Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 30/5/2016 9:15'(GMT+7)

Khai thác, sử dụng tài nguyên nước miền Tây Nam Bộ hợp lý trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn

Phó Giáo sư.Tiến sĩ Đoàn Văn Cảnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Việt Nam có tài nguyên nước dưới đất phong phú nhưng phân bố không đồng đều theo lãnh thổ. Việc khai thác nước dưới đất mạnh mẽ không những ở đô thị mà cả ở các vùng nông thôn cho các vấn đề phục vụ dân sinh, nuôi thủy hải sản, trồng cây… làm tài nguyên nước dưới đất ảnh hưởng và diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu tài nguyên nước dưới đất miền Tây Nam Bộ, giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn” sẽ giúp công tác quản lý khai thác nước dưới đất, quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ bền vững.

Đề tài đã cập nhật những vấn đề hiện đại nghiên cứu nước dưới đất mà thế giới đang quan tâm và áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt có tính ứng dụng cho các vùng đồng bằng ven biển chịu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn. Kết quả sản phẩm nghiên cứu của đề tài đã được bàn giao cho Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội để khai thác và sử dụng phục vụ cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở địa phương, bởi khai thác nước dưới đất tác động đến môi trường và ngược lại sự phát triển đô thị tác động như thế nào đến tài nguyên nước dưới đất. Vì vậy, đề tài là cơ sở khoa học để xác định các tiêu chí phân vùng khai thác cho hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường bền vững.

Điểm đặc biệt của đề tài là sử dụng những nghiên cứu mới nhất về địa chất thủy văn đồng vị để làm rõ thêm về nguồn gốc nước dưới đất ở đồng bằng Nam Bộ, chứng minh được sự thấm xuyên giữa các tầng chứa nước khi khai thác nước. Theo thống kê trong báo cáo tổng kết đề tài, tổng lượng khai thác được đến năm 2013 là hơn 3,4 triệu m3/ngày, tương đương 1.250 tỉ m3/năm, trong đó miền Đông Nam Bộ là 2,2 triệu m3/ngày và miền Tây Nam bộ khai thác hơn 1,2 triệu m3/ngày. Với mức khai thác như hiện nay đã dẫn tới hậu quả là nước ở tầng dưới thấm xuyên lên tầng trên làm cho nước tầng trên có tuổi già hơn so với mức dự kiến theo độ sâu. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã xây dựng được bản đồ phân vùng tự bảo vệ nước dưới đất đồng bằng Nam bộ. Theo đó, hầu hết nước dưới đất đều có khả năng tự bảo vệ tốt, trừ các diện tích tầng chứa nước lộ ra ở rìa bắc miền Đông Nam Bộ.

Tại hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC.08/11-15 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả của chương trình này. Chương trình đã có những đóng góp mới về lý luận cũng như thực tiễn trong chiến lược phòng, tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của nước ta; xác lập cơ sở khoa học cho việc nhận dạng đầy đủ và đánh giá đúng vị thế của các dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng, nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển nhiều ngành kinh tế trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Với những kết quả và triển vọng đạt được của đề tài, thời gian tới có thể chuyển nghiên cứu, đề xuất thực hiện chương trình ở giai đoạn đẩy mạnh việc ứng dụng cụ thể hơn, sâu hơn. Để Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước tiếp tục có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần có quy định về cơ chế chuyển giao để việc chuyển giao kết quả khoa học của các đề tài cho các đối tượng thụ hưởng một cách dễ dàng và tạo điều kiện cho kết quả nghiên cứu đến với thực tiễn.../.

Hoàng Linh/TTXVN



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất