Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 9/12/2009 9:49'(GMT+7)

Khai mạc kỳ họp cuối năm HĐND TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh: Ngổn ngang bức xúc dân sinh

Tắc đường vẫn là nỗi bức xúc ở Hà Nội và TPHCM.

Tắc đường vẫn là nỗi bức xúc ở Hà Nội và TPHCM.

Cùng khai mạc vào sáng ngày 8.12, kỳ họp cuối năm HĐND hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của cử tri hai thành phố mà còn của người dân cả nước. Bên cạnh những kết quả quan trọng được ghi nhận trong năm 2009, các báo cáo lẫn ý kiến thảo luận của đại biểu đã tập trung mổ xẻ nhiều tồn tại yếu kém của hai đô thị lớn.

Trong đó, nóng nhất vẫn là những bức xúc dân sinh: Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, giao thông đô thị, cải cách hành chính và năng lực điều hành của bộ máy chính quyền, quản lý đất đai, xây dựng đô thị...

TPHCM: "Nóng" vấn đề môi trường, VSATTP

Trong ngày đầu tiên của kỳ họp, đại biểu HĐND thành phố đã tập trung phân tích những vấn đề tồn tại, trong đó nóng nhất là nhóm các vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác điều hành của UBND thành phố.

Môi trường là một trong những vấn đề được đưa ra mổ xẻ nhiều nhất tại phiên thảo luận chiều ngày 8.11. Đại biểu (ĐB) Lê Thượng Mãn tiếp tục đưa câu chuyện bãi rác Đa Phước ra nghị trường. Theo ĐB Lê Thượng Mãn: "Từ trước đến nay, các báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường đều cho rằng bãi rác này tốt, là số 1. Tôi sẽ đưa ra đây một văn bản để nhấn mạnh vấn đề trung thực trong báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường. Công văn số 4228 ngày 9.11.2009 của Cty môi trường đô thị cho biết tình trạng ở bãi rác Đa Phước lầy lội, lún, không đảm bảo an toàn, nước rỉ rác bắn lên xe, khi xe chạy ra ngoài gây hôi thối, bị người dân ném đá. Lực lượng Cảnh sát môi trường nhiều lần xử phạt".
 

Đại biểu HĐND TPHCM khảo sát bãi rác Đa Phước.


ĐB Lê Thượng Mãn đề xuất: "Tôi nghĩ trong câu chuyện này cần phải có một bên thứ 3 phân định đúng sai, có thể đưa lên cho Thanh tra Chính phủ hoặc trực tiếp Chính phủ giải quyết. Nghị định 13 của Chính phủ quy định quản lý chất thải rắn giao cho ngành xây dựng. Trong khi đó ở thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường ôm từ khâu giám sát, quản lý dự án đến thương thảo giá, quản lý đầu tư... Như vậy có khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi". 

TPHCM: GDP tăng từ 7,5 đến 8%. Theo báo cáo của UBND thành phố, mặc dù gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới nhưng năm 2009, GDP của thành phố ước tăng từ 7,5 đến 8%. Ngoài ra, các khoản miễn giảm trên địa bàn thành phố trong năm 2009 khoảng 8.000 tỉ đồng nhưng nguồn thu trên địa bàn có khả năng tăng 3,4%.

 TP.Hà Nội: Mức tăng trưởng kinh tế khá. Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình, kinh tế thủ đô năm 2009 đã vượt qua thời kỳ khó khăn, càng về cuối năm, tốc độ tăng trưởng càng cao. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thủ đô ước tăng 6,7% so với năm 2008. Đây là mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của cả nước (5,2%).  Giá trị tăng thêm tài chính, tín dụng cao nhất, ước đạt 13%, là một trong những tác động thúc đẩy ngành dịch vụ tăng mạnh. Các hoạt động kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn tăng khá, ước đạt 8,2%. 

