xây dựng trường SAARC, Tổng thống Manđivơ Môhamét Nasét (Mohamed Nasheed) đã có bài phát biểu khai mạc hội nghị. Tổng thống Nasét cho biết hội nghị SAARC-17 sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại, kết nối giao thông, liên kết kinh tế, biến đổi khí hậu, quản lý thảm họa.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Nasét khẳng định thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, các nước châu Á và đặc biệt là Nam Á, sẽ mạnh mẽ hơn với nền kinh tế bùng nổ và ảnh hưởng chính trị sẽ gia tăng. Với dân số trẻ và năng động, đội ngũ chuyên gia và các khoa học có uy tín, nền văn hóa được tôn vinh..., Nam Á đang là tâm điểm của sự quan tâm của thế giới và hiện tại chính là thời điểm để khu vực Nam Á tỏa sáng. Khẳng định vấn đề của một nước sẽ ảnh hưởng tới các nước khác, Tổng thống Nasét cho rằng các nước trong khu vực cần hợp tác, thúc đẩy liên kết kinh tế và xây dựng môi trường chính trị giúp đảm bảo an ninh trong khu vực.

Tổng thống Nasét cũng đánh giá cao những diễn biến tích cực trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakixtan, đồng thời kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị tại hai nước ủng hộ và khuyến khích chiều hướng tích cực này. Bày tỏ hy vọng hội nghị SAARC-17 sẽ đem tới những kết quả tích cực trong quan hệ Ấn Độ - Pakixtan, ông Nasét cũng mong muốn hai nước có thể giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi.

SAARC là một tổ chức của các nước Nam Á, được thành lập tháng 12/1985 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghệ, xã hội và văn hóa. Bảy nước sáng lập SAARC là Băngla Đét, Butan, Ấn Độ, Manđivơ, Nêpan, Pakixtan và Xri Lanca. Ápganixtan tham gia SAARC năm 2005./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất