Nhân Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), sáng 21/4, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc lần thứ II, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Cuộc diễu hành của 100 thanh niên tình nguyện quanh thành phố Hà Nội và Lễ dâng hương tại đền thờ Chu Văn An là hoạt động khởi đầu Ngày hội sách và văn hóa đọc 2012.
Phát biểu tại Ngày hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, nêu rõ năm 2012 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch, như 3 năm thực hiện triển khai Chiến lược phát triển văn hóa, hướng tới năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần nâng hiệu quả trong thế hệ đọc tương lai;” Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời là năm Quốc hội khóa 13 sẽ ban hành Luật thư viện.
Với ý nghĩa đó, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách.
Thông qua ngày hội để tôn vinh văn hóa đọc và nâng cao vai trò của các tác giả, tác phẩm và nghề thư viện.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh đọc sách là một hành trang không thể thiếu trong quá trình phát triển nhân loại nói chung và của một dân tộc nói riêng, trong đó có Việt Nam - một dân tộc có truyền thống hiếu học. Tình yêu đối với sách sẽ hình thành nét đẹp trong văn hóa đọc và lan tỏa tới mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị, trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa cơ sở, hệ thống thư viện, nhà trường cần quan tâm tới phong trào đọc; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc.
Ngày hội sách và văn hóa đọc năm nay được tổ chức với quy mô quốc gia, đã thu hút đông đảo nhân dân, các công ty, nhà sách, nhà xuất bản đến triển lãm.
Có 2 sân khấu được dựng lên, trong đó sân khấu 1 có 10 gian hàng của các đại diện là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Văn hóa và Thông tin truyền thông; Nhà sách Thái Hà Books; Sách điện tử bản quyền Alezaa.com; Nhà xuất bản Thông tin truyền thông; Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Văn Minh; Nhà xuất bản Thời Đại... Sân khấu 2 có 5 gian hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia; Nhà xuất bản từ điển Bách Khoa; Nhà sách Đinh Tị.
Các hoạt động chính sẽ diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám như: Các nhà thơ, nhà văn tự trình bày các tác phẩm văn xuôi, thơ của mình; các em thiếu nhi sẽ vẽ, viết và tuyên truyền giới thiệu về những cuốn sách các em đã đọc; chương trình giao lưu, tọa đàm giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ với công chúng; thi xếp sách nghệ thuật của các nhà xuất bản, nhà sách; thi tuyên truyền giới thiệu sách của thiếu nhi, của sinh viên ngành thư viện và cán bộ thư viện; thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo; thi đọc và viết thu hoạch cuốn sách yêu thích; triển lãm sách đương đại, cùng với việc bán sách giá ưu đãi; triển lãm những tài liệu quý hiếm-di sản văn hóa của dân tộc hiện đang lưu giữ trong thư viện; góc thư viện dành cho các em; chương trình quyên góp sách để chung tay xây dựng nông thôn mới và chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Bài ca nghề thư viện” cùng với các trò chơi dân gian, vẽ tranh tự do, thư pháp.
Hưởng ứng Ngày hội đọc sách các địa phương, trường đại học, cao đẳng, thư viện trên toàn quốc đồng loạt tổ chức nhiều sự kiện thiết thực, bổ ích./.
(TTXVN)