Một số ĐB khác như Đặng Văn Khoa, Nguyễn Đăng Nghĩa bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường. Theo các đại biểu này, tình trạng ô nhiễm môi trường đang lan rộng, ăn sâu mỗi ngày một nghiêm trọng. Các dòng kênh trên địa bàn các quận ngoại thành ngày càng ô nhiễm nặng. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu thì sẽ có thêm nhiều con kênh Ba Bò khác, ngân sách thành phố lại phải chi hàng trăm (700 tỉ đồng - PV) để giải quyết hậu quả.

Vấn đề VSATTP được nhiều đại biểu quan tâm. ĐB Lâm Đình Chiến đánh giá: "Vấn đề ATVSTP mỏng manh quá, ngày càng phức tạp và khó kiểm soát". ĐB Đặng Văn Khoa phản ánh: "Thật đáng sợ, đến bây giờ phải nói là không biết ăn uống cái gì nữa cho an toàn, cái gì cũng có nguy cơ, trong khi ăn uống là một trong những nhu cầu lớn nhất của con người. Ngay cả cháo dinh dưỡng cho trẻ em mà người ta còn dám làm dối trá. Vấn đề ATVSTP phải có một bộ máy, tổ chức chuyên trách riêng chứ không thể trông chờ vào ngành y tế, mặc dù ngành y tế trong thời gian gần đây có tiến bộ nhưng chưa đủ".

Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận sôi nổi nhất là công tác điều hành của UBND thành phố trong năm 2009. ĐB Đặng Văn Khoa đã đưa ra 3 dẫn chứng cụ thể và cho rằng cách điều hành của UBND thành phố có dấu hiệu tùy tiện.

Hà Nội: Giải quyết bức xúc dân sinh


Sáng 8.12, phát biểu tại kỳ họp HĐND TP, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện và quan trọng trong năm 2009, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bảo đảm an sinh xã hội... Tuy nhiên, thủ đô vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục như kinh tế phát triển thiếu năng động, cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng nảy sinh lắm tiêu cực...

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, năm 2008, Hà Nội đã đề xuất dừng và chuyển mục tiêu đầu tư 10 dự án sân golf. TP cũng đã phát hiện 318 dự án chậm triển khai và tiến hành thu hồi một số dự án của Cty du lịch Hà Nội (tại 15 - 17 Yên Phụ, 402m2), Cty khai thác công trình thủy lợi Gia Lâm (6.900m2 đất tại Sài Đồng), Cty Vĩnh Hà (4.302m2 đất tại Yên Viên), HTX Nông nghiệp Mỗ Lao (2.341m2 tại Mỗ Lao)...

Trong năm 2009, TP cũng đã mạnh tay hơn trong công tác quản lý đất đai, dỡ bỏ nhiều công trình xây dựng trái phép, trong đó công trình lớn như khu biệt thự tại Cty Yến Long (Mỹ Đình - Từ Liêm), điều chỉnh một số dự án sau khi lắng nghe tiếng nói của dư luận như chợ 19/12, chợ Con voi, KS nằm trong công viên Thống Nhất, khu du lịch Quốc tế Ba Vì...

Bí thư Thành ủy cũng đã chỉ rõ những tồn tại của thủ đô. Đó là sự thiếu năng động, sáng tạo và chưa có bước đột phá trong lĩnh vực kinh tế. Công tác quản lý quy hoạch, đô thị và bảo vệ môi trường còn tồn tại nhiều bức xúc,...

Trước thềm đại lễ 1.000 năm, nhận định thủ đô sẽ hết sức bận rộn để giải quyết nhiều việc lớn, tuy nhiên, Bí thư Thành ủy vẫn yêu cầu TP trước hết phải giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, giao thông đô thị, vệ sinh thực phẩm, cải thiện chất lượng môi trường, môi sinh; hoàn thành xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng thủ đô, các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới thiết thực trong chỉ đạo, điều hành theo tinh thần "quyết liệt, năng động, sáng tạo"... 

Theo Hải Phong - Ngọc Huân
(Lao Động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất